Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên gia tăng
16/05/2013 03:37 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã và đang tác động đến hoạt động của tất cả các ngành, đặc biệt là việc làm cho thanh niên. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 8.5, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Việt Nam cao gấp 3 lần ở người trưởng thành. Gần một nửa số người thất nghiệp trong năm 2012 ở độ tuổi từ 15 đến 24.
Cũng theo ILO thì tình hình này ở các nước phát triển cũng không khá khẩm gì hơn. Cụ thể như khu vực châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp tăng 25%; ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình dương, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 13,1% trong năm 2012 và được dự báo sẽ tăng hơn 14% năm 2017. Nâng tỷ lệ thất nghiệp trẻ toàn cầu được dự báo ở mức gần 13% trong năm 2013, tương ứng với 73 triệu thanh niên. Báo cáo cho thấy, tỷ lệ này gần bằng đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế và sẽ không giảm trước năm 2018. Đại diện ILO, ông José Manuel Salazar cho biết những con số này cho thấy cả một thế hệ đang gặp vấn đề. Hàng triệu thanh niên không có việc làm hoặc thiếu việc và giai đoạn sống phụ thuộc vào bố mẹ và nhà nước bị kéo dài.
Chia sẻ về vấn đề này với báo chí, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết: về mặt lý thuyết, cứ GDP tăng trưởng 1% thì sẽ tăng được 0,25% số lượng việc làm mới. Như vậy, về lý thuyết, thì chúng ta không thể tạo ra được 1,52 triệu việc làm mới trong năm 2012. Trong năm 2012, có 54.000 DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động cao hơn rất nhiều so với năm 2011 (52.000 DN), thì tỷ lệ thất nghiệp chung phải tăng. Trong 4 tháng đầu năm nay, bình quân mỗi tháng, có tới 5.000 DN phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động (cao hơn so với bình quân của năm 2012 là 4.500 DN/tháng) thì tạo việc làm trong nước khó có thể tăng được 1,6%; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị khó có thể dừng lại ở con số 3,4% và tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn cũng khó có thể dừng lại là 4%.
Sự cạnh tranh để có được những công việc khan hiếm đẩy thanh niên không được học hành đầy đủ ở các nước đang phát triển rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương hơn. Ngày càng nhiều thanh niên phải làm các công việc bán thời gian hoặc tạm thời. Sự khập khiễng giữa kỹ năng của người lao động và yêu cầu của thị trường đang ngày một gia tăng. Việc người lao động được đào tạo và có kỹ năng quá mức yêu cầu tồn tại song song với sự thiếu hụt giáo dục và kỹ năng cần thiết.
Để giải quyết vấn đề trên, đại diện ILO José Manuel Salazar Xirinachs cho rằng, ở cấp quốc gia, cần có một loạt các biện pháp cụ thể về việc làm cho thanh niên. Các biện pháp này bao gồm những can thiệp để thanh niên có được kỹ năng mà người sử dụng lao động cần; các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận với vốn vay, cho phép họ thuê thêm nhiều lao động trẻ hơn; và thanh niên có quyền, điều kiện làm việc và bảo trợ xã hội bình đẳng như những lao động trưởng thành. Bên cạnh đó, thực tập, học việc cũng là một công cụ hữu hiệu để cải thiện việc làm cho thanh niên, giảm thiểu sự khập khiễng về kỹ năng, và thúc đẩy quá trình chuyển tiếp hiệu quả từ nhà trường đến nơi làm việc.
Đối với Việt Nam, Chuyên gia về việc làm thanh niên của ILO châu Á - Thái Bình dương Matthieu Cognac cho rằng, cần đặc biệt chú ý tới thanh niên ở khu vực nông thôn, nơi phần lớn thanh niên đang sống và làm việc. Nếu không tạo ra được việc làm bền vững và tiếp cận giáo dục và đào tạo kỹ năng tốt hơn, sẽ khó tiếp tục đạt được những tiến bộ trong xóa đói giảm nghèo.
Giám đốc ILO tại Việt Nam Gyorgy Sziraczki nhấn mạnh, đã đến lúc cần thắt chặt mối liên hệ giữa giáo dục - đào tạo và tăng cường xuất khẩu, đa dạng hóa nền kinh tế vào tạo thêm nhiều việc làm tốt hơn. Những thách thức về việc làm cho thanh niên trong nước không thể giải quyết được nếu không có những chuyển biến về cấu trúc để thúc đẩy phát triển, những chính sách kinh tế vĩ mô và tài khóa hỗ trợ việc làm, tăng tổng cầu, cải thiện việc tiếp cận vốn và tăng hiệu quả đầu tư. “Giáo dục Kinh doanh” là một chương trình đào tạo cho giảng viên và giáo viên nhằm đưa kiến thức phát triển doanh nghiệp đến với thanh thiếu niên. Liên quan đến vấn đề này, được biết Bộ GD-ĐT vừa quyết định đưa giáo trình giáo dục kinh doanh của ILO vào chương trình học phổ thông khi sửa đổi chương trình học từ năm 2015.
Nguồn ĐBND
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT