Biết nhiều ngoại ngữ mới mong tìm được việc làm ở Thụy Sĩ

07/06/2013 09:26 AM


Khả năng biết các ngoại ngữ như tiếng Trung Quốc, tiếng Nga và tiếng Arập là những lợi thế kiếm việc làm ở quốc gia đa ngôn ngữ như Thụy Sĩ, ngay cả khi nhu cầu trên thị trường lao động không cao.


Tiếng Anh là ngôn ngữ nói phổ biến nhất ở Thụy Sĩ bên cạnh các quốc ngữ là Đức, Pháp và Italy. Ngoại ngữ mở ra nhiều cánh cửa, mang lại nhiều cơ hội cho những ai có khả năng biết nhiều ngôn ngữ, ngoài tiếng mẹ đẻ. Petra Gekeler, giám đốc trung tâm ngoại ngữ tại trường Đại học Basel, cho biết nhu cầu học ngoại ngữ như tiếng Trung Quốc, Nga và Arập rất cao với số lượng sinh viên theo học đang ngày một gia tăng. Đối với lớp trẻ hiện nay, khả năng nói được nhiều ngôn ngữ không chỉ tiếng Pháp, Italy hay Tây Ban Nha, là rất quan trọng đối với công việc trong tương lai.

Migros Club School, một trong những trường tư lớn ở Thụy Sĩ, có 50 cơ sở giảng dạy cung cấp 600 khóa học dạy 32 ngôn ngữ trên thế giới bên cạnh các thứ tiếng như Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và tiếng Anh. Daniela Canclini - người chịu trách nhiệm xếp lớp tại Migros Club School, cho biết trong 12 tháng qua, những ngôn ngữ phổ biến nhất thu hút được nhiều sinh viên là tiếng Nga, Bồ Đào Nha, Arập, Hy Lạp, Nhật Bản, Trung Quốc, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ. Quá nửa số sinh viên theo học các khóa này là vì lý do việc làm, còn lại là vì những lý do cá nhân khác.

Tuy nhiên, công ty chuyên nghiên cứu về nguồn nhân lực Manpower cho rằng hiện chưa có sự thay đổi lớn đối với các công ty vừa và nhỏ mà chiếm tới 99% trong hơn 300.000 công ty ở Thụy Sĩ. Việc biết tiếng Anh, Pháp và Đức vẫn được ưu tiên, bên cạnh đó nhu cầu đang gia tăng đối với tiếng Trung Quốc và tiếng Nga, nhất là trong các lĩnh vực bán hàng, dịch vụ chăm sóc khách hàng của các công ty quốc tế. Manpower cho biết thêm việc tuyển dụng nhân viên nước ngoài cũng không hẳn là một giải pháp vì các điều kiện hạn chế cấp giấy phép lao động cho những người đến từ bên ngoài Liên minh châu Âu hoặc Hiệp hội thương mại tự do châu Âu.

Trong khi đó, theo AFP, trong vòng 12 tháng qua (tính đến tháng 4/2013) có tổng cộng 1,6 triệu người tại Eurozone, gồm 17 quốc gia thành viên, bị mất việc làm và thêm 95.000 người gia nhập đội ngũ thất nghiệp chỉ trong một tháng (từ tháng 3 - 4/2013). Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone đã tăng tháng thứ 24 liên tiếp. Tổng cộng toàn khu vực Liên minh châu Âu (EU) có 26,6 triệu người thất nghiệp trong tháng Tư. Hy Lạp vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng mạnh nhất với tỷ lệ thất nghiệp leo lên mức 27% trong tháng 2. Tỷ lệ lạm phát tại Eurozone đã tăng từ 1,2% trong tháng 4 lên 1,4% trong tháng 5, đánh dấu lần đầu tiên tỷ lệ này tăng trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, bất chấp việc tăng này, tỷ lệ lạm phát nói trên vẫn thấp hơn so với mục tiêu dưới 2% do Ngân hàng Trung ương châu Âu đề ra trong tháng này.

Theo HNMO, aFamily