Kinh nghiệm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của Singapore

26/03/2013 07:12 AM


Singapore chính là ví dụ điển hình cho thấy chênh lệch giàu nghèo không chỉ là 1 vấn đề xã hội mà còn là nhân tố ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.


Tình trạng chênh lệch giàu nghèo đang tăng lên ở hầu khắp các nước trên thế giới. Tuy nhiên, mức độ ở từng nước và từng khu vực là khác nhau. Ngày càng có nhiều người nhận ra rằng nước Mỹ có 1 kỷ lục đáng buồn, là nước phát triển có mức độ chênh lệch giàu nghèo cao nhất thế giới. Ở các nước Anh, Nhật Bản, Canada và Đức, tình hình có khá hơn một chút. Tất nhiên, tình hình còn tồi tệ hơn ở Nga và một số nước đang phát triển ở Mỹ Latinh và châu Phi. Một số nước lớn - như Brazil, Indonesia và Argentina — đã trở nên "công bằng" hơn trong những năm gần đây. Ngược lại, một số nước khác (như Tây Ban Nha) bị lệch khỏi quỹ đạo này khi khủng hoảng kinh tế 2007 - 2008 nổ ra. Trong khi đó, có 1 quốc gia ở Đông Nam Á đang nổi lên như 1 tấm gương cho các nước lớn học tập, chính là Singapore. "Đảo quốc sư tử" tự hào với một xã hội tân tiến và một nền kinh tế công bằng trong khi duy trì được tốc độ tăng trưởng rất cao trong suốt 30 năm qua. Singapore chính là ví dụ điển hình cho thấy chênh lệch giàu nghèo không chỉ là 1 vấn đề xã hội mà còn là nhân tố ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Thật khó để có thể tin vào tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của Singapore trong vòng nửa thế kỷ kể từ khi quốc đảo này giành được độc lập vào năm 1963. Tại thời điểm đó, 1/4 lực lượng lao động của Singapore ở trong tình trạng thất nghiệp. GDP bình quân trên đầu người (đã điều chỉnh theo lạm phát) chưa bằng 1/10 so với ngày nay. Singapore đã làm được rất nhiều thứ để trở thành "con hổ" của châu Á và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo chính là một trong số đó. Chính phủ đảm bảo chắc chắn rằng lương của người thu nhập thấp sẽ không bị giảm xuống. Chính phủ Singapore đã chỉ đạo các cá nhân gửi tiền tiết kiệm vào "quỹ tiết kiệm" để sử dụng chi trả cho các phúc lợi về y tế, nhà ở và hưu trí. 36% số lương của các lao động trẻ sẽ được gửi vào quỹ này. Chính phủ cũng cung cấp hệ thống giáo dục mang tầm cỡ quốc tế, gửi những sinh viên xuất sắc nhất ra nước ngoài và làm mọi thứ có thể để đảm bảo chắc chắn họ sẽ quay về.

Có ít nhất 4 điểm đáng lưu ý ở mô hình Singapore có thể áp dụng:

Thứ nhất, mọi cá nhân bắt buộc phải chịu trách nhiệm về nhu cầu của riêng họ. Ví dụ, thông qua khoản tiền tiết kiệm trong quỹ, khoảng 90% người dân Singapore sở hữu nhà riêng. Trong khi đó, kể từ khi bong bóng nhà đất vỡ tung vào năm 2007, tỷ lệ ở Mỹ chỉ là 65%.

Thứ hai, các lãnh đạo Singapore nhận ra rằng họ phải phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn phổ biến ở các nước phương Tây. Các chương trình được chính phủ Singapore thực hiện khá tân tiến: trong khi tất cả mọi người đều góp sức xây dựng đất nước, những người giàu có hơn sẽ đóng góp nhiều hơn để đảm bảo tất cả đều có thể sống tươm tất. Không chỉ đóng góp nhiều hơn, nhà giàu Singapore được hối thúc đóng góp nhiều hơn nữa để giúp đỡ những người còn khó khăn.

Thứ ba, chính phủ can thiệp vào việc phân phối thu nhập trước thuế - để giúp đỡ những người nghèo chứ không phải giúp đỡ người giàu như ở Mỹ. Chính phủ thương lượng với người lao động và các chủ doanh nghiệp, đảm bảo cân bằng quyền lợi cho nhóm có ít quyền lực kinh tế hơn. Ngược lại, ở Mỹ, các luật lệ lại chuyển quyền lực từ người lao động vào tay tầng lớp cầm quyền, đặc biệt là trong 30 năm gần đây.

Thứ tư, người Singapore nhận ra rằng chìa khóa cho thành công ở tương lai là đầu tư mạnh vào giáo dục và gần đây hơn là vào nghiên cứu khoa học. Bước tiến của quốc gia có nghĩa là tất cả người dân - chứ không phải chỉ với con cái của tầng lớp giàu có - có thể tiếp cận với nền giáo dục tốt nhất.

Gần đây hơn, chính phủ nước này cũng tập trung vào vấn đề môi trường, đảm bảo chắc chắn rằng thành phố 5,3 triệu dân sẽ giữ được các khoảng không gian xanh. Thậm chí, không gian xanh có thể được đặt trên nóc các tòa nhà cao tầng. Trong bối cảnh đô thị hóa và hiện đại hóa đang làm suy yếu những mối quan hệ trong gia đình, Singapore nhận ra được tầm quan trọng của việc duy trì những mối quan hệ ấy, đặc biệt là giữa các thế hệ. Nhiều chương trình được thực hiện với mục đích giúp đỡ người già. Singapore cũng nhận ra rằng một nền kinh tế không thể thành công nếu như phần lớn công dân không đóng góp vào tăng trưởng hoặc nếu như một bộ phận lớn không có nhà ở, không được chăm sóc sức khỏe hoặc được bảo vệ khi nghỉ hưu. Bằng cách khuyến khích các cá nhân làm việc nhiều hơn để đóng góp vào quỹ hưu trí của riêng họ, Singapore tránh được tình trạng "người già ăn bám".  Rõ ràng là, con cái không thể chọn lựa họ sẽ sinh ra trong gia đình giàu hay nghèo và do đó họ nên phát huy tối đa các năng lực bẩm sinh. Điều này tạo ra 1 xã hội rất năng động.

Thành công của Singapore còn được phản ánh trong các chỉ số khác. Tuổi thọ trung bình là 82 tuổi - cao hơn so với con số 78 của người Mỹ. Số điểm mà sinh viên Singapore đạt được trong các bài kiểm tra toán học, khoa học và đọc hiểu nằm trong nhóm cao nhất trên thế giới, cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước trong tổ chức OECD và tất nhiên là cao hơn Mỹ. Tất nhiên, Singapore không phải là 1 xã hội hoàn hảo. Tình trạng chênh lệch giàu nghèo vẫn tồn tại và trở thành thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, người Singapore chấp nhận điều ấy và sôi nổi tìm cách đảo ngược tình hình. Một số người cho rằng Singapore đạt được những thành tựu trên là bởi ông Lý Quang Diệu không hoàn toàn cam kết thực hiện quá trình dân chủ. Đúng là Singapore đã được cai trị nhiều năm bởi 1 đảng và điều này gây nên những hệ lụy. Tuy nhiên, không thể phủ nhận đây là quốc gia thường xuyên được ghi nhận là có ít tham nhũng nhất và có chính phủ minh bạch nhất trên thế giới. Hơn nữa, một số nước có vẻ dân chủ hơn cũng đã xây dựng được nền kinh tế công bằng và năng động nhưng lại có mức chênh lệch giàu nghèo lớn hơn Singapore (điển hình là Mỹ).

Theo Cafe F