Bác sĩ gia đình và “giấc mơ” của người bệnh

15/05/2013 08:11 AM


Đi sau thế giới hơn 60 năm trong việc xây dựng mô hình bác sĩ gia đình, Việt Nam liệu có tận dụng được những kinh nghiệm tốt để biến giấc mơ của hàng triệu người dân “được trở thành nhân vật trung tâm, được theo dõi, chăm sóc sức khỏe toàn diện từ khi còn là bào thai đến lúc từ giã cõi đời” thành hiện thực trong tương lai gần?


Các bác sĩ gia đình có vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống y tế nhiều nước - Ảnh: patientcostadvocates.com

Tại TP.HCM, hiện có hai hình thức mà người ta quen gọi là “bác sĩ gia đình” (BSGĐ). Một là những bác sĩ nhận bệnh qua điện thoại, đến tận nhà bệnh nhân để khám bệnh, kê đơn thuốc. Bệnh nhân của họ có thể là người chỉ gọi bác sĩ đến khám bệnh một vài lần rồi thôi, nhưng cũng nhiều người đã theo điều trị một bác sĩ nhiều năm liền. Chi phí thường được tính từ 150.000-350.000 đồng cho mỗi lần khám, tùy địa điểm nhà bệnh nhân xa hay gần.

Hai là các công ty tư nhân chuyên cung cấp dịch vụ y tế có các “gói dịch vụ BSGĐ” để theo dõi và chăm sóc sức khỏe tận nhà cho bệnh nhân với giá dịch vụ vô cùng phong phú, phù hợp từng đối tượng bệnh nhân từ bình dân đến cao cấp.

Nhưng cả hai loại dịch vụ bác sĩ trên chưa thể gọi là BSGĐ. Theo TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - trưởng bộ môn BSGĐ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhiều người vẫn chưa hiểu chính xác khái niệm BSGĐ và y học gia đình. Có đến 90% người được hỏi (*) đều nghĩ BSGĐ là những bác sĩ đến tận nhà để khám và chữa bệnh cho bệnh nhân.

Nhưng trên thực tế 70% bệnh nhân phải đến phòng khám BSGĐ, việc tới nhà để khám cho bệnh nhân chỉ là một phần công việc của BSGĐ khi bệnh nhân không thể đến phòng khám. BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh nên biết rõ vấn đề sức khỏe của từng người bệnh trong hoàn cảnh, lối sống, gia đình và cộng đồng của họ.

Bắt đầu thu hút bệnh nhân

Tại TP.HCM, mô hình phòng khám BSGĐ xuất hiện cách đây không lâu tại một số bệnh viện (BV) tuyến quận huyện như BV quận 10, BV quận 2. Chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, các phòng khám này bắt đầu tạo được niềm tin cho bệnh nhân.

Tại phòng khám BSGĐ BV quận 10, chúng tôi thấy bác sĩ Chau Sóc Khim ân cần thông báo kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân Phùng Thị Mỹ Ngọc (65 tuổi). Sau khi thông báo kết quả xét nghiệm không có gì bất thường nhưng vẫn nghe bệnh nhân than đau đầu, bác sĩ Khim hỏi thêm: “Dạo này bác bán xe Vespa vẫn tốt chứ ạ?”.

Nghĩ ngợi một lát, bà Ngọc nói có thể việc buôn bán làm bà đau đầu. Bác sĩ Khim động viên bệnh nhân không nên quá lo lắng về bệnh tật, cố gắng giữ cho cuộc sống thoải mái, tránh để áp lực công việc căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhận đơn thuốc xong, bà Ngọc cười thật tươi chào bác sĩ rồi qua phòng bên cạnh nhận thuốc. Bên ngoài, chồng bà là ông Nguyễn Văn Đặng (85 tuổi) đang chờ đến lượt mình được khám.

Trước đây, mặc dù bà bị đau khớp, tim, còn ông thì cao huyết áp, khó ngủ nhưng vợ chồng ông Đặng ít khi đến BV để khám vì ngán cảnh chờ đợi lâu, bác sĩ khám qua loa. Lúc nào thấy mệt thì tới phòng khám tư, đôi khi ra luôn tiệm thuốc tây. Nhưng từ khi biết có phòng khám BSGĐ tại BV quận 10, hai ông bà quyết định sẽ theo dõi sức khỏe tại đây, cùng lựa chọn một bác sĩ thường xuyên theo dõi sức khỏe cho mình. Mỗi lần đi khám ông bà đều được hẹn giờ trước nên không phải chờ đợi lâu.

“Lần khám sau bác sĩ đều xem lại hồ sơ khám trước đó để cho loại thuốc, liều thuốc phù hợp. Chúng tôi đã có tuổi, sức khỏe như quả trứng mỏng nên yên tâm hơn khi có bác sĩ nắm rõ bệnh tình của mình” - ông Đặng cho biết. Tại phòng khám này, bệnh nhân được tự mình lựa chọn bác sĩ và có thể yêu cầu đổi bác sĩ nếu chưa thấy hài lòng.

Cũng là một trong những BV đầu tiên triển khai phòng khám BSGĐ, BV quận 2 đang tổ chức một phòng khám BSGĐ có khá đông bệnh nhân theo điều trị. Chị Hoàng Thị Thanh Lan (Q.9) từ phòng khám bước ra với nụ cười rất tươi: “Bác sĩ nói đã chuyển hồ sơ của tôi cho một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng xem xét. Bệnh thì chưa biết có khỏi hay không nhưng thấy bác sĩ tư vấn tận tình, vui vẻ tôi cũng thấy lạc quan phần nào cho căn bệnh lâu năm của mình”. Nhiều người khi tới khám thấy hài lòng nên đã đưa cả gia đình đến đây khám bệnh và chăm sóc sức khỏe định kỳ.

Bác sĩ Lê Thanh Hùng - phó giám đốc BV quận 10 - cho biết phòng khám BSGĐ tại BV quận 10 (được Sở Y tế cho phép thành lập tháng 6-2012) có năm buồng khám làm việc từ 7g-18g từ thứ hai đến thứ bảy, đón khoảng 250-300 lượt bệnh nhân mỗi ngày. Khi hoàn thiện BV sẽ chuyển mô hình này cho trung tâm y tế dự phòng để triển khai xuống các trạm y tế phường.

Trong năm 2013, BV quận 10 sẽ triển khai mô hình này xuống sáu trạm y tế, dự kiến sang năm triển khai cho chín trạm y tế phường còn lại trong quận để mô hình BSGĐ thật sự gần dân hơn.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc BV quận 2, cho biết phòng khám BSGĐ ở đây (thành lập tháng 10-2012) có 18 bác sĩ, đón trung bình 40-45 bệnh nhân mỗi ngày. Ông hi vọng khi làm tốt mô hình phòng khám BSGĐ thì dân ở các vùng Nhơn Trạch, quận 9, quận 2 sẽ không phải lặn lội đường xa lên các BV khu trung tâm để chen chúc vạ vật chờ đợi nữa.

“Mục tiêu cuối cùng vẫn là đưa bác sĩ về gần dân, vì vậy phòng khám BSGĐ nên nằm ở y tế cơ sở. Hiện nay chúng tôi đang khảo sát hai trạm y tế ở phường Thảo Điền và phường Thạnh Mỹ Lợi để triển khai phòng khám BSGĐ và sẽ nghiên cứu để tiếp tục nhân rộng ra các phường khác trên địa bàn quận”.

Vạn sự khởi đầu nan

Thiếu phần mềm quản lý bệnh án điện tử, chưa có mô hình thực tiễn đi trước ở trong nước để học hỏi, thiếu bác sĩ tốt nghiệp chuyên khoa BSGĐ, thiếu trang thiết bị liên kết giữa các bộ phận để có thể chẩn bệnh từ xa và kết nối thông tin... là những thách thức không nhỏ đối với việc phát triển rộng và hiệu quả mô hình BSGĐ.

Chưa kể, hiểu biết và tin cậy của người dân đối với mô hình này là chưa nhiều trong khi đã kịp có những nơi đăng ký là phòng khám BSGĐ để tính biểu giá dịch vụ theo tiêu chuẩn phòng khám BSGĐ nhưng thực chất chưa chăm sóc bệnh nhân theo đúng tiêu chuẩn này. Một trong những bất lợi đáng kể khác là việc bảo hiểm y tế chưa tham gia hệ thống phòng khám BSGĐ.

Mô hình BSGĐ phải gắn với hệ thống y tế cơ sở để giảm tải cho tuyến trên và ở một nơi có sẵn hệ thống trạm y tế phường xã như Việt Nam, đó là một lợi thế. Vấn đề là nâng chất lượng của hệ thống này để đảm đương được việc san sẻ gánh nặng cho tuyến trên.

“Trạm y tế hiện nay chưa thu hút được người dân đến khám chữa bệnh nhiều nên khó bắt đầu từ đây. Cách làm hiện nay của TP.HCM là làm từ BV quận, huyện, tạo uy tín và sự tin tưởng cho bệnh nhân rồi dần triển khai xuống các trạm y tế phường xã. Bước trung chuyển này nhanh hay chậm là tùy thuộc vào sự tham gia của ngành y tế dự phòng” - TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp nói.

Theo Bộ Y tế, do còn khá mới nên mô hình BSGĐ chưa được quan tâm đầu tư tương xứng, cũng chưa có chức danh BSGĐ ở các cơ sở y tế, chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý. VN đã có mạng lưới y tế tư nhân, đóng góp một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng nhưng hầu hết phòng khám tư nhân chưa được tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhất là tham gia vào hệ thống chuyển tuyến người bệnh.

Nếu hệ thống này tham gia hoạt động theo nguyên tắc phòng khám BSGĐ thì hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân sẽ cao hơn và góp phần giảm quá tải BV tốt hơn.

Theo Báo Tuổi trẻ