Đào tạo theo nhu cầu xã hội: Còn nhiều vướng mắc

25/09/2013 06:56 AM


Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội và hợp tác với doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng của chương trình đổi mới quản lý giáo dục. Hiện nay, dù đã có hơn 93% số đơn vị xây dựng cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo theo nhu cầu xã hội và nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác thực hiện mục tiêu trên, nhưng đó vẫn là một việc "còn vướng và còn khó".


Sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là một khâu không thể thiếu trong hoạt động đào tạo, giúp cho sinh viên có cơ hội nâng cao kỹ năng thực hành.

Sự kết nối bước đầu

Bước chuyển đáng ghi nhận trong việc đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội và hợp tác với doanh nghiệp trong thời gian qua là hệ thống cơ chế, chính sách cần thiết đã được hình thành. Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các cơ quan có liên quan như Bộ LĐ,TB&XH, Bộ KH-ĐT, Bộ NN&PTNT, Bộ TN-MT, các địa phương, các ngành và tổ chức quốc tế nhằm xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực trình độ ĐH, CĐ giai đoạn 2011-2015. Cơ chế đặc thù để đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây Bắc và đào tạo thí điểm nguồn nhân lực cho Khu kinh tế Vũng Áng đã được xây dựng. Hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng đang tham gia vào kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch nhân lực của ngành giáo dục trong giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ. Bộ đã tổ chức ký kết văn bản hợp tác đào tạo nhân lực tại Việt Nam đối với Hiệp hội Doanh nghiệp Đức, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là một khâu không thể thiếu trong hoạt động đào tạo, nên được các trường xem như là một phương thức, là mục tiêu giúp cho sinh viên nâng cao kỹ năng thực hành, hỗ trợ cho sinh viên thực tập và đào tạo các kỹ năng mềm cho sinh viên. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tiếp nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp, giúp họ tham gia nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ sự phát triển sản xuất của doanh nghiệp. Nhiều trường (Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Hàng hải, ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Xây dựng…) đã chủ động hợp tác với các doanh nghiệp, khuyến khích họ tham gia vào quá trình đào tạo của trường nhằm mục tiêu gắn đào tạo với thực tiễn xã hội, ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác đào tạo, sử dụng nhân lực và tham gia xây dựng, đánh giá, phản biện chương trình đào tạo, hỗ trợ, hướng dẫn và tiếp nhận sinh viên thực tập, hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ…

Theo thống kê, đã có 392/420 trường ĐH, CĐ (93,3%) xây dựng cam kết về chất lượng đào tạo. Từ năm 2012, Bộ GD-ĐT đã định hướng cụ thể về việc mở các ngành đã có hiện tượng thừa nhân lực như ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng… và đề ra định hướng, giải pháp hỗ trợ các trường trong việc xây dựng và phát triển các ngành đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Còn "khó và vướng"

Tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục ĐH trong giai đoạn 2013-2015, Bộ GD-ĐT đặt ra cho các trường nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung chuẩn đầu ra đối với từng ngành, chương trình đào tạo cụ thể cho phù hợp với thực tiễn và nhu cầu sử dụng lao động.

Về phía các trường, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo, các đơn vị sử dụng lao động sau tốt nghiệp là đối tượng bắt buộc phải được khảo sát trong khi xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Mai Hồng Quỳ, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh cho biết: Mặc dù trường thực hiện thăm dò ý kiến hàng năm về nhu cầu tuyển dụng sinh viên, cũng như khả năng có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp để dự đoán nhu cầu về ngành nghề đào tạo, nhưng những hoạt động nói trên chưa chuyên nghiệp và không có đủ nguồn lực để thực hiện một cách toàn diện, đầy đủ. Vì vậy, khó có thể nắm được nhu cầu nhân lực trình độ đào tạo ĐH, CĐ trong lĩnh vực nghề luật để có thể định hướng đào tạo, mang đến hiệu quả cao nhất cho trường và địa phương.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các trường còn mang tính hình thức, chưa xác định rõ mục tiêu đào tạo, cách thức triển khai thực hiện chương trình; chuẩn đầu ra của nhiều ngành trong cùng một trường đều "na ná" giống nhau. Để khắc phục phần nào hạn chế này, Hiệu trưởng Mai Hồng Quỳ đưa ra kiến nghị cụ thể: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, các ngành và tổ chức quốc tế trong việc đưa ra dự báo, gửi thông tin cho trường để trường có hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội.

Liên quan tới sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, một số lãnh đạo trường ĐH cho rằng, cần phải có quy định rõ, thậm chí là đưa vào Luật Giáo dục đại học về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực, ví dụ như doanh nghiệp cần đóng góp kinh phí cho quá trình đào tạo. Phản hồi ý kiến này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phân tích: Có một thực tế cần cân nhắc là nguồn cung của giáo dục ĐH vẫn chưa đắt hàng, vẫn còn tình trạng gửi gắm hồ sơ nhờ xin việc hộ, muốn làm giáo viên mà có người phải mất tiền mới có việc làm thì làm sao có thể yêu cầu doanh nghiệp đóng góp tiền cho cơ sở đào tạo. Đây là một việc "khó và vướng". Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa doanh nghiệp hiện nay không đóng góp gì cho các trường. Họ có thể hỗ trợ trên tinh thần tự nguyện, còn đưa việc này vào luật lúc này là chưa đúng thực tiễn.

Theo Hà Nội mới