Tăng cường hỗ trợ cho hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững

24/06/2013 12:22 AM


Hiện nay, có nhiều chính sách ưu đãi cho hộ nghèo để đảm bảo thực hiện thành công sự nghiệp giảm nghèo bền vững. Bên cạnh những chính sách trực tiếp hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, Nhà nước cũng đang quan tâm hơn đến đối tượng cận nghèo, mới thoát nghèo nhằm giúp họ vượt qua nguy cơ của nghèo đói.


1. Hộ cận nghèo và quá trình giảm nghèo

Hiện nay, có nhiều chính sách ưu đãi cho hộ nghèo để đảm bảo thực hiện thành công sự nghiệp giảm nghèo bền vững. Bên cạnh những chính sách trực tiếp hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, Nhà nước cũng đang quan tâm hơn đến đối tượng cận nghèo, mới thoát nghèo nhằm giúp họ vượt qua nguy cơ của nghèo đói. Do đó, đến cuối năm 2012, cả nước còn hơn 1,46 triệu hộ cận nghèo (chiếm 6,98%), trong đó khu vực có số hộ cận nghèo cao nhất là khu IV cũ (gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) với 346.803 hộ (chiếm 13,04%), sau đó là các tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình với tỷ lệ 11,48% và khu vực duyên hải miền Trung với tỷ lệ 9,32%. Nhìn chung, số hộ cận nghèo cả nước đã giảm so với năm 2011 kể cả về số tuyệt đối (từ 1.530.295 hộ xuống còn 1.469.727 hộ) và số tương đối (từ 6,98% xuống 6,57%).

Bảng: Hộ cận nghèo năm 2011-2012

STT

Khu vực

Năm 2011

Năm 2012

Số hộ

Tỷ lệ %

Số hộ

Tỷ lệ (%)

1

Cả nước

1.530.295

6,98

1.469.727

6,57

2

Miền núi Đông Bắc

231.726

9,58

220.307

8,92

2

Miền núi Tây Bắc

74.661

12,08

72.985

11,48

4

Đồng bằng Sông Hồng

226.935

4,46

241.086

4,58

5

Khu IV cũ

359.651

13,78

346.803

13,04

6

Duyên hải miền Trung

197.065

10,01

187.514

9,32

7

Tây Nguyên

69.290

5,87

76.144

6,19

8

Đông Nam Bộ

66.519

1,78

40.432

1,08

9

ĐB sông Cửu Long

304.448

7,04

284.456

6,51

Nguồn: Kết quả rà soát hộ nghè, cận nghèo  năm 2011 và 2012 của Bộ LĐTBXH

Có được những kết quả nêu trên là sự cố gắng từ các cơ quan nhà nước cũng như trách nhiệm của cộng đồng xã hội, sự nỗ lực vươn lên của bản thân người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Kết quả đó đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững.

2. Nhiều chính sách dành cho hộ cận nghèo

Ngày 23/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg về tín dụng với hộ cận nghèo, đến nay hệ thống ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai cho vay tín dụng đối với hộ cận nghèo theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là lần đầu tiên, đối tượng hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, thoát khỏi nguy cơ tái nghèo.Theo quy định của Chính phủ, hạn mức vay tối đa đối với mỗi hộ cận nghèo là 30 triệu đồng với lãi suất không vượt quá 130% (khoảng 10,14%/năm) lãi suất cho vay đối với hộ nghèo. Chu kỳ cho vay tối thiểu là 1 năm và có thể kéo dài 7 năm, tùy theo mô hình sản xuất. Nhìn chung,việc cho vay với hộ cận nghèo được hưởng các ưu đãi tương tự như tín dụng cho vay đối với hộ nghèo, chỉ khác nhau về lãi suất.

Hơn nữa, ngày 08/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 705/QĐ-TTg về việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo, trong đó nêu rõ: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, gồm:Người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo, thời gian hỗ trợ 05 năm sau khi thoát nghèo. Trường hợp người thuộc hộ cận nghèo đã thoát nghèo trước ngày 01 tháng 01 năm 2013 nhưng thời gian thoát nghèo tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2013 chưa đủ 05 năm, thời gian còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế, thời gian hỗ trợ thấp nhất là 01 năm và người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ.Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%. Các địa phương còn lại, bố trí từ ngân sách địa phương.

Ngày 6/5/2013, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 57/2013/TT- BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 121/2011/TT-BTC ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của thủ tướng chính phủ về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013, trong đó hỗ trợ 90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

Ngoài ra, nhiều địa phương tùy thuộc vào khả năng đã có chính sách hỗ trợ riêng cho hộ cận nghèo giúp họ thực sự vượt qua những nguy cơ nghèo đói.

Mặc dù thời gian gần đây đã có nhiều chính sách quan tâm hơn đến hộ nghèo, nhưng một số so sánh cho rằng có quá nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp người nghèo qua việc cấp tín dụng ưu đãi cho sản xuất kinh doanh, đất sản xuất, dạy nghề, khuyến nông lâm ngư, xuất khẩu lao động và các chính sách hỗ trợ gián tiếp như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, pháp lý... Trẻ em trong các hộ gia đình nghèo được ưu đãi, giảm học phí và các khoản đóng góp, nhận học bổng và trợ cấp xã hội, hỗ trợ học bán trú, được vay để học nghề, cao đẳng, đại học và hỗ trợ toàn bộ đóng bảo hiểm y tế...Trong khi đó đối với hộ cận nghèo còn quá ít chính sách, tuy nhiên một thực tế là hộ cận nghèo có nhiều nguy cơ rơi vào ngưỡng nghèo hoặc tái nghèo (đối với những đã hộ thoát nghèo). Bên cạnh đó, quan niệm về nghèo đói chỉ giới hạn vào nghèo đói thu nhập trong khi chuẩn nghèo thấp dẫn đến tỷ lệ hộ cận nghèo cao.

Do vậy, công cuộc giảm nghèo muốn thành công thì không những tập trung cho hộ nghèo mà việc hỗ trợ hộ cận nghèo để họ vươn lên tránh rơi vào ngưỡng nghèo là chính sách chủ động góp phần giảm nghèo bền vững.

3. Một số khuyến nghị

Để thực hiện tốt chính sách giảm nghèo bền vững, theo chúng tôi cần quan tâm hơn nữa trong việc thiết kế những chính sách cho hộ cận nghèo, cụ thể như:

Thứ nhất, về quan niệm cận nghèo nên bổ sung người cận nghèo thuộc đối tượng yếu thế để có những chính sách trợ giúp xã hội phù hợp như hiện nay đang hỗ trợ người nghèo góp phần thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 01/6/2013 một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI nêu rõ: “Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng trên 3,5 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,5-2%/năm; các huyện, xã có tỷ lệ nghèo cao giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn”.

Thứ hai, xem xét ứng dụng các mô hình giảm nghèo và có thể áp dụng cho các hộ cận nghèo nhằm giúp họ vươn lên vượt qua hẳn ngưỡng nghèo; đồng thời có chính sách hỗ trợ giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ cận nghèo đi XKLĐ cải thiện đời sống của bản thân họ và gia đình.

Thứ ba, một chính sách cần ưu tiên để hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là hỗ trợ con em hộ cận nghèo đến trường, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của bản thân hộ đó và đây cũng là một yếu tố cơ bản để giúp họ thoát nghèo bền vững.

Thứ tư, cần thường xuyên tổng kết đánh giá được hiệu quả triển khai thực hiện chính sách và có các tiêu chí cụ thể đánh giá tác động của chính sách ưu tiên nhằm có biện pháp điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ năm, cần thay đổi nhận thức qua việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền để nhận thức được vai trò của việc thực hiện các chính sách hỗ trợ hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ nghèo. Đồng thời qua đó tuyên truyền để xác định xóa đói giảm nghèo là việc của bản thân người dân, họ tự giác, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo. Hơn nữa kêu gọi trách nhiệm của cộng đồng và xã hội cùng tham gia thực hiện giảm nghèo, chung tay hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững./.

TS Bùi Sỹ Tuấn/Viện Khoa học Lao động và Xã hội