Hệ lụy từ một thế hệ "vô công rồi nghề"

15/05/2013 03:54 AM


"Những người trẻ tuổi không được nhàn rỗi. Vì nhàn rỗi rất xấu với họ” - cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher phát biểu vào năm 1984. Bà nói đúng, trong một xã hội, không gì tồi tệ hơn là để giới trẻ trong tình trạng vô công rồi nghề bởi vì họ mất đi cơ hội để có được các kỹ năng và sự tự tin trong cuộc đời.


Số lượng người trẻ tuổi không có việc làm trên toàn cầu gần bằng dân số của Hoa Kỳ (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, hiện nay nhiều người trẻ đang nhàn rỗi hơn bao giờ hết. Theo số liệu của tổ chức hợp tác và phát triển Kinh tế OECD, có 26 triệu trong độ tuổi 15 - 24 tuổi ở các nước đang phát triển không có việc làm, và không được đào tạo; số lượng những người trẻ tuổi không có việc làm đã tăng 30% kể từ năm 2007. Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy 75 triệu lao động trẻ trên toàn cầu đang tìm việc làm. Khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy 262 triệu lao động trẻ trong thị trường mới nổi cũng đang ngồi chơi. Tùy thuộc vào cách đánh giá, số lượng người trẻ tuổi không có việc làm là đã tương đương với dân số của Mỹ (311 triệu người). Có hai yếu tố ảnh hưởng tới tình trạng này. Đầu tiên, suy thoái kinh tế kéo dài ở phương Tây đã làm sụt giảm nhu cầu về lao động. Thứ hai, trong các nền kinh tế mới nổi, tăng trưởng dân số nhanh nhất ở các nước có thị trường lao động bất thường, chẳng hạn như Ấn Độ và Ai Cập.

Thống kê của Tây Ban Nha được công bố ngày 25/4/2013 cho thấy, lần đầu tiên quốc gia này phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng thấy: 6,2 triệu người, tương đương với 27,2% dân số. Trong khu vực đồng euro, Tây Ban Nha chỉ thua có Hy Lạp. Pháp cùng chung số phận với Tây Ban Nha: kỷ lục 3,195 triệu người không có việc làm của năm 1997 sẽ bị vượt qua. Kết quả là một "vòng cung của tỷ lệ thất nghiệp", từ miền Nam châu Âu qua Bắc Phi và Trung Đông đến Nam Á. Sự giận dữ của những người trẻ thất nghiệp đã bùng nổ trên các đường phố ở Trung Đông. Tội phạm bạo lực đang tăng ở Tây Ban Nha, Ý và Bồ Đào Nha - đều là những quốc gia có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao. Cách rõ ràng nhất để giải quyết vấn đề này là tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tại các nước có tình trạng thất nghiệp tồi tệ nhất (như Tây Ban Nha và Ai Cập), tỷ lệ thanh niên không việc làm cao ngay cả khi nền kinh tế đang tăng trưởng.

Trong suốt cuộc suy thoái kinh tế, nhiều công ty vẫn tiếp tục phàn nàn rằng không thể tìm thấy những người trẻ tuổi có kỹ năng phù hợp. Nghịch lý này nhấn mạnh tầm quan trọng của hai giải pháp khác: cải cách thị trường lao động và cải thiện giáo dục. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao thường xẩy ra trong các quốc gia có thị trường lao động cứng nhắc. Nhiều quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp đều giữ mức lương tối thiểu cao và thuế lao động nặng nề. Riêng Ấn Độ có khoảng 200 điều luật về lao động và tiền lương. Bãi bỏ kiểm soát thị trường lao động là cách để giải quyết tình trạng thất nghiệp của thanh niên. Bên cạnh đó, nhiều chính phủ có xu hướng đóng vai trò tích cực hơn trong việc tìm kiếm việc làm cho thanh niên. Chẳng hạn, tại Đức, nước có mức thất nghiệp thấp thứ hai ở các nước giàu, chính phủ trả tiền lương cho những người thất nghiệp trong hai năm đầu tiên để hỗ trợ họ kiếm việc làm hoặc đào tạo lại. Các nước Bắc Âu cung cấp cho thanh niên "kế hoạch cá nhân" để có việc làm hoặc đào tạo lại. Nhưng chính sách này quá tốn kém đối với các nước ở Nam Âu, với hàng triệu người thất nghiệp. Vì thế, một cách tiếp cận rẻ hơn là cải cách môi trường kinh doanh theo hướng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho doanh nghiệp nhỏ.

Tại các nước OECD, những người bỏ học sớm có khả năng thất nghiệp cao gấp hai lần so với người tốt nghiệp đại học. Nhưng không khôn ngoan để kết luận rằng chính phủ chỉ đơn giản là nên tiếp tục với chính sách thúc đẩy số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học. Tại Anh và Hoa Kỳ, nhiều người cũng không thể kiếm được việc làm phù hợp. Điều quan trọng không chỉ là số năm đi học mà là nội dung học. Điều này có nghĩa là mở rộng việc nghiên cứu khoa học và công nghệ và thu hẹp khoảng cách giữa thế giới của giáo dục và thế giới của công việc. Một số nước khác đang theo mô hình đào tạo phù hợp là Hàn Quốc đã giới thiệu trường "meister" dạy nghề, Singapore tăng cường các trường cao đẳng kỹ thuật và Anh đang mở rộng học nghề. Động lực cũng đến từ doanh nghiệp khi một số công ty lớn như IBM, Rolls-Royce, McDonalds và Premier Inn đã hợp tác với các trường đại học để thiết kế các khóa học đào tạo cho lao động. Công nghệ cũng giảm chi phí đào tạo như chương trình được thiết kế như trò chơi máy tính giúp người học có được kinh nghiệm ảo, các khóa học trực tuyến từ xa.

Nguồn SGTT