Luật Bảo hiểm y tế - Những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi
13/03/2013 09:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mở rộng đối tượng tham gia BHYT; phát triển quỹ BHYT; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh… là những nội dung cần được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại buổi Tọa đàm “Luật Bảo hiểm y tế - những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi” do Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức mới đây.
Ảnh minh họa. (Nguồn internet)
Luật đã đi vào cuộc sống
Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) cơ bản khắc phục những tồn tại sau 16 năm thực hiện chính sách BHYT trước đó. Đó là các văn bản quy phạm pháp luật, dưới luật đã ban hành khá đồng bộ để luật đi vào cuộc sống. Chất lượng của các dịch vụ y tế đã dần dần được cải thiện, quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được bảo đảm. Chính sách BHYT đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm lo sức khỏe. Năm 2012, ước số người tham gia BHYT là 59,164 triệu người, tăng hơn 2 triệu người so với năm 2011, tỷ lệ bao phủ khoảng 65% dân số.
Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện nhiều bất cập, vướng mắc hạn chế hiệu quả của việc thực thi chính sách BHYT cũng đã bộc lộ. Đến nay, còn hơn 30% dân số chưa tham gia BHYT, trong số này có cả các nhóm đối tượng phải tham gia BHYT nhưng chưa tham gia đầy đủ như, nhóm người lao động trong các doanh nghiệp mới đạt 49,4%; nhóm học sinh, sinh viên đạt 80,4%, nhóm hộ cận nghèo đạt khoảng 18,9%, nhóm tự nguyện chỉ đạt khoảng 24,5% tổng số đối tượng. Chất lượng KCB vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, thủ tục khám chữa bệnh quá lâu, thủ tục thanh toán quá phiền hà, tại những bệnh viện tuyến trên xảy ra tình trạng quá tải trầm trọng.
Đại diện BHXH Việt Nam cũng thừa nhận, việc bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT còn nhiều bất cập. Người bệnh vẫn phải chịu cảnh quá tải tại các bệnh viện, chất lượng thuốc, điều trị, dịch vụ kỹ thuật y tế còn nhiều hạn chế, nhất là tại các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa. Việc quy định cùng chi trả chi phí KCB không có giới hạn mức tối đa ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chi trả của người bệnh, nhất là người mắc bệnh nặng, có chi phí lớn như ung thư, phẫu thuật ghép tạng, chạy thận...
Cần bổ sung, sửa đổi…
Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần phải sửa đổi một số điều của Luật BHYT để phù hợp với hoàn cảnh mới, để đạt được mục tiêu toàn dân tham gia BHYT. Bà Tống Thị Song Hương cho rằng, Luật BHYT cần tập trung sửa đổi, bổ sung các điều khoản tạo hành lang pháp lý cho việc thuận lợi mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHYT, nhất là đối với đối tượng tham gia BHYT tự nguyện. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng KCB đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là tuyến cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa do điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, chuyên môn còn hạn chế.
Còn theo Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, sửa đổi Luật BHYT nên theo hướng quy định việc tham gia BHYT theo hộ gia đình, bởi bán BHYT theo cách này sẽ bắt buộc các thành viên trong gia đình phải tham gia 100%. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, họ đã đạt được độ bao phủ BHYT toàn dân khi thực hiện hình thức này. Bà Tống Thị Song Hương cũng cho rằng, muốn công tác này có hiệu quả, Luật BHYT cần quy định chặt chẽ, chẳng hạn các gia đình muốn được hỗ trợ mức đóng thì phải tham gia đầy đủ cho toàn bộ thành viên gia đình đó.
Theo các chuyên gia, muốn quản lý và nâng cao số người tham gia BHYT thì Luật nên sửa đổi, bổ sung xác định lại các nhóm đối tượng tham gia. Hiện nay có 25 nhóm tham gia BHYT là quá nhiều, quá trình triển khai chính sách còn phát sinh một số trường hợp khác như nhóm người thân của người làm trong ngành công an. Ngược lại, xuất hiện tình trạng một số người rơi vào 2 - 3 nhóm tham gia khác nhau nên có thể được cấp nhiều loại thẻ BHYT gây khó khăn quản lý quỹ BHYT. Các chuyên gia cũng đề xuất thay đổi hạ thấp mức hưởng khi KCB trái tuyến, hiện Luật quy định thanh toán trong trường hợp bệnh nhân vượt tuyến là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải ở tuyến trên. Quy định cụ thể về đấu thầu, thanh toán thuốc BHYT để thống nhất quản lý, chi phí KCB bằng BHYT.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên, sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật BHYT là cần thiết. Và những quy định mới đưa ra đều phải hướng đến mục tiêu chính là tăng tỷ lệ người tham gia BHYT; người tham gia BHYT được hưởng nhiều quyền lợi hơn và chất lượng y tế cũng nâng cao hơn. “Cần làm rõ định hướng Nhà nước chỉ bảo đảm chi phí y tế tối thiểu cho nhân dân; chỉ hỗ trợ người chữa bệnh, chứ không bao cấp hết các khoản chi cho khám chữa bệnh bằng BHYT. Ở đây có vai trò của khâu tuyên truyền để người dân hiểu rõ việc mua BHYT đồng nghĩa với việc người dân sẽ chắc chắn được Nhà nước hỗ trợ, chăm lo sức khỏe khi ốm đau” - ông Tiên nhấn mạnh.
Theo Đại biểu nhân dân
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT