Công bố tình hình việc làm thế giới

05/06/2013 08:19 AM


Báo cáo Thế giới Việc làm 2013 được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố mới đây cho thấy những tín hiệu đáng mừng nhưng vẫn rất mong manh về những tiến triển ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.


Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Theo tổ chức này, đã 5 năm trôi qua kể từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ năm 2008, song bức tranh việc làm thế giới chỉ sáng dần lên ở các quốc gia đang phát triển và mới nổi, vẫn rất u ám tại châu Âu.

Tạo thêm 200 triệu việc làm hàng năm

Sự phục hồi kinh tế và việc làm tại nước đang phát triển và mới nổi đã đóng góp đáng kể vào việc tạo ra thêm 200 triệu việc làm mới hàng năm và tăng thêm 208 triệu việc làm năm 2015.

Tuy nhiên, ILO cho rằng số việc làm tăng thêm đó vẫn chưa đủ giúp giải quyết tình trạng thất nghiệp vốn đã quá trầm trọng vì phải tạo thêm 30 triệu việc làm nữa mới đạt được mức việc làm trước giai đoạn khủng hoảng. Đó là chưa kể còn đồng thời phải tạo thêm 16,7 triệu việc làm mới cho đội ngũ thanh niên đến tuổi lao động trong năm 2013.

Chỉ có một số nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Canada, Australia... và Mỹ - xuất phát điểm của cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 - có chút “nhúc nhích” trong việc cải thiện thêm việc làm. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu, nhất là Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang chìm đắm trong cuộc khủng hoảng kép là nợ công và thất nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp trong Eurozone tháng 4 vừa qua đã lên mức kỷ lục mới là 12,2% khiến giải quyết việc làm trở thành một trong chương trình nghị sự được ưu tiên hàng đầu ở châu Âu cùng với cuộc khủng hoảng nợ công. Đáng lo hơn nữa là tỷ lệ thất nghiệp lên mức khó tin ở châu Âu là 59,1% ở Hy Lạp hồi tháng 1 vừa qua hay 55,9% tại Tây Ban Nha trong tháng 3, tiếp đó là Italia và Bồ Đào Nha với 38,4% và 38,3%.

Gia tăng bất ổn xã hội do thất nghiệp

Thất nghiệp cao đã kéo theo các hệ luỵ xã hội không thể xem thường như không ít cuộc biểu tình đòi công ăn việc làm tại châu Âu đã biến thành những cuộc bạo động đường phố.

Theo báo cáo của ILO, trong số 71 nền kinh tế, nguy cơ mất ổn định xã hội gia tăng từ năm 2011-2012 thì các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ mất ổn định xã hội cao nhất mà nóng nhất là tại Cyprus, CH Czech, Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha, Slovenia và Tây Ban Nha - những quốc gia đã hoặc mấp mé bờ vực khủng hoảng nợ công.

Ngược lại, nguy cơ mất ổn xã hội đang có chiều hướng giảm ở khu vực Nam sa mạc Sahara, Đông Á, Đông Nam Á, Thái Bình Dương, cùng các nước Mỹ Latin và đặc biệt khu vực Caribe. ILO cho rằng sự phục hồi tương đối nhanh sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, chủ yếu do sự kết hợp của các chính sách nới lỏng tài chính và tăng giá cả hàng hóa, đã giúp ổn định cuộc sống và nhất là tạo thêm nhiều việc làm mới.

Theo Báo cáo Thế giới Việc làm 2013, bất bình đẳng về thu nhập gia tăng trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2011 ở 14 trong số 26 nền kinh tế phát triển, bao gồm Pháp, Đan Mạch, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ.

Bất bình đẳng về kinh tế đồng thời cũng gia tăng. Các doanh nghiệp nhỏ bị tụt lại phía sau so với các công ty lớn về lợi nhuận và hiệu quả đầu tư. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp lớn đã trở lại khả năng tiếp cận các thị trường vốn thì các công ty nhỏ và mới thành lập lại bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tín dụng của ngân hàng. Đây là một vấn đề khó khăn đối với sự hồi phục việc làm hiện tại và ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế lâu dài.

Lương giám đốc tăng trở lại

Báo cáo cho thấy nhóm thu nhập trung bình ở nhiều nền kinh tế phát triển đang dần thu hẹp, do thất nghiệp kéo dài, chất lượng công việc suy giảm và nhiều người lao động bị đào thải khỏi thị trường lao động.

Ngược lại, Báo cáo lại chứng minh rằng mức lương cho các giám đốc điều hành (CEO) ở nhiều quốc gia lại tăng cao trở lại sau giai đoạn bị đóng băng do ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Raymond Torres, Giám đốc Viện Nghiên cứu Lao động Quốc tế (Cơ quan nghiên cứu của ILO), cho biết: “Nhóm thu nhập trung bình bị thu hẹp lại ở các nền kinh tế phát triển là một vấn đề đáng lo ngại, không chỉ cho nhóm đối tượng đó mà còn vì những lý do kinh tế. Những quyết định đầu tư lâu dài của doanh nghiệp phụ thuộc vào quy mô nhóm thu nhập trung bình có lớn và ổn định hay không bởi họ chính là những người tiêu thụ trong xã hội.”

Tại Tây Ban Nha, quy mô nhóm thu nhập trung bình giảm từ 50% năm 2007 xuống 46% cuối năm 2010. Ở Hoa Kỳ, 7% người giàu nhất trong dân số có tài sản ròng gia tăng trong hai năm đầu hậu khủng hoảng (56% năm 2009 lên 63% năm 2011). Trong khi đó, 93% người Mỹ còn lại có tài sản ròng suy giảm.

Theo Chinhphu.vn