Quá tải bệnh viện, vì đâu?

30/09/2013 09:42 AM


Hai, ba người bệnh nằm chung một giường, rồi còn nhiều hơn đến nỗi có người bệnh phải nằm dưới gầm giường như đã có hình trên báo chí. Có thực chúng ta nghèo đến như thế để phải chịu khổ đến như thế không? Ngày 24-11-2001, Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân đã phát biểu tại hội trường kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa X: Có ý kiến đề nghị cắt khoảng từ 20-30% chi hành chính, chi xây trụ sở chi mua phương tiện đắt tiền, chi mua ô tô và từ 20-30% đó để tập trung chi cho giáo dục, y tế và khoa học - công nghệ.


Nhiều bệnh viện không chỉ quá tải mà còn xuống cấp Ảnh: Hoàng Long

Bây giờ ở đâu cũng chi hành chính tăng lên, cũng ô tô, cũng phương tiện đắt tiền, cũng xây trụ sở trong khi đó trường học thiếu. Báo cáo với các đồng chí là một bệnh viện như Bệnh viện Ung thư của Hà Nội nếu đi vào thì chúng ta thấy là vô cùng khổ sở. Nếu ta bớt đi xây trụ sở và bớt đi mua ô tô thì chúng ta có thể cung cấp cho những bệnh viện hiện đại hơn và phục vụ cho dân được tốt hơn, chúng ta có làm được không và nếu được thì đề nghị Quốc hội ra nghị quyết”.

Góp ý kiến về vấn đề này, có đại biểu đã nói bệnh viện huyện là nơi có ba phần tư người bệnh là nông dân, hầu hết bệnh viện huyện xuống cấp nghiêm trọng nhưng ô tô của lãnh đạo cấp huyện lại thừa thãi, Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 1-1997 đã ghi xe công ở cấp huyện như sau: Đơn vị hành chính sự nghiệp ở cấp huyện trang bị quá nhiều xe ô tô mặc dù nhu cầu đi lại ít. Trong tổng số xe, xe dưới 5 chỗ ngồi chiếm tỷ trọng khá cao (70%) gây lãng phí rất lớn.

Xây trụ sở rất lãng phí. Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vạch rõ: 1m2 nhà làm việc phải mất 17m2  đất và phòng họp, phòng khách đều rộng quá mức cần thiết, chiếm tới 48% tổng trụ sở. Xây trụ sở không có một chuẩn mực nào phải theo, nơi nào có nhiều tiền thì phóng tay xây. Vì vậy có tới 15 bộ và 12 tỉnh, thành phố có nhà xây mới bằng tiền nhà nước cho thuê. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có nhà cho thuê lớn. Xe công lãng phí còn hơn trụ sở vì mọi cơ quan từ trung ương đến địa phương mua sắm, sử dụng xe công không tuân theo chuẩn mực về tiêu chuẩn, chế độ, định mức nào dẫn đến tình trạng nơi nào cũng mua sắm xe ô tô đắt tiền, sang trọng và muốn thay xe lúc nào cũng được, dù xe đang dùng còn tốt. Đã mua xe đều mua vượt giá nhà nước quy định vì cấp nào cũng lãng phí như thế, xe vượt giá quy định ít nhất cũng vượt 100 triệu đồng, nhiều xe vượt  200, 300 triệu đồng. Đến họp Quốc hội có Chủ tịch thành phố dùng xe giá 4 tỷ đồng. Hồi còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Nguyễn Sinh Hùng đã nói với báo chí tại Quốc hội: "Xe mua vượt giá nhà nước quy định phải bãi Sông Hồng mới chứa hết”.

Quốc hội đã có nghị quyết giảm bớt xây trụ sở và mua sắm xe công để có tiền xây bệnh viện, hiện đại hóa bệnh viện nhưng không những không nơi nào chấp hành mà còn xây trụ sở nhiều hơn, nguy nga, đồ sộ hơn. Ngày 12-6-2004, Thủ tướng Phan Văn Khải báo cáo tại Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 5, đến hoạt động của Bộ Y tế, ông nói: "Chắc tất cả các đồng chí chúng ta đều biết các bệnh viện ở Hà Nội, ở thành phố Hồ Chí Minh và tôi chưa rõ các tỉnh lắm nhưng rất quá tải. Đi vào Bệnh viện K thì ba người một gường bệnh, đi vào các bệnh viện thì đầy người. Vào Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện tốt nhất thành phố Hồ Chí Minh thì có thể thấy người nằm trên giường cho đến người nằm ở hành lang là dày đặc, đó là trình trạng quá tải của các bệnh viện của chúng ta”.

Thủ tướng bày tỏ lo ngại, hơn 20 năm qua dân số tăng thêm mấy chục triệu người những vẫn chưa xây được bệnh viện mới. Bệnh viện lớn nhất ở TP. Hồ Chí Minh là Chợ Rẫy do Nhật xây thời còn Mỹ chiếm đóng. Còn bệnh viện lớn nhất ở Hà Nội do người nước ngoài xây từ hàng chục năm trước. Có ý kiến cho rằng ta chưa xây bệnh viện mới vì thiếu vốn đầu tư. Ý kiến này bị bác bỏ tức khắc vì không thể nói dối dân như vậy. Tài sản công ta lãng phí nếu chỉ nhỏ như điện thoại di động thì còn che giấu được. Chúng lại là tài sản khổng lồ, đập vào mắt mọi người như trụ sở và xe công. Ta có  ba bộ máy: Đảng, Nhà nước và các Đoàn thể, Hội. Bộ máy nào cũng đua nhau xây trụ sở, trụ sở đoàn thể chẳng kém trụ sở của Bộ, của Nhà nước. Các tổng công ty, tập đoàn dù thua lỗ nhưng có nơi trụ sở còn lớn hơn Bộ vì là tiền của dân cả. Chỉ có công trình phục vụ dân thiết thân nhất là bệnh viện lại chưa được quan tâm. Tiền nhà nước, tiền của dân không thiếu nhưng dân lại không có quyền. Quyền lợi của dân và của nhiều lãnh đạo trái ngược nhau, dân mong có bệnh viện nhưng nhiều lãnh đạo lại thấy quyền lợi "thiết thân” là trụ sở to đẹp và xe công sang trọng. Nhiều nơi tiền dân đóng thuế thừa thãi, một lượng vốn khổng lồ nằm trong các doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 79% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước. Chỉ riêng tổng công ty và tập đoàn đã nắm giữ 735.293 tỷ đồng. Đầu tháng 11-2012, Bộ Tài chính cho biết tổng số nợ của tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1.292.400 tỷ đồng. Xây dựng một bệnh viện 500 giường phải chi 3.000 tỷ đồng thì tổng số, nợ có thể xây 400 bệnh viện 500 giường. Phải rà soát lại toàn bộ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước mới thấy hàng trăm nghìn tỷ đồng dân đóng thuế ứ đọng trong khi xây bệnh viện lại không có tiền.

Từ kỳ họp Quốc hội ngày 24-11-2001, Quốc hội ra nghị quyết giảm bớt mua sắm ô tô và xây trụ sở để dành tiền xây bệnh viện. Đến ngày 12-6-2004 tại Quốc hội, Thủ tướng Phan Văn Khải xác nhận các bệnh viện vẫn vô cùng cực khổ, chưa xây được bệnh viện mới và đến cuối tháng 8-2013 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp với ngành y tế để bàn việc giải quyết nạn quá tải ở các bệnh viện. Ba cuộc họp kể trên tại Quốc hội và do Thủ tướng chủ trì kéo dài 12 năm vẫn hầu như chưa địa phương nào xây được bệnh viện mới thế nhưng 12 năm ấy hàng trăm trụ sở đồ sộ, nguy nga, có trụ sở sang trọng đến mức như Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước đã nhận xét từ tai nghe mắt thấy: bên cạnh một số trụ sở xây nghiêm túc, tiết kiệm, cán bộ ngồi gần kín chỗ, có những trụ sở rộng mênh mông, lộng lẫy như cung điện.

Đầu  năm 2005, nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Đảng, Bộ Chính trị tổ chức cuộc vận động học tập tư tưởng, đạo đức Bác Hồ. Nhiều người tỏ ra hài lòng, tấm tắc khen trên cao tay, Bác Hồ dùng xe công tiết kiệm như thế nào, trụ sở làm việc của Bác giản dị như thế nào, đồng bào cả nước đều biết. Chắc chắn tấm gương của Bác Hồ sẽ lay chuyển những lãnh đạo đang biến chất chi tiền ngân sách rất phóng tay vào xây trụ sở, mua sắm tiện nghi cho trụ sở và mua sắm xe công. Lòng mong đợi chính đáng này của đông đảo dân và cán bộ không được đáp ứng. Chính thời gian từ năm 2005 có Cuộc vận động noi gương, học tập Bác Hồ cho đến năm 2013, số trụ sở xây đồ sộ tráng lệ nhiều hơn hẳn trước, còn xe công mua vượt giá nhà nước cho phép được công khai báo cáo trước Quốc hội là "phải bãi Sông Hồng mới chứa hết”. Nhiều lãnh đạo đã đứng ngoài Cuộc vận động noi gương, học tập Bác Hồ, họ chỉ lãnh nhiệm vụ thủ trưởng động viên cấp dưới học, còn họ vẫn lún sâu vào phô trương hình thức không hề biết tiếc tiền nhà nước. Họ vẫn tưởng đó là đặc quyền đặc lợi họ được hưởng, vô ý hoặc cố tình không thấy nhân dân, cán bộ không thể đồng tình với lối sống hưởng lạc của họ, chỉ thích xài sang bằng tiền của dân.

Tự kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với họ vẫn nặng về hình thức, chưa thấy họ chuyển biến bao nhiêu. Từ năm 2003, 2004, theo yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Bộ Tài chính đã tổ chức khoán xe công, lãnh đạo cấp thứ trưởng và tương đương được cấp tiền để dùng các phương tiện công cộng đi làm. Đây được coi là mũi tên trúng mấy đích: Sẽ giảm hẳn số xe công đều là xe sang trọng đắt tiền, đỡ ùn tắc giao thông, mỗi năm tiết kiệm khoảng 2.000 tỷ đồng tiền bảo quản các xe công, lãnh đạo các cấp dùng các phương tiện công cộng cũng gần dân, gần cuộc sống hơn. Sẽ giảm hẳn số xe công đưa vợ con đi dự đám cưới, đi lễ chùa, đi nghỉ mát hoặc đưa đón con, cháu đi học. Văn phòng Quốc hội đã tổ chức thí điểm khoán xe công và thấy nên mở rộng ra các cơ quan nhưng những lãnh đạo thuộc diện khoán xe công vẫn giữ xe công không chấp hành chủ trương đúng đắn này. Các công trình công cộng phục vụ dân còn rất thiếu không chỉ bệnh viện, các phụ huynh xin cho em vào các lớp mầm non, mẫu giáo phải thức thâu đêm đến sáng để giữ chỗ may ra mới đạt yêu cầu. Địa phương nào cũng nói không có tiền xây các lớp mầm non, mẫu giáo nhưng việc duy trì 36.500 xe công sang trọng, đắt tiền đã lãng phí ngân sách rất lớn.

Đã đến lúc khoán xe công cần thực hiện đến nơi đến chốn, không thể chậm trễ mãi, xây trụ sở to đẹp nơi nào lãng phí cũng tiền tỷ. Cuộc họp gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đề nghị phải công bố công khai những cơ quan, tổ chức chưa thực hiện trách nhiệm được giao theo quy định của luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, có hình thức kiểm điểm, kỷ luật người đứng đầu cơ quan, tổ chức vi phạm. Đề nghị trên đây của một số đại biểu Quốc hội rất hợp lòng dân, được đông đảo cử tri hoan nghênh vì bất công không thể kéo dài mãi. Báo chí đã đưa tin: Một cán bộ đã về hưu vào nhà giam thăm cháu ngoại. Đứa cháu này đã bị bắt vì cùng hai đứa bạn ăn cắp ba quạt máy tại nhà máy mà bố nó là quản đốc. Nó đã nói với ông: "Cháu bị bắt quả tang và cháu đã có tội. Nhưng ở nhà máy bố cháu làm một số ông lấy của Nhà nước nhiều hơn số tiền 3 cái quạt rất nhiều lần mà chẳng sao. Lại còn dùng ô tô nhà máy mang hàng vào Nam buôn bán kiếm tiền chia nhau, làm nhà làm cửa toàn tiền nhà nước…”.

Lại có tin khác trên báo chí: hai công nhân lấy hai ti vi của nhà máy bán lấy tiền chia nhau, bị bắt và bị xử lý hình sự, phải ra tòa! Dân vi phạm bị xử lý là đúng. Nhưng lãnh đạo các cấp gây tổn thất cho nhà nước gấp trăm gấp nghìn lần dân, không những không hề bị kỷ luật hơn nữa chẳng ai dám đụng chạm, vẫn an toàn tại chức. Ngược đời đến như vậy, kỷ cương phép nước càng lên trên càng lỏng lẻo thì chống suy thoái đạo đức lối sống trong lãnh đạo các cấp càng vô cùng khó khăn. Dân rất mong Nghị quyết "Mấy vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” sẽ sớm đi vào cuộc sống và lời căn dặn của Bác Hồ "Cán bộ chức vụ càng cao phạm sai lầm, kỷ luật càng phải nghiêm” phải được thực hiện nghiêm chỉnh.

Đáng lẽ dân nghiêm một, cán bộ nghiêm hai, lãnh đạo phải nghiêm ba mới đúng với tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ mà toàn Đảng, toàn dân đang học và làm theo Bác trong Cuộc vận động học tập, noi gương tư tưởng của Bác được tổ chức đã bẩy năm nay.

Theo Báo Đại đoàn kết