Chuyên gia hiến kế "đòi nợ" BHXH

27/06/2013 09:22 AM


Khởi kiện, tạm dừng hoạt động sản xuất, tăng mức lãi suất phạt chậm đóng… là những giải pháp sẽ được thực hiện quyết liệt trong thời gian tới để chấm dứt tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.


Theo thống kê mới nhất của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, hiện các đơn vị sử dụng lao động trên cả nước có số nợ lên tới gần 9.600 tỷ đồng, trong đó, nợ BHXH chiếm 7.140 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế gần 2.460 tỷ đồng.

Nhiều "chiêu" trốn đóng BHXH

Hiện nay, việc các doanh nghiệp chậm nộp, trốn đóng BHXH có chiều hướng tăng, nhiều doanh nghiệp dùng thủ đoạn tinh vi để trốn tránh trách nhiệm. Thường thì, người sử dụng lao động không đóng BHXH bằng cách không ký hợp đồng với người lao động (hợp đồng miệng), ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng hoặc dưới 12 tháng để trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp (hợp đồng thời vụ), đồng thời thường xuyên thay đổi địa điểm để trốn tránh các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, doanh nghiệp thường đóng không đủ số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc bằng cách báo số lượng không đúng thực tế, chỉ đăng ký  đóng BHXH cho một số lãnh đạo quản lý, nhân viên thuộc khối văn phòng.

Doanh nghiệp cũng “lách luật” bằng cách đóng không đúng thời gian và mức quy định, cố tình chây ỳ, chấp nhận chịu phạt tiền chậm đóng do mức lãi suất phạt chậm đóng thấp và chỉ đóng BHXH trên cơ sở mức lương, tiền công thấp hơn mức thực tế của người lao động, chủ yếu chỉ bằng mức lương tối thiểu vùng.

Thậm chí, có trường hợp chủ doanh nghiệp trích trừ tiền BHXH, BHTN của người lao động nhưng không nộp. Khi các cơ quan thanh tra xử lý, doanh nghiệp chỉ nộp một ít mang tính chất đối phó rồi hứa sẽ trả dần.

Ông Vũ Mạnh Chữ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho rằng: việc trốn đóng, chậm đóng BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật dân sự, Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật BHYT, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Lý giải về tình trạng này, ông Chữ cho rằng trước hết là do cơ chế, chính sách chưa phù hợp. Đa số doanh nghiệp cố tình nợ BHXH do mức lãi suất chậm đóng thấp hơn lãi suất vay ngân hàng nên chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH.

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH chỉ có chức năng kiểm tra, không được xử lý vi phạm. Vì vậy, khi phát hiện các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, cũng chỉ có thể phản ánh tới cơ quan chức năng. Đây cũng là nguyên nhân khiến các vụ việc phát hiện được nhiều nhưng xử lý không đáng kể.

Ngoài ra, chủ doanh nghiệp cố tình không đóng BHXH do nắm được tâm lý người lao động cần việc làm, thu nhập và nhận thức về pháp luật chưa đầy đủ. Người lao động mới cần giải quyết thu nhập trước mắt để tồn tại mà chưa cần tích lũy cho tương lai.

“Đòi nợ” cũng cần quyết liệt

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, với cơ chế thu nợ như hiện nay khó có thể khiến doanh nghiệp tự nguyện trả nợ. Do đó, để bảo đảm quyền lợi thiết thân, trước tiên người lao động cần hành động để bảo vệ mình như: tìm hiểu kỹ về các chế độ, chính sách lao động, Luật BHXH, sau thời gian thử việc, đề nghị Công ty làm thủ tục đăng ký BHXH; sau đó thường xuyên quan tâm về số sổ BHXH đã đăng ký.

Bàn về các giải pháp “đòi nợ” BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương khẳng định trong thời gian tới, ngành BHXH sẽ thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt như: đối chiếu, thông báo kết quả thực hiện đóng BHXH, BHYT hằng tháng, tính lãi phạt chậm đóng đối với các đơn vị sử dụng lao động tham gia, công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát huy hiệu quả hoạt động của tổ thu hồi nợ liên ngành…

Đối với những doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng BHXH kéo dài sẽ có các chế tài xử phạt nghiêm, khởi kiện, thậm chí yêu cầu tạm ngừng hoạt động sản xuất. 3 năm qua, cơ quan BHXH đã thực hiện đưa các doanh nghiệp nợ BHXH và BHYT ra tòa. Đến hết quý I/2013, 41 tỉnh, thành phố tiến hành khởi kiện 345 đơn vị. Các cơ quan thực thi pháp luật đang thụ lý 250 đơn vị, đã xét xử 50 đơn vị và thi hành án được 45 đơn vị. Số tiền thu hồi về được 31,6 tỷ đồng.

Về việc lãi suất chậm đóng bảo hiểm xã hội phải trả thấp nên ngày càng nhiều doanh nghiệp chậm, nợ bảo hiểm xã hội để lấy vốn kinh doanh, khiến người lao động không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Trần Thị Thúy Nga cho biết, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ đề xuất mức lãi suất doanh nghiệp chậm đóng BHXH phải đóng tăng gấp 3 lần lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội hoặc 2 lần lãi suất liên ngân hàng.

BHXH Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi những bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật BHYT như nâng mức xử phạt hành chính, xem xét đưa vào Bộ luật Hình sự tội danh "trốn đóng BHXH, BHYT", giao xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT.

Nguồn Chinhphu.vn