Tăng cường trách nhiệm thực hiện Luật BHYT, bao phủ BHYT đến 100% học sinh, sinh viên

16/09/2013 12:16 AM


Năm học 2012-2013, cùng với sự phối hợp chỉ đạo quyết liệt từ BHXH Việt Nam và Bộ Giáo dục & Đào tạo, công tác BHYT học sinh, sinh viên đã đạt được kết quả quan trọng với tỷ lệ HSSV tham gia BHYT tăng trên 10% so với năm học trước. Tăng cường trách nhiệm thực hiện Luật BHYT đối với hệ thống giáo dục đào tạo, các cấp, các ngành và toàn xã hội được coi là một trong những giải pháp quan trọng tiến tới bao phủ BHYT đến 100% HSSV. Nhân dịp đầu năm học mới 2013-2014, phóng viên Tạp chí BHXH có cuộc trao đổi với TS.Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung này.

 

Thưa đồng chí Vụ trưởng, kết thúc năm học 2012-2013, cả nước đã có 80,4% HSSV tham gia BHYT, tăng trên 10% so với năm học trước. Tuy nhiên, với quy định HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, tỷ lệ này còn khá khiêm tốn, Vụ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác BHYT học sinh, sinh viên năm học vừa qua?

TS.Ngũ Duy Anh: Sức khỏe là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng học tập, sáng tạo, sự phát triển, cũng như tương lai cuộc sống của HSSV. Với gần 22 triệu HSSV (chiếm khoảng 26% dân số cả nước), chăm sóc, bảo đảm sức khoẻ tốt cho HSSV là một mục tiêu quan trọng của giáo dục toàn diện trong nhà trường. Việc đầu tư cho y tế, giáo dục là rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho HSSV, bảo đảm an toàn trường học, phát triển bền vững, thực hiện An sinh xã hội. Những năm qua, BHYT trong trường học đã góp phần không nhỏ vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vì tương lai của đất nước. HSSV tham gia BHYT sẽ được chi trả toàn bộ hoặc một phần lớn chi phí khám, chữa bệnh khi ốm đau, tránh tình trạng nghỉ học hoặc không có điều kiện khám, chữa các bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt là đối với các HSSV nghèo mắc bệnh nặng, phải điều trị lâu dài.

Qua mỗi năm học, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đều tăng lên, tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác thực hiện BHYT học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục cũng còn một số bất cập và hạn chế: Một là, công tác tuyên truyền, vận động đã được quan tâm chú trọng triển khai thường xuyên song một số nơi hiệu quả chưa cao, chưa làm chuyển biến nhận thức và ý thức trách nhiệm tham gia BHYT của một số phụ huynh, giáo viên và HSSV. Hai là, công tác thu BHYT không tập trung tại một thời điểm, khi nhập học, HSSV phải đóng rất nhiều khoản phí, nên sau đó yêu cầu HSSV đóng BHYT gặp nhiều khó khăn; năm học mới bắt đầu từ tháng 09 hằng năm, nhưng thẻ BHYT của đối tượng người nghèo lại được hưởng đến hết năm đó, đến năm sau, nếu đối tượng không còn thuộc đối tượng người nghèo sẽ rất khó thu BHYT học sinh, sinh viên ở nhà trường vì thẻ BHYT của HSSV phát hành theo năm học. Việc phát hành thẻ BHYT đôi lúc chưa kịp thời, sai tên, tuổi, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi khám, chữa bệnh của HSSV, do vậy cũng phần nào ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền chính sách. Ba là, mức phí BHYT của HSSV tăng theo mức lương tối thiểu, không phân biệt vùng, miền trong khi khả năng cung ứng dịch vụ y tế ở các nơi có sự chênh lệch khá lớn. Sinh viên thuộc diện cận nghèo không được hỗ trợ theo đối tượng cận nghèo khi mua thẻ BHYT tại nhà trường cũng là một trong những rào cản các em tham gia BHYT, nhất là sinh viên thuộc đối tượng dân tộc ít người đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Bốn là, chưa có chế tài xử phạt khi HSSV không tham gia BHYT tại các nhà trường. Năm là, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tại một số cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu chưa thật sự đáp ứng theo nhu cầu của nhân dân nói chung và HSSV nói riêng. Vì vậy, chính sách BHYT chưa tạo được niềm tin trong cha mẹ học sinh, gây ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT của HSSV. Sáu là, sự phối hợp liên ngành trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT học sinh, sinh viên còn chưa chặt chẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc triển khai công tác này chưa thật hiệu quả.

Thực hiện BHYT học sinh, sinh viên trước hết là hướng tới chăm sóc sức khỏe cho các em, vì một nền giáo dục toàn diện, bên cạnh đó mang ý nghĩa giáo dục cho HSSV ý thức tự giác chấp hành pháp luật, trở thành những công dân gương mẫu, với ý nghĩa ấy, Ngành Giáo dục và Đào tạo có những giải pháp như thế nào để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về BHYT cho HSSV, thưa đồng chí Vụ trưởng?

TS.Ngũ Duy Anh: Trước tiên phải khẳng định rằng, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho HSSV là một trong những nội dung quan trọng của công tác HSSV trong nhà trường mà ngành Giáo dục đã rất quan tâm và chú trọng. Giáo dục toàn diện ngoài việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng cơ bản cho HSSV còn cung cấp, phổ biến và giáo dục cho HSSV ý thức chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có việc chấp hành pháp luật BHYT nói riêng.

Để nâng cao ý thức chấp hành các quy định, pháp luật của HSSV trong công tác BHYT, trong thời gian tới ngành Giáo dục sẽ tập trung vào một số nội dung sau:

- Rà soát lại hệ thống các văn bản của Ngành về công tác BHYT để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế triển khai. Phối hợp với BHXH Việt Nam và các đơn vị có liên quan xây dựng các cơ chế chính sách, quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác BHYT học sinh, sinh viên (ví dụ như: Thông báo mức phí sớm để nhà trường có thể thu kết hợp cùng các kinh phí khác ngay đầu năm học, thời hạn BHYT cần linh động và tính theo thời gian thực tế, nghiên cứu, xây dựng chế tài xử phạt HSSV trong các nhà trường nếu không tham gia BHYT).

- Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai thực hiện công tác truyền thông giáo dục ý thức trách nhiệm của HSSV, lòng tương thân, tương ái, mình vì mọi người và mọi người vì mình khi tham gia BHYT. Tăng cường công tác giáo dục truyền thông về vai trò của BHYT đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho HSSV. Vận động cha mẹ học sinh tham gia mua BHYT cho HSSV là việc làm thiết thực để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đối với HSSV. Lồng ghép các nội dung tuyên truyền về vai trò và lợi ích khi tham gia BHYT vào nội dung của tuần lễ sinh hoạt công dân đầu khóa và trong các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế học đường về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, chế độ thuốc đảm bảo khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học tốt nhất. Sử dụng phần kinh phí y tế trường học trích lại từ BHYT đạt hiệu quả cao nhất. Rà soát số trường học còn thiếu cán bộ y tế để có kế hoạch tuyển dụng đảm bảo ít nhất mỗi trường có 01 cán bộ y tế. Tổ chức hội thảo, tập huấn cho cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế trường học nâng cao năng lực trong công tác YTTH, kỹ năng truyền thông giáo dục sức khoẻ, phòng, chống bệnh dịch, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của HSSV khi chấp hành các quy định của pháp luật, đặc biệt là việc tham gia BHYT…

- Phối hợp chặt chẽ với Ngành BHXH, Ngành Y tế và các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện BHYT, tổ chức cho HSSV mua và được cấp thẻ BHYT theo quy định. Chú trọng việc trích hỗ trợ và khen thưởng kịp thời cho những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác vận động tham gia BHYT đạt kết quả cao. Kịp thời khắc phục các bất cập, tồn tại trong khám, chữa bệnh BHYT đối với HSSV, nhất là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của HSSV khi tham gia BHYT, tạo niềm tin, tâm lý yên tâm về chất lượng khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT.

Theo phân tích của BHXH Việt Nam, tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT thấp hơn học sinh khối tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, điều này có vẻ như là một nghịch lý vì sinh viên thường sống xa gia đình, yêu cầu về chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, mặt khác nhận thức xã hội của các em cũng đầy đủ hơn lứa tuổi học sinh, vậy theo Tiến sĩ Vụ trưởng, cần có những giải pháp gì để nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT đối với nhóm đối tượng này?

TS.Ngũ Duy Anh: Theo thống kê chưa đầy đủ từ các cơ sở giáo dục, năm học 2012 - 2013, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT là 84%; tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT là 70%. Để nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT đối với sinh viên, ngoài các giải pháp đã nêu ở trên, đối với riêng nhóm đối tượng này cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục về nghĩa vụ và quyền lợi khi các em tham gia BHYT, ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Phát động phong trào thi đua giữa các khối, lớp trong việc tham gia BHYT. Nâng cao vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tại các trường trong việc tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe trong đó nhấn mạnh trách nhiệm tham gia BHYT và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chính sách này. Đưa nội dung công tác BHYT là một tiêu chí trong việc đánh giá quy chế rèn luyện của sinh viên. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong công tác BHYT như tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, đảm bảo chất lượng trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho sinh viên. Đồng thời, đề xuất nhà nước tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho sinh viên, đặc biệt là đối tượng cận nghèo, sinh viên là người dân tộc thiểu số.

Tại Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/03/2013, trong các giải pháp tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với nhóm đối tượng HSSV, việc “Xác định trách nhiệm của nhà trường trong phối hợp thực hiện pháp luật về BHYT, quyền lợi về khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về BHYT; công tác chăm sóc sức khỏe học đường” được đưa ra như một giải pháp đầu tiên, quan trọng và xuyên suốt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo như thế nào đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo để thực hiện tốt giải pháp này?

TS.Ngũ Duy Anh: Ngành Giáo dục đã xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các nhà trường trong việc truyền thông giáo dục cho HSSV và cha mẹ học sinh trong việc tham gia BHYT. Trong những năm qua và trong thời gian tới, Ngành Giáo dục sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ biến và quán triệt việc tham gia BHYT cho HSSV, đưa nội dung này là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ sở giáo dục.

- Tiếp tục phối hợp với cơ quan BHXH địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật BHYT, chính sách, chế độ BHYT cho HSSV, cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường; hướng dẫn quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được trích từ Quỹ BHYT học sinh, sinh viên trong việc củng cố và phát triển mạng lưới y tế trường học, thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho HSSV ngay tại nhà trường.

- Phối hợp với các bộ, ban, ngành và BHXH Việt Nam trong việc nghiên cứu, xây dựng chế tài xử phạt HSSV nếu không tham gia BHYT theo quy định.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo có liên quan đến công tác BHYT học sinh, sinh viên. Phối hợp với BHXH và các bộ, ban, ngành có liên quan trong việc tổ chức tổng kết công tác BHYT học sinh, sinh viên hằng năm. Kịp thời biểu dương khen ngợi các tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác BHYT học sinh, sinh viên trong các nhà trường./.

Xin trân trọng cảm ơn Vụ trưởng!

Nguồn TC BHXH