Lương công nhân teo tóp, doanh nghiệp vẫn kêu ca

22/05/2013 04:13 AM


Buộc phải tăng lương theo lộ trình mà nhà quản lý đề ra là một khó khăn lớn của doanh nghiệp (DN) trong thời điểm khủng hoảng. Để đối phó, không ít DN đã nghĩ cách xén bớt tiền phụ cấp để cân bằng với khoản tiền phải chi trả thêm khi tăng lương cho người lao động. Nhiều DN cứ lương tăng bao nhiêu là tiền phụ cấp hàng tháng lại giảm tương ứng bấy nhiêu.


Chị Nguyễn Thúy Hạnh làm cho một công ty xuất nhập khẩu tại khu vực Hoàn Kiếm (Hà Nội) than thở, mặc dù lương có tăng nhưng thu nhập hàng tháng của chị vẫn không tăng thêm. Vì cứ có quyết định tăng lương từ cơ quan nhà nước thì không lâu sau DN có quyết định giảm tiền phụ cấp hàng tháng của mọi người đi với mức tương ứng với khoản tiền lương được tăng thêm. Theo đó, đủ các lý do được đưa ra nhưng tựu chung lại vẫn là "khó khăn nên cần giảm bớt một số chi tiêu". Mới về đây làm được gần 3 năm, tiền phụ cấp cho xăng xe, ăn trưa... mỗi tháng được nhận khoảng gần 600.000 đồng. Đến giờ số tiền phụ cấp teo tóp lại chỉ còn 270.000 đồng/tháng sau những lần có quyết định tăng lương. "Cứ nói lương tăng sẽ tăng thêm thu nhập để đảm bảo nhu cầu sống nhưng tính ra thu nhập vẫn chỉ bằng trước chứ không hơn gì. Không những thế, chi phí bảo hiểm còn tăng thêm. Tính ra,thực thu người lao động vẫn thiệt", chị Hạnh nói.

Không chỉ có vậy, tại các khu công nghiệp, người lao động ngán ngẩm chẳng kém bởi mỗi khi tăng lương DN lại viện đủ lý do để bớt xén tiền phụ cấp hàng tháng. Chị Nguyễn Thị Hiền làm công nhân cho một DN điện tử tại khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Phúc) cho biết: "Thu nhập hầu như không tăng thêm khi được tăng lương". Theo đó, năm 2011 vào công ty làm ngoài tiền lương cơ bản hàng tháng được hưởng là gần 1,8 triệu đồng thì công ty còn khá nhiều phụ cấp như xăng xe, tiền chuyên cần, phụ cấp ca đêm... Tính ra cũng được khoản khá khá. Tổng thu nhập lúc đó khi cộng với tiền tăng ca đều đặn được khoảng trên dưới 3,5 triệu đồng. Hiện nay, lương cơ bản đã tăng được lên hơn 2 triệu đồng/tháng mà thu nhập vẫn không thay đổi là bao. Sau mấy lần tăng lương, công ty cắt dần gần hết tiền phụ cấp. Cụ thể, tiền phụ cấp 10.000 đồng/đêm đã bị cắt hết sau khi công nhân được tăng lương trong năm đó. Chưa kể các khoản tiền chuyên cần, thưởng hàng tháng khi đạt năng suất cao cũng bị cắt hết luôn. "Chẳng có quy định nào bắt buộc công ty phải trả tiền phụ cấp cho công nhân hàng tháng là bao nhiêu, thế nên họ tha hồ cắt giảm khoản này khoản kia từ tiền phụ cấp mà công nhân vẫn phải chịu đựng", chị Hiền nói.

Chị Phùng Thị Duyên làm công nhân tại khu công nghiệp Khai Quang cho biết, sau 3 năm đi làm công nhân, thu nhập hàng tháng của chị vẫn chỉ quanh quẩn ở mức dưới 4 triệu đồng/tháng. Nếu cộng trừ thì cao hơn được khoảng 200.000 - 300.000 đồng so với hồi mới đi làm. Tuy nhiên, tiền nhà tăng thêm 3 lần (mỗi lần 50.000 đồng), tiền nước, điện cũng tăng theo mức tương ứng. Đó là chưa kể tiền đi lại, giá cả hàng hóa phục vụ cho việc sinh hoạt hàng ngày luôn chạy theo giá xăng dầu. So với số tiền vài trăm tăng thêm từ thu nhập hàng tháng thì không thể bù nổi vào so với chi phí sinh hoạt tăng, thậm chí còn thiếu hụt hơn trước đó. Người lao động sau nhiều lần được tăng lương không những cuộc sống không được cải thiện mà càng ngày càng phải "thắt lưng buộc bụng" hơn. Không chỉ vậy, theo anh Dương Văn Huy làm công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long thì lương tăng chưa bao giờ đuổi kịp với mức tăng của hàng hóa. Anh dẫn chứng đợt tăng lương cao nhất của công ty là 250.000 đồng/tháng nhưng so với giá cả thì số tiền đó không thể bù đắp được phần giá tăng mà người lao động phải chịu. Đầu năm nay, giá sữa mua cho con tăng liên tục, mỗi hộp sữa tăng mấy chục ngàn đồng. Tính ra mấy trăm ngàn lương được tăng thêm chẳng bõ bèn gì với tiền giá sữa tăng. Đó là chưa kể giá cả hàng hóa chỉ thấy tăng theo xăng dầu mà chưa thấy giảm theo giá xăng dầu bao giờ. Thế nên, tăng lương người lao động vẫn không thể cân bằng thu chi mà chỉ càng ngày càng phải cắt giảm nhiều khoản chi phí sinh hoạt để đủ sống.

Căn cứ vào Bộ Luật Lao động, Đề án cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2008-2012, từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung đối với cán bộ, công chức (hiện nay là 1.050.000 đồng/tháng) và 6 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với các doanh nghiệp. Theo một điều tra nghiên cứu vào tháng 07/2012 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ở các doanh nghiệp tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước, tiền lương cơ bản của người lao động trung bình là 2,43 triệu đồng/tháng và tiền lương thực nhận được trả theo năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc trung bình là 2,86 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập trung bình của người lao động là 3,6 triệu đồng/tháng, trong đó bao gồm các thu nhập khác như tăng ca, tiền ăn ca, chuyên cần, hỗ trợ đi lại, thưởng và các phụ cấp khác. Như vậy, lương vẫn tăng đều đặn theo lộ trình nhưng đa phần người lao động vẫn thấy chật vật, khó cân bằng thu chi bởi thực tế tăng lương nhưng thu nhập của họ không tăng trong khi chi phí sinh hoạt lại đội lên từng ngày.

Chuyện dài “lương tối thiểu”

Ngày 1/5, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 chính thức có hiệu lực với nhiều quy định có lợi hơn cho người lao động. Một trong những quy định được người lao động quan tâm là mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, như mọi người đều biết, dù đã 10 lần điều chỉnh nhưng lương tối thiểu vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu trên.

Trong tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2013 dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, nếu điều chỉnh ngay mức lương tối thiểu theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 thì nhiều doanh nghiệp sẽ không kham nổi, thậm chí có khả năng phá sản như doanh nghiệp dệt may, da giày, gia công và khi đó người lao động sẽ mất việc làm. Bộ LĐ-TB&XH cho rằng trong điều kiện hiện nay cần phải cân nhắc lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp, bảo đảm có sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động để có thể đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động vào năm 2016 hoặc 2017. Vậy phải chăng từ nay đến thời điểm ấy, đời sống người lao động vẫn không cải thiện chút nào? Câu trả lời là trong quá trình thực hiện, nếu điều kiện kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi thì điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nhanh hơn lộ trình dự kiến.

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH vừa đề nghị Chính phủ giãn lộ trình, kéo dài thời gian điều chỉnh lương tối thiểu thêm từ ba đến bốn năm nữa. Lý do được đưa ra là trong tình hình kinh tế khó khăn, nếu điều chỉnh đúng lộ trình thì mức tăng lương năm 2014-2015 sẽ rất lớn và doanh nghiệp khó mà chịu được. Vụ Tiền lương cũng đã tính toán và đưa ra hai phương án điều chỉnh lộ trình tăng lương vào hai thời điểm. Theo phương án 1, lương tối thiểu sẽ đảm bảo nhu cầu tối thiểu vào năm 2017 thì mức tăng bình quân chung trong các năm từ nay đến 2017 sẽ khoảng 16,5 – 20% mỗi năm. Còn nếu theo phương án chỉ kéo dài lộ trình điều chỉnh lương đến năm 2016, thì mức tăng bình quân chung cũng sẽ cao hơn, khoảng từ 18 đến 23%/năm. Trong khi đó, nếu căn cứ vào Bộ luật Lao động mới, mức lương tối thiểu sẽ phải đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2013 và mức cụ thể ở vào khoảng từ 2,6 đến 3,4 triệu đồng/tháng, tùy từng vùng. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Bộ đang xây dựng lộ trình, với tinh thần tích cực nhất, phấn đấu chậm nhất đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu. Nhưng phương án 1 có khả thi hay không còn chịu sự chi phối bởi khả năng phát triển kinh tế của đất nước, nếu vẫn khó khăn như hiện nay thì mục tiêu này cũng không dễ thực hiện.

Ai cũng biết “lương tối thiểu” là câu chuyện dài. Giai đoạn 2008-2012, Chính phủ đã năm lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung với cán bộ, công chức và sáu lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng với các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, lương tối thiểu của người lao động vẫn không đáp ứng được mức sống tối thiểu. Viện dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết mức lương tối thiểu hiện hành, dù đã qua nhiều lần điều chỉnh vẫn chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu của người lao động. Tại hội thảo về “Mức sống tối thiểu và những vấn đề đặt ra đối với việc xác định lương tối thiểu và lương đủ sống cho người lao động” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây, ông Lê Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Lao động – Tiền lương (Bộ LĐ, TB & XH) thừa nhận lương tối thiểu hiện nay chỉ chi trả được 50% mức sống tối thiểu của người lao động ở khu vực hành chính – sự nghiệp và 70% ở khu vực sản xuất. Vấn đề đặt ra là giữa mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu hiện nay có một sự chênh lệch quá lớn và quan trọng hơn là chúng ta chưa xác định được thế nào là mức sống tối thiểu để làm cơ sở điều chỉnh lương tối thiểu phù hợp. Do vậy, như thực tế những năm qua, việc điều chỉnh lương chỉ dựa trên khả năng ngân sách chứ không dựa trên thực tiễn cuộc sống, giá cả thị trường, chi tiêu sinh hoạt tối thiểu của người dân. Cũng tại hội thảo trên, các đại biểu băn khoăn lương tối thiểu của Việt Nam đã rơi xuống mức quá thấp nên có điều chỉnh, có tăng lên đến mấy vẫn không thể cân đối, theo kịp mức sống tối thiểu, nhất là trong bối cảnh giá cả hàng hóa, dịch vụ liên tục gia tăng.

Đáng nói hơn, với nền lương quá thấp này, ước có gần 10 triệu người hiện đang tham gia BHXH sẽ trở thành lớp người nghèo mới sau khi nghỉ hưu. Bộ luật Lao động mới quy định tiền lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. Căn cứ vào điều kiện sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế – xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu. Theo các chuyên gia, đưa quy định này vào Bộ luật Lao động là rất cần thiết trong bối cảnh hàng chục năm nay mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu. Để luật hóa, ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), cho rằng cần quy định cụ thể, chi tiết về mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu để làm cơ sở thỏa thuận lương giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Bên cạnh đó, phải có những khảo sát chính xác về thị trường lao động và mức sống tối thiểu để các quy định trong luật không còn là chiếc bánh vẽ như lâu nay. Dù chưa thể áp ngay quy định lương tối thiểu đủ sống tối thiểu nhưng vẫn còn chút yên lòng là từ sau ngày 1/5, khi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, ngoài những quy định đang hiện hành, người lao động được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày. Trong thời gian thử việc, mức lương do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó, cao hơn tiền lương thử việc cũ là 70%.

Theo KT&ĐT