Đấu thầu thuốc tập trung: Bài 2- Căng thẳng “chạy đua” dự thầu

19/08/2013 09:50 AM


Với đấu thầu thuốc tập trung ở một thị trường trọng điểm là Tp.Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp dược đang đứng trước cuộc “chạy đua” dự thầu. Doanh nghiệp không trúng thầu sẽ mất thị phần không nhỏ, ngược lại doanh nghiệp trúng thầu sẽ không sản xuất kịp, hoặc chỉ trúng thầu thuốc có giá trị thấp, lời lãi chẳng đáng là bao. Nhiều ý kiến đề nghị khi áp dụng cơ chế đấu thầu thuốc tập trung cần đề phòng nguy cơ nảy sinh “xin-cho” và lợi ích nhóm.


Doanh nghiệp dược lo lắng

Là doanh nghiệp có thế mạnh về thuốc từ dược liệu, nhưng Công ty cổ phần Dược phẩm dược liệu Pharmedic (Tp.HCM) nhìn nhận tham gia đấu thầu thuốc tập trung sẽ khó khăn. “Là công ty chỉ sản xuất, không thương mại nên nếu giả sử các nhóm hàng mà Pharmedic đang sản xuất không trúng thầu sẽ giải quyết việc làm cho 600 cán bộ, công nhân như thế nào”, ông Trần Việt Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Pharmedic băn khoăn.

Ông Trung cho rằng nếu có trúng thầu, năng lực sản xuất cũng khó đáp ứng. Ông phân tích, khi công ty trúng thầu tập trung, số lượng thuốc cần cung ứng tăng lên hàng trăm lần, nên nếu các nhà cung cấp nguyên liệu, bao bì làm khó dễ, liệu có đáp ứng kịp thời thuốc cho bệnh viện hay không. Hơn nữa, những người có BHYT sẽ dồn về TP, liệu số lượng thuốc dự trù đấu thầu có đáp ứng được hết? Nếu tăng đột biến BHYT vượt tuyến chắc chắn thiếu thuốc ngay. Trong khi số lượng thuốc đấu thầu chỉ dựa trên lượng bệnh nhân thực tế của năm trước.

Còn Dược sĩ Hoàng Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Tiếp thị Công ty Pharmedic cho rằng đấu thầu thuốc tập trung để cùng lúc đạt 2 mục đích vừa rẻ đảm bảo ngân sách vừa hiệu quả điều trị rất khó. Nếu bệnh viện có khuynh hướng điều trị riêng mà áp dụng kết quả đấu thầu thuốc chung sẽ không đồng bộ. “Mỗi bệnh viện có một chuyên sâu riêng và quyết định chọn loại thuốc nào tốt cho người bệnh chứ không dựa trên tổng thể chung được”, Dược sĩ Tuấn chia sẻ.

Thực tế không ít doanh nghiệp dược đang lo sốt vó khi TP tổ chức đấu thầu thuốc tập trung. Theo giám đốc một công ty sản xuất dược, nếu trúng thầu cũng căng mà không trúng thầu cũng khổ: “Nếu trúng thầu, năng lực sản xuất sợ không đủ. Không trúng thầu lại dễ dẫn đến phá sản”. Hầu hết các doanh nghiệp dược trong nước sản xuất đến 70% mặt hàng trùng nhau, nhiều doanh nghiệp mới được đầu tư nhà máy, vay vốn lớn nên không trúng thầu sẽ khó tồn tại. “Nếu không đấu thầu tập trung thì rớt chỗ này còn trúng chỗ khác chứ đấu thầu tập trung thì doanh nghiệp khó cạnh tranh nổi”, giám đốc một công ty dược lo lắng.

Giá thuốc sẽ về mức hợp lý?

Theo dược sĩ Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Công ty Dược phẩm Roussel Việt Nam, mỗi bệnh viện có đặc thù điều trị chuyên khoa riêng nên không thể cứ lấy chung một kết quả trúng thầu để áp dụng. Hơn nữa, phải xác định rõ đấu thầu thuốc tập trung vì mục đích điều chỉnh giá cả trúng thầu hợp lý hay hiệu quả điều trị. Nếu cùng lúc đạt cả 2 thì tốt nhưng không dễ. Theo dược sĩ Hùng, chủ trương đấu thầu thuốc tập trung là tốt, nhưng cần cân nhắc nhu cầu điều trị của mỗi bệnh viện cũng như hiệu quả điều trị. Dược sĩ Nguyễn Anh Hùng, Giám đốc Công ty Dược Sapharco Med J.S.C, cho rằng bên cạnh thuốc nội cũng nên xem xét thêm thuốc ngoại nhập. Nếu chỉ để tiết kiệm, giá cả hợp lý, nhiều doanh nghiệp dược trong nước khó cạnh tranh với thuốc của Trung Quốc, Ấn Độ.

Theo các chuyên gia dược, mục tiêu đấu thầu thuốc tập trung nhằm  đưa giá thuốc về mức hợp lý, tránh tình trạng thuốc đi vòng vo qua nhiều tầng lớp trung gian, dẫn đến giá thuốc bị đội lên. Nhưng trong điều trị, thuốc là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến 70%  chất lượng điều trị bệnh tật. Nếu chỉ đặt nặng về giá, thiệt thòi trước hết thuộc về bệnh nhân khi không có cơ hội được điều trị bằng thuốc tốt. Ngoài ra, chưa chắc sử dụng thuốc rẻ đã tiết kiệm hơn thuốc giá cao trong điều trị. Vấn đề được các chuyên gia y tế quan ngại là với đấu thầu thuốc tập trung sẽ nảy sinh cơ chế xin-cho. “Các bệnh viện đưa danh mục thuốc lên và được Sở Y tế tập hợp lại. Sau đó, các bệnh viện sẽ được hội đồng đấu thầu cấp sở đứng ra duyệt đấu thầu tập trung. Do đó, “chùm khế ngọt” rơi vào hội đồng đấu thầu cấp sở và chỉ cần một chút thiếu khách quan, người bệnh và bảo hiểm y tế sẽ bị tổn hại”, một chuyên gia dược nhìn nhận.

* Theo Thông tư 01, giá trúng thầu của từng mặt hàng thuốc không được cao hơn giá trong kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt. Các cơ sở y tế phải lập kế hoạch đấu thầu tối thiểu 1 năm/lần, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu 1 mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định và có giá thấp nhất trong nhóm thuốc đó, thay vì 7 - 10 thuốc cùng trúng thầu như  trước đây...

* Ngày 15-8, ông Nguyễn Hữu Niên, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Phú Yên (Pymepharco) cho biết thuốc Joint Aid có hoạt chất Glucosamin sulfat hàm lượng 500mg của Công ty Probiotec Pharma (Úc) sản xuất không phải do Pymepharco cung ứng trúng thầu vào Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn (TPHCM). Qua tìm hiểu của PV, loại thuốc này do Công ty Quang Thái trúng thầu vô Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn giá 3.985 đồng/viên, chênh lệch rất lớn với thuốc cùng hoạt chất, hàm lượng có tên Glucoflex 500 trúng thầu vô Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi là 880 đồng/viên.

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng