Bằng "ngoại" cũng thất nghiệp như thường
06/06/2013 08:34 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việc thiếu trải nghiệm thực tế, chưa có quá trình chứng tỏ năng lực bản thân nhưng lại đưa ra các điều kiện quá cao đã khiến một bộ phận du học sinh ở nước ngoài về đánh mất cơ hội việc làm.
Trong vai ứng viên đến nộp hồ sơ xin việc trong đợt tuyển dụng mới đây của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (quận 1 - TPHCM), tiếp xúc với nhiều ứng viên, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều du học sinh tham gia tuyển dụng. Ngồi cạnh chúng tôi là N.H.N, 26 tuổi, du học sinh vừa trở về từ Úc: “Tôi về nước được gần 6 tháng nhưng vẫn chưa tìm được việc làm ưng ý dù có trong tay bằng MBA của Trường ĐH Western Sydney”.
Bằng ngoại, đòi lương cao
Học xong THPT, N. được gia đình cho sang Úc với hy vọng sau thời gian du học, có tấm bằng ngoại, con mình sẽ dễ dàng tìm được việc làm ở những doanh nghiệp (DN) lớn, nhiều thăng tiến. Sau khi về nước, với tấm bằng MBA, N. tự tin nộp hồ sơ vào nhiều DN như P&G, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai… Thế nhưng, chưa lần nào N. vào được vòng phỏng vấn trực tiếp. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, N. nói thêm không chỉ N. mà nhiều bạn học chung với N. cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trong khi chờ tới lượt nộp hồ sơ, chúng tôi ngỏ ý muốn mượn hồ sơ của N. để tham khảo. Khi đọc hồ sơ, chúng tôi nhận thấy kỹ năng và kiến thức N. thể hiện trong đơn xin việc rất tốt. Chỉ có mức lương đề nghị từ 15 triệu đến 20 triệu đồng cho vị trí nhân viên marketing là quá cao so với mặt bằng chung. “Tôi nghĩ so với chi phí 4 năm ăn học ở nước ngoài thì mức lương trên là hoàn toàn hợp lý” - N. giải thích. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến N. thất bại ngay từ vòng đầu trong các lần ứng tuyển.
May mắn hơn N., anh Phan Tiến Hưng, 29 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TPHCM, tìm được việc làm ngay khi vừa về nước. Anh cho biết sau khi tốt nghiệp ĐH, anh học tiếp hệ cao học chuyên ngành tài chính của một trường ĐH danh tiếng ở Anh. Sau khi tốt nghiệp, Hưng được một ngân hàng lớn trong nước nhận vào làm quản lý cấp bộ phận. Tuy nhiên, làm chưa được bao lâu, anh quyết rời bỏ ngân hàng này. “Trong khoảng thời gian làm việc tại vị trí nói trên, tôi thường xuyên phải đối mặt với thái độ bất hợp tác, đố kỵ của một số đồng nghiệp lớn tuổi và đồng nghiệp thi tuyển cùng đợt nhưng chỉ được làm nhân viên. Vì vậy, các kế hoạch tôi triển khai luôn trì trệ, kém hiệu quả” - anh Hưng đưa ra lý do.
Không có đất dụng võ
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc nhân sự Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, cho biết trong đợt tuyển dụng trên, có gần 80 du học sinh tham gia ứng tuyển. Trong đó, 15 ứng viên bị "đánh rớt” từ vòng đầu, nguyên nhân chủ yếu là do họ đòi hỏi mức lương quá cao so với mặt bằng chi trả lương của DN: “Việc thiếu trải nghiệm thực tế, chưa có quá trình chứng tỏ năng lực bản thân nhưng lại đưa ra các điều kiện quá cao đã khiến một bộ phận du học sinh ở nước ngoài về đánh mất cơ hội việc làm”.
Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Công ty Dịch vụ và Tư vấn phát triển nguồn nhân lực BBC, cũng cho biết nhiều DN từng “trải thảm đỏ” mời du học sinh về làm việc nhưng kết quả không như mong đợi: “Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các bạn du học sinh chưa tìm hiểu sâu, hạn chế hiểu biết về điều hành, quản trị của DN trong nước nên kiến thức học được ở nước ngoài “chưa có đất dụng võ”.
Tuy vậy, ông Ngô Bảo Trung, Trưởng Phòng Quản lý chiến lược tổng thể Ngân hàng TMCP Đông Á, lại nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác. Ông cho rằng cách quản lý dàn trải, thiếu chuyên nghiệp của các DN Việt Nam cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: “Hệ thống quản lý của các DN Việt Nam chưa đủ sức sử dụng nguồn nhân lực này. Kiểu làm việc gia đình, cách thức tổ chức, văn hóa DN ở một số DN Việt Nam cũng tỏ ra không phù hợp. Vì lý do này, nhiều người đã “đầu quân” cho DN của nước ngoài”.
Ông Nguyễn Minh Hoàng cho biết dù loại bỏ rất nhiều ứng viên nhưng hiện nay, Tập đoàn Hoa Sen cũng đang sử dụng 15 nhân viên từng là du học sinh. Những người này chấp nhận làm nhân viên, hưởng mức lương ngang bằng với cử nhân trong nước để có bước “chạy đà” tốt cho nghề nghiệp, trở thành những nhà quản lý giỏi trong tương lai.
Học lên Thạc sĩ vì... thất nghiệp
Không xin được việc làm sau khi ra trường, các cử nhân rộ lên phong trào học tiếp lên cao học với hy vọng bằng cấp cao hơn sẽ dễ tìm được việc.
Đổ xô đi học thạc sĩ
Bạn Võ Anh Thư hiện đang theo học một lớp cao học ngành Quản lý giáo dục tại Trường ĐH Sài Gòn thống kê: "Lớp ĐH của em tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM có 96 sinh viên. Sau gần 2 năm tốt nghiệp, hiện có khoảng hơn 40 bạn đang ôn thi vào cao học hoặc đang học cao học ở nhiều trường khác nhau. Đa số quyết định đi học cao học vì chưa xin được việc". Khó khăn hơn, bạn V.H.N hiện đang theo học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cho biết: "Mình học xong ngành này tại ĐH Quốc tế Hồng Bàng nhưng ra trường gần 1 năm không xin được việc làm. Sau đó mình dự thi vào bậc cao học ngành này ở ĐH Tài chính - Marketing nhưng không trúng tuyển. Mới đây, mình thi vào ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM và trúng tuyển nhưng cũng chưa biết học xong có xin được việc không nữa".
Hiện nay, tình trạng như Anh Thư hoặc H.N không phải là hiếm khi phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm. Bên cạnh đó, với lối suy nghĩ "học cao thì thu nhập sẽ thuộc hàng sao", nhiều cử nhân chọn con đường học lên cao học mà không dám thử sức với bất kỳ công việc nào tìm được. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp "thất nghiệp" vì thấy khó thích ứng với môi trường làm việc, vì lương thấp và cố đi học để có lương cao hơn. Hoàng Thị Thu Tâm đang học ôn thi vào cao học ngành Kế toán Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết, cô ra trường từ giữa tháng 9/2011 nhưng đến nay vẫn chưa có việc làm ổn định. Thu Tâm kể: "Đi xin việc ở đâu cũng đòi hỏi có kinh nghiệm, mà em mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm. Cuối cùng em chọn phương án nhận hồ sơ quyết toán thuế cho các doanh nghiệp nhỏ, khoảng 1,5 triệu đồng/hồ sơ để đi học tiếp".
Bằng cao có tăng cơ hội việc làm?
Huỳnh Minh Nhật - chuyên viên kỹ thuật điện tử - tin học hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp thuộc KCN Tân Bình, chia sẻ: "Sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP.HCM, em nghĩ học lên cao học ngành này sẽ tìm được việc tốt hơn với mức lương cao hơn. Tuy nhiên, sau khi học cao học, em lại "xất bất xang bang" tìm việc. Nếu chỉ tìm việc với mức lương dưới chục triệu thì có nhiều chỗ nhưng chẳng lẽ vác cái bằng thạc sĩ mà làm mức lương này thì ngại, thà... thất nghiệp còn hơn".
Trong khi đó, với vai trò là nhà tuyển dụng, ông Trần Hưng Đạo - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tơ tằm Á Châu cho biết: "Trong thời điểm khó khăn hiện nay, nhà tuyển dụng chúng tôi chỉ muốn người có kinh nghiệm chứ không phải chỉ với lý thuyết suông. Trả lương thấp cho người có bằng thạc sĩ thì khó, còn trả cao chắc chắn càng không thể, do người được tuyển dụng chưa chứng minh gì ngoài bằng cấp, mà bằng cấp hiện nay thì... đâu thiếu. Chính vì vậy, tôi khuyên các bạn trẻ thay vì đầu tư vào học hãy dành thời gian tập trung vào xin việc, trau dồi kỹ năng làm việc".
Về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Sở LĐTBXH thành phố) cho biết: "Theo số liệu thống kê mới đây của Trung tâm, khảo sát trên 100.000 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trong năm 2012 và quý I/2013 cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ ĐH, CĐ chỉ chiếm gần 25%, còn lại là tuyển dụng lao động kỹ thuật có trình độ, tay nghề trong các lĩnh vực vận hành máy móc, sản xuất, kinh doanh - dịch vụ...
Theo VnEconomy, VOV
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT