Góp ý Dự thảo sửa đổi Luật Dược: Hội đồng liên ngành sẽ quản giá thuốc?
21/06/2013 03:26 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới vừa tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo sửa đổi Luật Dược và xây dựng chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh dược. Nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ nên thành lập Hội đồng liên ngành về quản lý giá thuốc.
Đấu thầu thuốc BV cần coi trọng chất lượng
Bộ Tài chính "cầm trịch” giá thuốc
Theo TS Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trong Luật Dược chỉ giao Bộ Y tế làm đầu mối mà không phân công nhiệm vụ cụ thể về quản lý giá thuốc giữa các bộ, ngành khiến quá trình thực hiện lâu nay gặp nhiều khó khăn. "Hiện có tới 97% số hồ sơ xin cấp số đăng ký thuốc phải bổ sung sau khi nộp cho cơ quan chức năng. Trước đây một ngày, chuyên gia có thể đọc 10 - 15 hồ sơ đăng ký thuốc, nhưng sau khi Thông tư 22 ban hành năm 2009 quy định về quản lý đăng ký thuốc chặt chẽ hơn, mỗi ngày chuyên gia chỉ đọc 3 - 5 hồ sơ. Điều này dẫn đến quá tải trong đăng ký thuốc” - ông Cường nói. Đó là chưa kể phí thẩm định quy định thấp không tương xứng với công sức thẩm định.
Vì vậy cần giao Bộ Tài chính xây dựng các chính sách về tài chính liên quan đến quản lý giá thuốc, làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hiệp thương giá. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận việc chênh lệch giá thuốc giữa các bệnh viện (BV), giữa BV và thị trường, giữa các địa phương là do giá thuốc bị đẩy đi lòng vòng, các hãng dược bắt tay với thầy thuốc kê đơn để hưởng hoa hồng...
Có 2 phương án đề xuất Chính phủ thành lập Hội đồng liên ngành về quản lý giá thuốc: Một là Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng, Phó là lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN); Hai là Bộ trưởng Bộ Y tế làm Chủ tịch Hội đồng và Phó là lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, BHXHVN, Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng: Lựa chọn phương án 1 sẽ phù hợp với quy định của Luật Giá. Bởi lẽ Bộ Tài chính có chức năng quản lý giá nói chung và là đơn vị xây dựng các chính sách, cơ chế về giá thuốc mang tính chỉ đạo, điều hành. Làm vậy cũng đảm bảo tính khách quan trong quản lý giá thuốc.
Đấu thầu giảm chi phí song cần đảm bảo chất lượng
Riêng về vấn đề đấu thầu thuốc, Bộ trưởng Kim Tiến cho biết: Liên Bộ Y tế và Tài chính đã ban hành 2 Thông tư mới - Thông tư 01 và 11, về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc và lập hồ sơ mời thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế nên việc đầu thầu thuốc tại các BV đã được cải thiện, giá nhiều loại thuốc đã được giảm xuống ở mức hợp lý. Có BV, số tiền dành cho mua thuốc giảm tới 30% so với trước năm 2012, góp phần giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng.
Tuy vậy quy định của hai Thông tư nói trên lấy tiêu chí "giá trúng thầu rẻ nhất”, nghĩa là cùng chủng loại thì sẽ trúng thầu thuốc nào có giá rẻ nhất, không quản chặt được vấn đề chất lượng. Phó Tổng Giám đốc BHXHVN Nguyễn Minh Thảo cũng cho rằng: Hiện đấu thầu chưa có tiêu chí xét nguồn nguyên liệu thuốc, trong khi cùng một thuốc nhưng nguyên liệu rẻ kéo theo chất lượng thành phẩm thấp vẫn có thể trúng thầu vì cạnh tranh giá. "Cần phải nghiên cứu sâu hơn để giá tốt nhưng chất lượng đảm bảo. Nếu kiểm soát tốt thì phải kiểm soát cả nguyên liệu sản xuất thuốc. Tới đây phải làm việc này” - ông Thảo nói.
Nhiều đại biểu dự Hội thảo cũng cho rằng: Dự thảo Luật Dược mới cần có những quy định quản lý giá đối với các loại thuốc mới, thuốc hiếm, thuốc biệt dược và thuốc có ít số đăng ký. Đồng thời áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với các loại thuốc thiết yếu, thuốc bảo hiểm y tế. Đúng là những bệnh nhân nặng bắt buộc dùng biệt dược, thuốc mạnh mới hiệu quả, song có tới 70% bệnh là ở mức độ bình thường. Vì vậy, nên khuyến khích dùng thuốc trong nước đảm bảo đạt tiêu chuẩn GMP, bác sĩ cần kê đơn hợp lý.
Kim Vân (Đại đoàn kết)
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT