Gian nan thầy thuốc vùng cao

24/05/2013 01:41 AM


Lên huyện Yên Minh (Hà Giang) ngày chớm hè nhưng cũng đủ cảm nhận được sự khắc nghiệt của khí hậu giao mùa nơi đây. Buổi sáng, trong làn sương mù đặc quánh người ta cảm nhận rõ cái lành lạnh đầu mùa xuân. Nhưng khi ánh mặt trời vượt qua đỉnh cây sao mộc mọc trên cổng trời Lao Và Chải, thời tiết đã chuyển sang oi ả, nóng nực. Hoàng hôn buông xuống thì cái lạnh của mùa thu lại ùa về. Cái khắc nghiệt của thiên nhiên luôn đồng hành cùng cái đói, cái nghèo... cái khó khăn của những người thầy thuốc nơi đây.


Một ca phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện khu vực Đa khoa Yên Minh (Hà Giang).

Không còn chọn lọc tự nhiên

Ðể chống chọi với thời tiết và thiên tai khắc nghiệt nơi đây, con người phải rèn luyện bản lĩnh chai sạn trước thiên nhiên. Một thời, như đã thành thông lệ, đói thì lên núi cuốc nương trồng ngô, lúa, không may gặp thiên tai, mùa màng thất bát thì vào rừng kiếm củ sắn, củ mài, xuống suối bắt con ốc, con cá. Ốm thì gọi thầy mo, thầy cúng. Ðứa trẻ nào mà vượt qua được tất cả những cái khắc nghiệt đó của thiên nhiên thì sẽ có đủ "sức đề kháng" đến già. Ðứa nào không qua nổi cái màng "chọn lọc tự nhiên" đó thì được đổ lỗi do con ma, do Giàng. Cứ như thế cái nghèo quẩn lấy cái nghèo đời này truyền đời kia. Thế nên một thời ở những bản làng vùng cao của Yên Minh, ngoài già làng ra thì thầy cúng được "sùng bái nhất". Gặp những con bệnh khó, thầy cúng làm lễ "bắt ma" cả tuần, cả tháng cho đến lúc vật nuôi, lương thực trong nhà ra đi hết mà người bệnh vẫn không khỏi thì cả gia đình cũng đành thuận theo ý thầy: "Giàng gọi nó theo, thầy cũng không chống lại được". Niềm tin tín ngưỡng đó không chỉ một sớm, một chiều có thể thay đổi khi Nhà nước có chính sách đưa thầy thuốc, thầy giáo về "cắm bản". Thầy giáo thì về tận nhà vận động trẻ em đi học. Thầy thuốc đến nhà năn nỉ được đặt cái ống nghe vào lưng khám bệnh, cho thuốc. Nhưng họ vẫn bị người dân đuổi đi...

Yên Minh có cơ sở khám, chữa bệnh đầu tiên vào năm 1963 với duy nhất một bác sĩ người miền xuôi được phân công lên công tác. Lực lượng cán bộ y tế quá mỏng, không đủ sức đi khắp rừng núi để xua đi những dịch bệnh. Bệnh viện huyện Yên Minh mới ra đời trong thiếu thốn, chỉ có vài ba căn nhà gỗ lợp tôn, thầy thuốc ở chung với người bệnh, phòng mổ chỉ được ngăn ra từ ngôi nhà gỗ mái lợp tôn, lụp xụp, gió lùa tứ phía, mổ cấp cứu không có ánh điện thắp sáng phải dùng đèn dầu thay thế. Các thầy thuốc phải chia lịch, thay phiên nhau trực ở bệnh viện, số còn lại vượt núi, lội suối "cõng" vắc-xin, mang bình phun thuốc muỗi, màn tẩm hóa chất và thuốc phòng dịch về với đồng bào.

Những kỷ niệm của những ngày đầu thiếu thốn "sống - chết" cùng người dân, để chống dịch còn ghi lại cả trong các văn bản báo cáo cho đến tâm trí những người thầy thuốc công tác tại Yên Minh ngày đó. Bản Lao Lùng Tủng, xã Lao Chải xôn xao vì có "bệnh lạ", hàng loạt người bệnh đau bụng phải đưa đi cấp cứu, tại nhà đã có hai người chết. Nhân dân lo sợ gói ghém đồ đạc bỏ bản đi hết. Ðích thân giám đốc bệnh viện phải tức tốc lội rừng, trèo núi mang thuốc về nằm tại bản ăn ở cùng nhân dân để tuyên truyền chữa bệnh, kêu gọi người dân trở lại bản sinh sống. Rồi các loại bệnh sốt rét, sởi, thương hàn... hằng năm cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội.

Thế rồi tỉnh Hà Giang được tái lập (năm 1992), cùng với quyết tâm của ngành y tế, sự đầu tư của tỉnh, sự nỗ lực của tập thể cán bộ, thầy thuốc của huyện, Yên Minh đã thực hiện thành công mô hình xóa "xã trắng" về y tế và bắt đầu triển khai các chương trình tiêm chủng mở rộng, dập tắt và phòng, chống tốt các dịch bệnh. Không chỉ dừng ở đó, bệnh viện tiếp tục triển khai và ứng dụng các khoa học - kỹ thuật vào công tác điều trị và phòng, chống dịch bệnh như: ứng dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật để thay thế dùng kháng sinh kéo dài cho người bệnh; mổ đường ngang trong sản khoa tạo ra đường thẩm mỹ cho người bệnh; triển khai các kỹ thuật: Xét nghiệm toàn phần, siêu âm, chụp XQ... Năm 2011, bệnh viện là huyện miền núi biên giới đầu tiên trong cả nước ứng dụng phẫu thuật nội soi vào điều trị cho người dân. Các kỹ thuật mổ nội soi khó, như phẫu thuật nội soi các bệnh lý ở ổ bụng, chửa ngoài tử cung, cắt sỏi túi mật... hay các kỹ thuật khác như phẫu thuật chấn thương, cắt khối u có trọng lượng lớn... đều được tiến hành thành công, tạo được lòng tin đối với nhân dân.

Ðáng chú ý, cùng với ứng dụng các kỹ thuật hiện đại vào điều trị, chăm sóc cho người bệnh thông qua việc chú trọng đào tạo từ nguồn nhân lực tại chỗ; tăng cường hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới bằng hình thức luân phiên cử các cán bộ y tế có tay nghề cao xuống hỗ trợ khám và điều trị tại các trạm y tế xã. Bệnh viện còn tổ chức tốt hoạt động của Bếp ăn tình thương với lượng duy trì trung bình từ 30 đến 40 lượt người bệnh/ngày. Ðiều đó đã góp phần thu hút được ngày một đông người bệnh nghèo đến điều trị, giảm tình trạng chốn viện, bỏ dở điều trị vì thiếu ăn. Thái độ phục vụ người bệnh chu đáo, ân cần, cộng với những chính sách linh hoạt, hợp lý, hợp lòng dân đã giúp Yên Minh là một trong những huyện biên giới đầu tiên trong tỉnh Hà Giang và khu vực miền núi phía bắc xây dựng thành công mô hình bệnh viện tuyến huyện với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt, mang lại những kết quả điều trị cao, bệnh viện không chỉ là địa chỉ tin cậy cho nhân dân đang sinh sống trên địa bàn huyện, mà còn là "tuyến trên" của một số bệnh viện đa khoa các huyện lân cận.

Bài toán của y tế cơ sở

Tiếp và đưa chúng tôi đi thăm một số khoa, phòng, bác sĩ Phạm Anh Văn, Giám đốc bệnh viện chỉ rõ những khó khăn: Ðó là tỷ lệ bác sĩ thấp, trong số 210 cán bộ của bệnh viện thì chỉ có 14 bác sĩ và một dược sĩ đại học phải làm việc ở 14 khoa, phòng tại bệnh viện huyện và ba phòng khám đa khoa khu vực nằm ở các xã khó khăn. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận và khám, chữa bệnh cho hơn 100 lượt người bệnh, một phần ba trong số đó phải điều trị nội trú. Trong khi đó cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu đồng bộ, chưa bắt kịp các tiến bộ y học hiện đại. Hiện nay, chính sách thu một phần viện phí đối với người nghèo cũng có nhiều bất cập dù chỉ là 5% cũng là trở ngại lớn đối với người bệnh nghèo khi không may bị ốm đau. Hoặc họ đến bệnh viện rồi nhưng vẫn lo nơm nớp khoản tiền phải cùng chi trả sau khi khỏi bệnh cho nên không yên tâm điều trị, dẫn đến tình trạng chốn viện, bỏ dở điều trị... Nhìn những người bệnh nghèo đang chia miếng cơm tình thương mà bệnh viện dành cho mình sang bát người thân đang ngồi kề cận chăm sóc mà cả tôi lẫn người lãnh đạo bệnh viện không khỏi ái ngại. Trang phục, giọng nói đến từng cử chỉ của họ đều toát lên vẻ lam lũ. Hành trang họ mang đến bệnh viện là bộ quần áo cũ kỹ, nhúm muối, nắm rau và một số tiền ít ỏi, chỉ đủ mua vài gói mì tôm ăn lúc lỡ bữa. Vì vậy, với họ 5% viện phí cũng là một số tiền rất lớn. Khi đã buộc lòng phải đến bệnh viện thì là lúc họ đã phó mặc số phận mình cho những thầy thuốc nơi đây.

Dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn, nhưng nếu có đủ bác sĩ và trang thiết bị thì Bệnh viện Ða khoa khu vực huyện Yên Minh cũng như 62 huyện nghèo của cả nước sẽ còn rất nhiều sinh mạng có cơ hội được cứu sống, nhiều dịch bệnh được khống chế.

Theo Báo Nhân dân