Mưu sinh mạo hiểm... như cascadeur

05/04/2013 09:36 AM


Lơ lửng như "người nhện" trên những tòa nhà cao tầng, đu người trong không trung như cascadeur (diễn viên thế thân)... đó là người thợ kiếm sống bằng nghề lau kính, sơn nước, lắp biển quảng cáo.


Những công việc này rất nguy hiểm, nhiều rủi ro, không ít người vì sơ suất mà đã tàn phế suốt đời, thậm chí mất cả tính mạng. Nhưng vì miếng cơm manh áo, nhiều người vẫn chấp nhận liều mình, lấy làm nghiệp mưu sinh.

Vừa xong một ngày lơ lửng trên tòa nhà 14 tầng gần sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình, TP.HCM), anh Trần Xuân Sơn (48 tuổi, quê An Giang), cho biết trước đây anh làm sơn nước nhưng hiện chuyển sang làm công nhân lau kính. Tuy mức độ nguy hiểm như nhau nhưng ngày công lau kính được 300.000 đồng, còn sơn nước thì ít hơn. Với công việc này khó nhất là khi ra dây, ngồi lên tấm ván nhỏ cùng dụng cụ lau chùi rồi được kéo lên cao. Ngoài dây gắn vào tấm ván, còn phải có dây đai riêng buộc vào người để phòng tai nạn. Anh Sơn tâm sự: "Tôi làm nghề này được 3 năm, tòa nhà cao nhất từng "chinh phục" hơn 40 tầng. Không học hành và vì mưu sinh mới làm công việc nhiều nguy hiểm này. Lúc đầu sợ lắm, cứ lên cao là nhức đầu, chóng mặt, nhưng tập dần cũng quen. Nhiều người mới vào, khi lên cao nhìn xuống dưới đất sâu thăm thẳm sợ quá bỏ việc luôn. Ở trên cao như thế, nếu chẳng may rơi xuống thì chết chắc. Lần đầu tiên leo vào tấm ván nhỏ chân cứ run run, thả người từ từ vào khoảng không, nghe gió ù ù thổi ngang tai, nhìn xuống đất thì... thật sự kinh hãi. Nhiều suy nghĩ không hay bắt đầu ập tới như nhỡ sợi dây thừng là đồ dỏm, dùng lâu lăm nếu đứt thì toi mạng. Khi lên cao, sợ nhất là lúc gió thổi mạnh. Như hồi làm ở Q.2, đang lau kính thì có ngọn gió bất ngờ thổi đến làm thang dây đu đưa đến 10m". Theo anh Sơn, công ty cũng có mua bảo hiểm cho công nhân. Để trụ với nghề này thì phải có sức khỏe, không bị các bệnh về tim mạch, có thần kinh thép, không sợ độ cao, cần sự dẻo dai.

Nghề lắp biển quảng cáo cũng không kém phần nguy hiểm. Nhiều tai nạn chết người đã xảy ra vì chập điện, không có bảo hộ lao động. Còn những người lắp biển quảng cáo làm người ta liên tưởng đến những diễn viên xiếc hay cascadeur trong phim ảnh. Nhiều tai nạn thương tâm do hỏng dàn giáo, chập điện đã xảy ra. Như ngày 18/1, tại hẻm 2/3 quốc lộ 13 (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM), có 4 công nhân sửa biển quảng cáo. Khi anh Nguyễn Kỳ Nam (SN 1989, quê Quảng Nam) leo lên giàn để hàn thì bị chập điện nên rơi xuống đất từ độ cao hàng chục mét, tử vong tại chỗ. Trong các nghề leo trèo, nghề sơn nước (quét vôi) là nguy hiểm nhất, bởi các công cụ bảo hộ do tự tay công nhân làm, không có bảo hiểm tai nạn. "Thả dây đu xuống lỡ bị bung cái chốt, dây bị đứt thì coi như xong" - anh Phạm Văn Đăng, một thợ sơn nước - cho biết.

Việt Nam đang là nước đứng sau nhiều nước trên thế giới về mức độ an toàn lao động. Năm 2012 có tới gần 6.800 vụ tai nạn lao động, thiệt hại về tài sản là 11 tỷ đồng và chi phí bồi thường lên tới 82,6 tỷ đồng, trong đó có 606 người chết vì tai nạn lao động, tăng gần 10% so với năm 2011. Nhưng đây là con số thống kê chưa đầy đủ, ước tính con số thực tế lên tới 40.000 vụ mỗi năm. Các ngành khai thác mỏ, xây dựng, hóa chất để xảy ra nhiều tai nạn lao động với số người chết cao nhất.  Nguyên nhân là do điều kiện làm việc thiếu an toàn trong các ngành này gây ra rất nhiều rủi ro có thể dẫn tới tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về an toàn vệ sinh lao động cho biết: điều đáng lo ngại chính là số vụ tai nạn lao động và ca mắc bệnh nghề nghiệp trong các ngành này, đặc biệt là ngành khai thác mỏ và xây dựng, có xu hướng gia tăng với những tác động nghiêm trọng hơn. Chính phủ Nhật Bản và ILO hiện đang giúp Việt Nam cải thiện an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao trong khuôn khổ một dự án được khởi động trong năm 2012 và kéo dài 3 năm. Hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng để giải quyết vấn đề này. Qua đó, Viêt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực nhằm tăng cường hệ thống an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao trong bối cảnh đất nước đang soạn thảo Luật An toàn vệ sinh lao động. Giám đốc Quốc gia Văn phòng ILO tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki, phần lớn các vụ tai nạn lao động có nguyên nhân từ chính con người, việc tăng cường nhận thức về an toàn vệ sinh lao động cần được thực hiện ở phạm vi lớn hơn không chỉ ở nơi làm việc.

Thống kê của ILO, cứ mỗi 15 giây, trên thế giới có một công nhân chết vì tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Và cứ mỗi 15 giây, 160 công nhân bị tai nạn khi đang làm việc. Những tổn thất về con người trong vấn đề này rất lớn. Gánh nặng kinh tế do điều kiện an toàn lao động và vệ sinh ở nơi làm việc không đảm bảo ước tính tương đương với 4% GDP toàn cầu mỗi năm.

Theo KT&ĐT