Số liệu thất nghiệp: Còn nhiều hoài nghi

21/03/2013 08:32 AM


Năm 2012 qua đi với các báo cáo không thực sự bi quan về tình trạng thất nghiệp, việc làm của Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dù chuyện doanh nghiệp bị phá sản, lao động bị nợ lương, mất việc xảy ra khắp nơi. Chuyện sẽ không có gì để nói tiếp nếu bản tin Kinh tế vĩ mô số 8 của Ủy ban Kinh tế và ngân sách Quốc hội mới đây không đưa ra các đánh giá đầy hoài nghi về những số liệu này.


Thực tế bi đát...

Chưa năm nào, kể cả năm 2008 được ghi nhận là tình trạng suy thoái kinh tế xảy ra nghiêm trọng, lại có số lượng lao động bị sa thải nhiều như năm 2012. Thị trường lao động chứng kiến những cuộc sa thải với số lượng lớn như vụ việc công ty Sanyo OPT tại Bắc Giang đóng cửa dừng hoạt động làm 3.750 người mất việc, hơn 10.000 lao động của Vinalines và Vinashin mất việc, công đoàn ngành giao thông công bố ngành này có gần 19.000 lao động không có việc làm, nợ lương chồng chất. Không chỉ các ngành xây dựng, giao thông, một số lĩnh vực sản xuất như ximăng, sắt thép…sản xuất đình đốn, sa thải công nhân hàng loạt mà nhiều ngành dịch vụ khác cũng trong tình trạng tương tự. Năm 2012, có tới 2/3 trong số 105 công ty chứng khoán trên thị trường đã ngừng hoạt động, đóng cửa. Mức lương 1 – 2 triệu đồng/tháng là phổ biến, khiến phần lớn nhân viên môi giới buộc phải bỏ nghề. Tại TPHCM, nơi năm trước có khoảng 20.000 doanh nghiệp bất động sản hoạt động thì năm 2012 đã có từ 6.000 – 8.000 doanh nghiệp đóng cửa. Tuy không có thống kê cụ thể về số lượng lao động mất việc vì từng đó công ty bất động sản phải đóng cửa nhưng chắc chắn con số này không dưới 40.000 – 50.000.

Tới cuối năm 2012, Tổng cục Thống kê phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã công bố báo cáo, trong đó đáng lưu ý là đã có gần 1 triệu người lao động nước ta thất nghiệp do nền kinh tế không tạo đủ việc làm cho cả lao động mới gia nhập thị trường và bộ phận lao động thất nghiệp cũ. Số liệu này có được dựa trên điều tra ba quý đầu năm 2012. Tuy nhiên, báo cáo tổng kết năm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan đầu ngành quản lý vấn đề việc làm lại không công bố số liệu người lao động mất việc. Ngày 11/3, trong cuộc họp với các tỉnh phía Nam, các sở ngành dọc tại phía Nam công bố số liệu lao động mất việc của các tỉnh này là gần 85.000 người, một con số đáng nghi ngờ, khi riêng Hà Nội đã có tới hơn 41.000 lao động mất việc trong năm 2012.

... báo cáo vẫn đẹp

Trong khi thực tế chứng kiến các “làn sóng” sa thải lao động, nợ lương nhân viên triền miên như vậy thì các số liệu báo cáo đều rất “đẹp”. Tổng cục Thống kê cuối năm 2012 đã đưa ra báo cáo tỷ lệ thất nghiệp chung giảm từ 2,22% năm 2011 xuống còn 1,99% năm 2012; tỷ lệ thiếu việc làm của người lao động giảm từ 2,96% năm 2011 xuống còn 2,8% năm 2012. Khu vực thành thị, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lại giảm nhẹ từ mức 3,6% trong năm 2011 xuống chỉ còn ở mức 3,25% trong năm 2012.

Trong bản tin Kinh tế số 8 mới được phát hành, Quốc hội gọi đó là “sự vận động trái chiều” và cố lý giải sự trái chiều đó bằng lý do, khu vực phi chính thức ở nước ta lớn nên lao động mất việc ở khu vực chính thức (có hợp đồng lao động, có bảo hiểm) chuyển sang khu vực phi chính thức với thu nhập thấp hơn, điều kiện lao động tồi tàn hơn… Tuy nhiên cũng không có số liệu cụ thể nào chứng minh có bao nhiêu lao động mất việc có được việc làm theo cách này.

Cùng với sự suy giảm kinh tế, các làng nghề là nơi tạo việc làm cho khoảng 11 triệu lao động cũng lao đao không kém. Do suy giảm kinh tế chung nên ngành dịch vụ cũng không tạo ra nhiều việc làm như những năm trước. Mọi lý giải sẽ đều võ đoán một khi không dựa trên các số liệu điều tra chính thức. Thực tế bi đát, báo cáo vẫn rất đẹp, tới mức “nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia” như bản tin số 8 đánh giá đã lý giải cho việc trong khi người lao động phải vật lộn với khó khăn thì cơ quan quản lý vẫn im lặng như không có chuyện gì xảy ra. Vậy mà nhiều chính sách về việc làm đang được xây dựng trên nền tảng những số liệu khó tin như vậy.

Theo SGTT