Quy trình khám bệnh quá rườm rà

26/03/2013 09:45 AM


Tập trung đẩy mạnh các phương án giảm quá tải bệnh viện, rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh là những nội dung được nói nhiều tại Hội nghị triển khai công tác y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 25.3 tại TP.HCM.


Các BV lớn tại TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải, ảnh chụp tại BV Ung Bướu TP.HCM - Ảnh: Khánh Vy

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, mặc dù đã có nhiều quy chế về tiếp đón người bệnh, khám bệnh, làm hồ sơ bệnh án... mà các BV đã triển khai nhưng quy trình khám bệnh vẫn còn nảy sinh nhiều vấn đề, đơn cử như chuyện người bệnh phải đi photo giấy tờ hoặc nộp phí quá nhiều lần.

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, cũng cho rằng, quy trình khám bệnh hiện nay lâu nhất là khâu thu tiền, khám bệnh BHYT, thanh toán chờ lấy thuốc. Có người đi từ 4 giờ sáng để lấy số đến chiều tối mới được khám xong. Cũng theo bà Tiến, hiện nay trong khám bệnh người dân phải đóng phí nhiều lần, chỗ lấy máu và chỗ xét nghiệm, chỗ trả kết quả lại lòng vòng, không tiếp giáp nhau cũng là nguyên nhân “hành” người bệnh. Với quy trình khám bệnh lâm sàng có xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng qua 12 bước là quá rườm rà, làm người dân phải chờ đợi rất lâu. “Đáng nói là quy trình thì rườm rà mà thời gian khám của bệnh nhân có khi chỉ vài phút”, bà Tiến nói.

Để cải tiến quy trình nêu trên, Bộ Y tế cải tiến cụ thể từng quy trình khám bệnh. Nếu đến tái khám, không chẩn đoán hình ảnh, không xét nghiệm thì quy trình tái khám sẽ rút ngắn chỉ còn 4 bước. Loại thứ hai, khám bệnh có xét nghiệm rút ngắn còn 6 bước. Với quy trình khám bệnh vừa xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh là loại khám lâu nhất cũng phải rút lại chỉ còn tối đa 8 bước. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, chỗ lấy máu, chỗ xét nghiệm và trả kết quả phải cải tiến để gần nhau, ở những nơi áp dụng tốt công nghệ thông tin thì kết quả xét nghiệm máu sẽ hiện lên màn hình để bệnh nhân khỏi mất công đi lại nhiều lần.

Không còn quá tải từ năm 2020

Theo báo cáo từ Cục Quản lý khám chữa bệnh, trong thời gian qua, đã có nhiều phương án tiên quyết nhằm giảm quá tải BV, trong đó tập trung giảm công suất sử dụng giường bệnh tại các BV tuyến T.Ư, nâng cao năng suất giường bệnh tại tuyến dưới hay tăng số giường bệnh công lập, ưu tiên các chuyên khoa: ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Thế nhưng, hiệu quả chưa cao, mức giảm tải BV cũng chỉ ở khoảng 1 - 2% so với năm trước, BV tuyến T.Ư, công suất sử dụng giường bệnh vẫn còn ở mức quá cao (gần 120%).

Thời gian tới đây, phương án giảm tải BV vẫn chú trọng thành lập và phát triển mạng lưới BV vệ tinh, bác sĩ gia đình. Đặc biệt, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh của các BV vệ tinh nhằm giảm số người bệnh từ BV tuyến dưới chuyển lên tuyến trên bằng cách đào tạo cán bộ, chuyển giao cho các BV vệ tinh và tư vấn, khám bệnh từ xa giữa BV hạt nhân và vệ tinh thông qua hệ thống công nghệ thông tin, đẩy mạnh hơn nữa công tác đưa bác sĩ tuyến trên về giúp đỡ tuyến dưới.

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 là giảm công suất sử dụng giường bệnh của các BV có công suất sử dụng giường bệnh quá cao (hơn 120%) thuộc tuyến T.Ư xuống dưới 100% và cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép; phấn đấu đến năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải BV...

Theo Báo Thanh niên