Cho thuê lao động được hợp pháp hóa

30/05/2013 06:44 AM


Chỉ có một số công việc được thực hiện cho thuê lại lao động với thời hạn tối đa không quá 12 tháng.

“Cho thuê lại lao động là việc người lao động (NLĐ) đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp (DN) được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, sau đó làm việc cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) khác, chịu sự điều hành của NSDLĐ sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với DN cho thuê lại lao động”. Đây là nội dung quan trọng của chương “Cho thuê lại lao động” trong Bộ Luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-5.

“Hoạt động chui” được luật hóa

Cho thuê lại lao động là quy định hoàn toàn mới của BLLĐ. Quy định này đã luật hóa một hiện trạng tồn tại từ lâu trong thực tế: DN tuyển dụng lao động rồi cho DN khác thuê để sử dụng. Các DN và NLĐ cần lưu ý 3 khái niệm, cũng là 3 chủ thể trong hoạt động này. Đó là “DN cho thuê lại” (tạm gọi là bên A), “DN thuê lại” (bên B) và “NLĐ thuê lại” (bên C).


Chế biến thực phẩm là ngành được đề nghị cho phép thuê lại lao động. Ảnh: HỒNG THÚY

Theo quy định mới, hoạt động cho thuê lại lao động phải thỏa mãn nhiều điều kiện nghiêm ngặt như ký quỹ, cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động... Đặc biệt, luật quy định chỉ có một số công việc được thực hiện cho thuê lại lao động và thời hạn cho thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng.

“Trước đây, do không có quy định của pháp luật nên mỗi nơi làm mỗi kiểu, quyền lợi của NLĐ không được bảo vệ. Còn nhớ, trên địa bàn quận 9 và Thủ Đức - TPHCM đã từng xảy ra tranh chấp dai dẳng tại một công ty đa quốc gia chuyên sản xuất chất tẩy rửa vì DN thuê lại đối xử không công bằng với NLĐ. Khi đó, các cơ quan chức năng quận và TP rất đau đầu vì không biết căn cứ vào đâu để giải quyết”- một cán bộ LĐLĐ quận 9 nhớ lại.

Doanh nghiệp cho thuê là người sử dụng lao động

Theo quy định tại điều 56 BLLĐ, DN cho thuê lại lao động (bên A) cũng chính là NSDLĐ. Do đó, DN có trách nhiệm ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với NLĐ; trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ.

Để NLĐ không bị thiệt thòi quyền lợi, pháp luật cũng quy định DN cho thuê lại lao động có nghĩa vụ bảo đảm trả lương cho NLĐ không thấp hơn tiền lương của NLĐ đang làm việc tại DN thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc. Vì là NSDLĐ nên DN cho thuê lại lao động cũng có trách nhiệm xử lý kỷ luật đối với NLĐ vi phạm kỷ luật lao động.

Bên đi thuê chỉ chịu trách nhiệm một phần

Bên thuê lại lao động (bên B) chỉ phải chịu một phần trách nhiệm trong việc sử dụng lao động. Chẳng hạn, không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với NLĐ thuê lại so với NLĐ của DN mình. DN thuê lại lao động có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn NLĐ biết nội quy và các quy chế khác của DN. Khi cần huy động NLĐ làm đêm, làm thêm ngoài nội dung hợp đồng đã ký với bên cho thuê, DN thuê lại phải thỏa thuận với NLĐ.

Trong trường hợp NLĐ không đáp ứng yêu cầu như đã thỏa thuận hoặc vi phạm kỷ luật lao động thì bên thuê lại có quyền “trả” NLĐ lại cho DN cho thuê, tuyệt đối không được chuyển NLĐ đã thuê lại cho NSDLĐ khác. Nếu NLĐ vi phạm kỷ luật lao động thì DN thuê lại có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ về hành vi của NLĐ để DN cho thuê xem xét, xử lý kỷ luật.

NLĐ có những quyền và nghĩa vụ gì?

Theo quy định tại điều 58 BLLĐ, NLĐ thuê lại (bên C) có nghĩa vụ thực hiện công việc theo HĐLĐ đã ký với DN cho thuê lại lao động (bên A); chấp hành nội quy lao động, kỷ luật lao động, sự điều hành hợp pháp và tuân thủ thỏa ước lao động tập thể của bên thuê lại lao động (bên B). Khi quyền lợi bị xâm phạm, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với DN cho thuê lại lao động (bên A) theo quy định tại điều 37 BLLĐ...

Như vậy, NLĐ cùng lúc phải thực hiện nghĩa vụ với cả bên cho thuê (bên A) và bên thuê lại mình (bên B). NLĐ cần lưu ý điều này khi ký HĐLĐ cũng như khi bắt đầu thực hiện HĐLĐ.

Nguồn báo người lao động