Thiếu chế tài bảo vệ quyền lợi công nhân

23/05/2013 02:33 AM


Công nhân chấp nhận ăn khổ, ở tạm, cố gắng làm việc nhằm mục đích chính là sau này sẽ được hưởng chế độ hưu trí và có chế độ bảo hiểm y tế. Thế nhưng để đạt được ước mong, quyền lợi rất chính đáng và giản dị ấy quả là… gian truân!


Các công nhân Công ty Cổ phần xây dựng Linh Giang ở huyện Sóc Sơn cho biết, họ không được đóng các loại bảo hiểm dù đã làm việc cho công ty nhiều năm

Doanh nghiệp “lách luật”, xâm hại quyền lợi công nhân

Báo cáo của LĐLĐ TP Hà Nội tại Đại hội Công đoàn thành phố nêu rõ: Việc thực hiện pháp luật lao động và chế độ chính sách đối với NLĐ ở nhiều doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước chưa nghiêm với các vi phạm phổ biến là: Không đóng hoặc nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); không xây dựng thang bảng lương, không ký thỏa ước lao động tập thể, vi phạm thời gian làm việc, giờ nghỉ ngơi; trang bị phương tiện bảo hộ lao động thiếu và không đảm bảo chất lượng; chưa quan tâm khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; không trả đúng tiền lương làm việc thêm giờ, trong ngày nghỉ…

Làm việc với các đồng chí cán bộ công đoàn ở Hà Nội, chúng tôi thấy ai cũng “kêu” về tình trạng DN ngoài nhà nước trốn, nợ BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tăng. Tính đến tháng 4-2013, hàng nghìn DN trên địa bàn Hà Nội còn nợ đọng các loại bảo hiểm hơn 1000 tỷ đồng. Đáng báo động là rất nhiều DN nhỏ và vừa của tư nhân và có vốn nước ngoài không hề kê khai đóng bảo hiểm cho NLĐ nên công nhân không được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí…

Theo kết quả khảo sát của Huyện ủy Từ Liêm, hiện nay trên địa bàn huyện có 7.345 DN ngoài nhà nước với hơn 125.000 công nhân lao động, nhưng số được đóng các loại bảo hiểm chỉ chiếm 21,9%, nghĩa là gần 100.000 công nhân không được các DN đóng các loại bảo hiểm theo quy định. Tình trạng không ký thỏa ước lao động tập thể với NLĐ diễn ra rất phổ biến, trong khi 100% DN nhà nước trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định này.

Chị Đào Thị Kim Anh, Kế toán Công ty TNHH O.B ở quận Long Biên đã từng làm việc cho nhiều DN tư nhân “bật mí”: “Ngay những DN làm ăn khấm khá cũng tìm cách “lách luật” và “bắt nạt” công nhân. Phổ biến nhất là họ chỉ cho ký hợp đồng ngắn hạn để trốn đóng các loại bảo hiểm. Những người đã được đóng bảo hiểm thì DN kê khai tiền lương thấp để giảm mức đóng, đồng thời tăng tiền ăn, phụ cấp xăng xe, điện thoại để NLĐ vẫn thấy tổng thu nhập là chấp nhận được. Hậu quả là Nhà nước và NLĐ chịu thiệt vì đóng bảo hiểm ít thì sau này lương hưu thấp. Bản thân tôi cũng là nạn nhân của kiểu “lách luật” này. Thậm chí, khi tôi xin nghỉ thai sản, chủ DN tuyển người khác vào làm thay luôn, không cho tôi ký tiếp hợp đồng lao động. Nhiều nữ công nhân mỗi lần sinh con xong là lại long đong tìm việc”.

Nhiều công đoàn cơ sở hoạt động mờ nhạt

Trong nền kinh tế thị trường, quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ trong các DN ngoài nhà nước thường bị xâm hại. Nhưng đáng lo ngại là số công đoàn cơ sở vững mạnh, đấu tranh bảo vệ được quyền lợi cho NLĐ không nhiều. Khâu yếu này đã được Đại hội Công đoàn TP Hà Nội thẳng thắn chỉ ra.


Biểu đồ về số lượng, chất lượng công đoàn cơ sở trong các DN ngoài nhà nước ở Hà Nội (vẽ theo số liệu của LĐLĐ TP Hà Nội, tháng 3-2013).

Sự “mờ nhạt” của công đoàn cơ sở được biểu hiện rõ nhất ở chỗ: Là cơ quan có chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ, nhưng nhiều công đoàn cơ sở thường “làm ngơ” trước những vi phạm của chủ DN trong việc bảo đảm chế độ, chính sách đối với NLĐ. Chúng tôi đã gặp nhiều cán bộ công đoàn cơ sở để hỏi chuyện về việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, hầu hết các anh, chị đều chân thành bộc bạch: Được bầu vào ban chấp hành công đoàn thì phải làm kiêm nhiệm, thực ra chưa hiểu nhiều về pháp luật lao động và công đoàn. Hoạt động chủ yếu của công đoàn cơ sở là vận động công nhân thi đua sản xuất, chấp hành kỷ luật và tổ chức thăm hỏi đoàn viên ốm đau… Nếu công nhân bị chủ DN xâm phạm quyền lợi thì cũng chỉ biết động viên công nhân, lựa lúc nào lãnh đạo công ty vui vẻ thì nhẹ nhàng góp ý, chứ đấu tranh thì… không dám, vì sợ họ cho nghỉ làm!

DN có tổ chức công đoàn, quyền lợi của NLĐ còn chưa được bảo vệ tốt, trong khi hiện nay ở Hà Nội mới có 2.508 công đoàn cơ sở trong các DN ngoài nhà nước, trên tổng số hơn 58.000 DN ngoài nhà nước đang hoạt động. Hàng vạn DN dù có đủ điều kiện thành lập công đoàn theo quy định nhưng chủ DN cố tình trì hoãn.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hằng, Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên cho biết: Các DN ngoài nhà nước thường không muốn thành lập công đoàn vì có tổ chức công đoàn thì họ không dễ dàng “bắt nạt” NLĐ, đồng thời phát sinh chi phí… Vì thế, việc tuyên truyền, vận động DN thành lập công đoàn cơ sở rất khó khăn.

Chế tài xử phạt vi phạm quá nhẹ

Mặc dù DN ngoài nhà nước vi phạm pháp luật về lao động và chế độ chính sách đối với NLĐ khá phổ biến, nhưng hiện nay việc xử lý những vi phạm này rất khó do cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập.

Các đồng chí cán bộ Ban Chính sách-Pháp luật LĐLĐ TP Hà Nội nêu ví dụ: Chuyện DN cố tình trốn, nợ BHXH, BHYT là vấn đề bức xúc suốt nhiều năm nhưng chưa giải quyết được vì chế tài xử lý hành vi này quá nhẹ. Mức phạt hành chính tối đa là 30 triệu đồng nên nhiều DN sẵn sàng chịu phạt. Ngay quy định về thành lập công đoàn cơ sở, nếu DN cố tình chây ỳ thì cũng chưa có chế tài xử lý, vì thế rất ít DN chấp hành.

Theo phản ánh của cán bộ LĐLĐ các quận, huyện, thị xã và TP Hà Nội, bên cạnh bất hợp lý vì “tội nặng, phạt nhẹ” thì việc thanh tra, kiểm tra và giám sát các DN thực hiện pháp luật về lao động của công đoàn các cấp cũng có nhiều bất cập. Toàn thành phố có khoảng 120.000 DN đăng ký kinh doanh, hơn 58.000 DN ngoài nhà nước đang hoạt động, nhưng mỗi năm công đoàn các cấp chỉ phối hợp kiểm tra được 1.400 DN. Trong khi đó, tình trạng vi phạm các quy định về bảo đảm chế độ, chính sách, an toàn vệ sinh lao động và quy định hoạt động công đoàn khá phổ biến.

“Ngay cả khi phát hiện các DN có vi phạm thì LĐLĐ cũng không có quyền xử lý, mà chỉ có quyền đề nghị các cơ quan chức năng. Nhiều khi có quyết định xử phạt mà DN không thực hiện thì cũng… chẳng làm sao, nên rất khó bảo vệ quyền lợi cho NLĐ” - Đồng chí Phùng Thị Khanh, Chủ tịch LĐLĐ quận Hà Đông bộc bạch.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hằng, Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên khẳng định: “Bất hợp lý lớn nhất dẫn đến cán bộ công đoàn cơ sở khó bảo vệ quyền lợi của NLĐ là họ bị phụ thuộc hoàn toàn vào chủ DN về công việc, tiền lương. Ngay cả khi công đoàn cấp trên triển khai hoạt động nhưng chủ DN không đồng ý thì cũng… chịu!”

Theo Báo Quân đội nhân dân