Tham gia bảo hiểm y tế là quyền lợi chứ không phải là nghĩa vụ
28/05/2013 08:05 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Luật Bảo hiểm y tế đang được sửa đổi, bổ sung để trình Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới. Theo đó, nhiều quy định về chính sách BHYT sẽ được thay đổi phù hợp với thực tiễn, đảm bảo các điều kiện để thực hiện tốt lộ trình BHYT toàn dân. Nhân Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XIII, PV Báo ĐBND đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa Bộ trưởng, Thủ tướng vừa phê duyệt lộ trình BHYT toàn dân đến năm 2020, đồng thời Bộ Y tế cũng đang tiến hành soạn thảo để trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế, xin Bộ trưởng cho biết chính sách BHYT toàn dân có những thay đổi gì?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: BHYT toàn dân là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng và là nguồn tài chính vững bền giúp cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng hiệu quả. Đảng và Nhà nước rất quan tâm chính sách này. Hiện, Quốc hội đang tiến hành giám sát sau 3 năm thực hiện Luật BHYT; Bộ Y tế và các cơ quan liên quan cũng đang xây dựng dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT để trình Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới. Theo đó, sẽ có nhiều chính sách về BHYT sẽ được thay đổi phù hợp với thực tiễn theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân, đảm bảo công bằng KCB, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, ổn định và phát triển bền vững quỹ BHYT, đảm bảo các điều kiện để thực hiện tốt chính sách BHYT toàn dân.
Liên quan đến việc thực hiện chính sách BHYT, vừa qua Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và đến năm 2020. Nội dung chính của đề án này là tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm toàn dân, phấn đấu đến năm 2015 đạt 70% người dân tham gia BHYT, và đạt ít nhất 80% vào năm 2020 và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng sự hài lòng của bệnh nhân.
PV: Thưa Bộ trưởng, để chính sách BHYT đi vào cuộc sống, thực sự là trụ cột của chính sách an sinh xã hội, điều gì là thay đổi quan trọng nhất?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đó là việc người dân tham gia BHYT càng nhiều càng tốt; người dân phải nhận thức được rằng đây là quyền lợi của mình chứ không phải nghĩa vụ. Vấn đề quan trọng là phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tính ưu việt của chính sách BHYT. Cùng với đó, phải gắn nhiệm vụ thực hiện BHYT toàn dân với chính quyền các cấp và đưa thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như chỉ tiêu phát triển nông thôn mới. Đơn cử như hiện còn một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về BHYT, còn coi đó như bùa hộ mệnh, còn có hiện tượng lạm dụng chính sách này. Chẳng hạn như những người dùng BHYT tự nguyện khi nào ốm thì mới mua, họ không biết đây là quyền lợi, vì với mệnh giá như hiện nay thì gói dịch vụ y tế của chúng ta là rất ưu việt. Bên cạnh đó, phải gắn nhiệm vụ thực hiện BHYT toàn dân với chính quyền các cấp và đưa thành chỉ tiêu phát triển KT - XH cũng như chỉ tiêu phát triển nông thôn mới. Đồng thời phải giảm bớt chi phí cho người dân, nghĩa là những người tham gia BHYT thì các dịch vụ y tế cơ bản được BHYT thanh toán.
PV: Như Bộ trưởng vừa nêu, thời gian vừa qua, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về chính sách BHYT, nguyên nhân do đâu, hay là việc triển khai thực hiện chính sách BHYT còn những bất cập vướng mắc khiến người dân chưa thật sự hài lòng về chất lượng dịch vụ KCB có BHYT, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Tôi rất chia sẻ với những người dân đi khám bệnh bằng thẻ BHYT trong thời qua, bởi thứ nhất do quá tải nên thời gian chờ đợi rất lâu; thứ 2 là thủ tục phiền hà vì người tham gia BHYT không phải đóng thêm một số khoản cho nên những thủ tục để giảm những khoản này nhiều thủ tục; thứ 3 là thái độ của một số cán bộ y tế không thực sự tận tình để hướng dẫn người dân; thứ 4 là do giá dịch vụ y tế trước đây, do chi trả theo BHYT quá thấp nên người dân phải mua thêm nhiều thuốc, nhiều dụng cụ… tức là họ vừa phải bỏ tiền túi lại vừa bị phiền hà. Ví dụ như cắt amidan trước đây BHYT chỉ thanh toán 40.000 đồng, nhưng thực chất chi phí từ 450 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng, phần chênh lệch đó bệnh viện phải ghi đơn để bệnh nhân mua thêm.
PV: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 705 về nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng mà thuộc hộ gia đình cận nghèo, điều này ảnh hưởng như nào tới chính sách BHYT và đối tượng thụ hưởng này? Thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Những hộ cận nghèo rất dễ trở thành nghèo nếu bị bệnh, cho nên quyết định này của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách an sinh xã hội sẽ giúp giảm nghèo nhanh hơn. Hiện nay, nhìn chung người cận nghèo được hỗ trợ 70% nhưng Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% đối với những hộ cận nghèo thuộc hộ cận nghèo mà mới thoát nghèo, hộ cận nghèo sống tại 62 huyện nghèo trên cả nước và hộ cận nghèo sống tại những huyện có tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết những phần việc ngành y tế đã, đang và sẽ làm để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế liên quan đến BHYT?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Bộ Y tế đang tích cực triển khai Đề án Giảm tải bệnh viện vừa được Chính phủ phê duyệt, vì một trong những nguyên nhân khiến chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo là do quá tải bệnh viện. Theo đó sẽ có nhiều giải pháp được triển khai thực hiện.
Trước mắt, Bộ Y tế thực hiện nâng cao chất lượng KCB bằng việc cải cách tất cả các thủ tục KCB tại khoa khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi từ 4-7 giờ xuống trung bình còn 2-4 giờ, tùy theo các hình thức và loại dịch vụ khám bệnh. Đồng thời giảm bớt thủ tục hành chính trong KCB cho đối tượng có BHYT mà BHXH quy định trước đây. Đơn cử, trước đây thủ tục khám cho một bệnh nhân phải sử dụng tới 6 chữ ký, thậm chí có nơi còn 7 chữ ký thì nay rút xuống còn 4 chữ ký và giảm bớt nhiều biểu mẫu chứng từ. Bên cạnh đó, với việc điều trị theo giá dịch vụ, yêu cầu các bệnh viện phải mở thêm các bàn khám bệnh, các ô tiếp đón bệnh nhân, thêm chỉ dẫn, phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh, bố trí nơi xét nghiệm lấy máu cùng nơi khám chữa bệnh để người dân không mất nhiều thời gian chờ chực, đi lại.
PV: Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!
Nguồn: daibieunhandan.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT