Lao động có kinh nghiệm cũng chật vật tìm việc

13/03/2013 08:28 AM


Có kỹ năng, kinh nghiệm vẫn thất nghiệp, chị Thúy rất chán nản vì gần 8 tháng trời chưa tìm được công việc và giờ chị đành chấp nhận làm việc bán hàng ở một siêu thị.


Có kỹ năng, kinh nghiệm vẫn... thất nghiệp, do đó nhiều lao động đã không kén việc và chấp nhận làm trái ngành nghề trong thời buổi tìm việc khó khăn

Không chỉ sinh viên mới ra trường khó tìm việc mà ngay cả những người có kinh nghiệm lâu năm cũng không dễ tìm việc từ sau Tết đến nay. Chị Thúy, 27 tuổi ở quận Bình Thạnh, tốt nghiệp Đại học mở bán công TPHCM, nộp hồ sơ vào vị trí nhân viên kế toán tại một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Cách mạng tháng 8. Thúy cho biết, đã gửi hồ sơ xin việc nhiều nơi, nhưng đến nay gần 8 tháng trời Thúy vẫn ở nhà. Chị tâm sự, cách đây 3 năm đã từng làm kế toán ở một công ty xây dựng, nhưng vì lý do cá nhân nên đành xin nghỉ việc. Trong dịp Tết vừa rồi, Thúy đã tranh thủ làm thêm công việc bán hàng ở các hội chợ để kiếm thêm thu nhập. Thúy nói với giọng buồn: “Giờ không còn sự lựa chọn, nên tôi đành phải làm nhân viên bán hàng ở siêu thị vào tháng 3 này với mức lương cỡ 2 triệu đồng mỗi tháng”.

Tương tự như trường hợp chị Thúy. Anh Chính, 34 tuổi ở quận Tân Bình, đã có bằng Đại học Mỹ thuật và kinh nghiệm làm việc 7 năm, nhưng đến nay anh vẫn chưa tìm được công việc toàn thời gian nào. Anh đã nghỉ việc từ giữa năm 2011 do không phù hợp với chính sách mới của công ty. Trong quá trình thất nghiệp, anh tìm cách kiếm sống bằng công việc bán thời gian như chụp hình cưới, thiết kế logo cho những người quen, nhưng thu nhập rất bấp bênh. Anh cho biết có lúc kiếm được khoảng 12 triệu đồng một tháng, nhưng nhiều khi đến cả 2 tháng mà không có lấy một hợp đồng nào. Anh Chính cho biết: “Ngành này chưa chắc nộp đơn xin việc là được nhận ngay mà cần phải quen biết ai đó".

Một trường hợp khác, anh Lâm, 24 tuổi ở quận 5, tốt nghiệp trường cao đẳng công nghệ thông tin, từng làm thiết kế web tại một công ty gỗ hồi đầu năm 2011. Vì Lâm là một trong những người nằm trong danh sách giảm biên chế vào tháng 8/2012, nên anh bị cho thôi việc và nhận được một khoản trợ cấp thất nghiệp. Sau thời gian ráo riết tìm việc nhưng chờ mãi vẫn không tìm được công việc phù hợp, Lâm đã quyết định mượn tiền từ người thân và bạn bè cùng một chút tiền dành dụm riêng để lập một website chuyên thiết kế web cho những ai có nhu cầu. Anh chia sẻ: “Tôi đã nộp đơn vài chục nơi nhưng nếu họ có đồng ý nhận vào làm thì muốn tôi làm công việc liên quan đến bán hàng”.

Tính đến thời điểm này, anh Sơn, 28 tuổi ở quận 10, đã thất nghiệp được 3 tháng vì công ty thuyên chuyển anh làm bộ phận khác không phù hợp với nghiệp vụ thiết kế. Hiện tại, anh Sơn đã chọn cách làm việc tại nhà bằng việc nhận hợp đồng thiết kế từ mối quen hoặc từ bạn bè. Tuy nhiên, anh nói rằng hợp đồng lúc có lúc không nên ảnh hưởng nhiều đến thu nhập hằng tháng của vợ chồng anh. Do đó, anh Sơn sẽ phải cân nhắc việc đi làm xa dù điều kiện và lương bổng không bằng công ty anh đã từng làm.

Thanh Thanh ở Tân Bình, vừa nhận bằng tốt nghiệp cao đẳng kinh tế TP HCM vào giữa tháng 12 năm ngoái, cho biết đã gửi hồ sơ tìm việc vào vị trí nhân viên hành chính qua mạng và trực tiếp, tuy nhiên vẫn chưa doanh nghiệp nào hồi âm. Thanh cho biết trước khi đi tìm việc em đã học thêm các khóa về kỹ năng mềm, nhưng không hiểu sao khi phỏng vấn vẫn không trúng tuyển. Thanh chia sẻ có lẽ phải bắt chước mấy bạn học nộp đơn vào làm nhân viên tiếp thị, bán hàng thì mới có cơ may tìm một công việc ở thời điểm này.

Đại diện một trang web tuyển dụng việc làm tại TPHCM cho rằng, tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, thị trường lao động thu hẹp là nguyên nhân khiến người tìm việc khá chật vật để có công việc phù hợp với ngành được đào tạo. Theo vị này, một lý do khác nữa là doanh nghiệp muốn tiết kiệm, cắt giảm ngân sách nên họ không tuyển thêm người mà tận dụng những nhân viên cũ và đa nhiệm một số công việc. Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc hướng nghiệp và dạy nghề - giới thiệu việc làm thanh niên cho biết mỗi đơn vị có cách tuyển dụng khác nhau, tùy theo điều kiện cũng như yếu tố của từng đơn vị mà họ có cách chọn người. Hiện nay các ngành thương mại, dịch vụ cần lực lượng lao động nhiều hơn các ngành kế toán, hành chính nhân sự. Lý giải điều này, ông nói rằng doanh nghiệp hiện nay muốn tập trung nhiều vào việc bán hàng cũng như muốn quảng bá sản phẩm, dịch vụ mới nhiều hơn.

Theo KT&ĐT