Giải quyết tranh chấp lao động: Trách nhiệm phải từ hai phía

13/09/2013 07:43 AM


Tranh chấp về mặt quyền lợi giữa “chủ” và “thợ” khiến không ít vụ ngừng việc tập thể xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự mà còn gây thiệt hại kinh tế...


Cơ chế giải quyết tranh chấp theo con đường hoà giải sẽ giảm thiểu các cuộc đình công

Muốn là... đình

Xảy ra tranh chấp LĐ và ngừng việc tập thể có nhiều nguyên nhân, ngoài những nguyên nhân khách quan do tình hình kinh tế suy thoái, giá cả tăng cao, chính sách tiền lương tối thiểu chưa điều chỉnh kịp thời, còn có những nguyên nhân bắt nguồn từ mối quan hệ chưa được hài hoà giữa người sử dụng LĐ và NLĐ.

Thực tế một số vụ việc xảy ra ở Tiền Giang, lỗi về phía DN thì chủ yếu là chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật LĐ, chưa quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, nhất là điều kiện làm việc chưa tốt; tuy nhiên về phía NLĐ cũng không ít trường hợp gọi nhau đình công từ những chuyện hết sức “lãng nhách”.

Ngày 14.8 mới đây, có 1.200 LĐ trong Cty TNHH On Accessories (KCN Tân Hương) ngừng việc do DN lấy lại thẻ của một số công nhân và không cho vào làm việc vì đã... hết hợp đồng lao động (?!); công nhân xin nghỉ phép năm nhưng DN không cho; không thích thái độ của cán bộ quản lý...

Ngày 21.8, khoảng 1.000 công nhân của Cty TNHH Freeview (KCN Tân Hương) ngừng việc do công nhân “nghe nói” bên Cty On Accessories có tăng lương cơ bản cho công nhân lên 300.000 đồng/người/tháng nên yêu cầu Cty Freeview cũng phải “làm giống như vậy (!)”, sau khi BGĐ đứng ra giải thích thì mọi việc mới yên; thậm chí có nguyên nhân hết sức “lãng xẹt” như  Cty may Việt Tân (Cai Lậy) có 600 công nhân ngồi tại chỗ không làm việc với lý do “tiền lương tháng 7 thấp hơn tháng 6” và công nhân làm thêm giờ gây ồn ào, ảnh hưởng người khác ngủ trưa(!)...

Phải chăm lo đời sống công nhân

Để giảm đình công, nhiều DN chọn cách quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ. Cụ thể trong 5 năm qua nhiều DN đã tích cực phối hợp LĐLĐ các cấp thành lập nhiều khu nhà trọ công nhân tự quản gắn với tổ hòa giải, khuyến khích NLĐ tham gia phong trào thi đua “Khu nhà trọ xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn giao thông”, đóng góp vào nguồn quỹ vận động trao tặng 748 “Mái ấm CĐ” cho NLĐ nghèo, có 5 DN chủ động xây dựng nhà ở cho công nhân, 3 DN xây dựng nhà trẻ cho con công nhân với tổng số tiền đầu tư hàng chục tỷ đồng. Đồng thời, đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, trợ cấp khó khăn, trợ vốn cho CNLĐ với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Nhiều DN đã tổ chức tốt việc cải thiện môi trường làm việc, điều kiện làm việc, trang bị nâng cấp máy móc hiện đại giảm sức LĐ, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, tổ chức thăm hỏi, tặng quà và ký kết thỏa ước LĐ tập thể với những thỏa thuận có lợi hơn cho NLĐ; kịp thời nắm tình hình của NLĐ để giải quyết thỏa đáng những yêu cầu chính đáng của NLĐ, giúp họ an tâm công tác, gắn bó với DN, ví dụ như tại Cty TNHH VBL Tiền Giang, NLĐ làm việc 4 năm sẽ được thêm 1 ngày nghỉ phép năm (luật quy định là 5 năm) hoặc tất cả các chế độ chính sách của NLĐ đều được đưa vào quy chế và căn cứ vào đó để thực hiện, không phải xin ý kiến hoặc bàn bạc nhiều lần, mất thời gian; các Cty Hùng Vương, Cty Gò Đàng, Cty may Sông Tiền, Cty Royal foods, Cty XNK Thực phẩm Á Châu luôn chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ, tại các DN này việc đình, lãng công, đình công gần như chỉ là... chuyện cổ tích!

Giải pháp nào để giảm đình công?

Ngoài giải pháp căn cơ nhất là chính DN phải thật sự quan tâm chăm lo cho NLĐ như đã nêu trên, thì về phía Nhà nước cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật LĐ tại DN, nhất là tại các DN thường xuyên “có vấn đề”, giao rõ trách nhiệm cho cấp cơ sở (tổ công tác liên ngành cấp huyện, hòa giải viên lao động) nhằm thực hiện tốt công tác kiểm tra thực hiện pháp luật lao động, nhanh chóng phát hiện để kịp thời đề xuất giải quyết tranh chấp lao động; tăng cường vai trò của CĐCS tại DN (hiện toàn tỉnh có 185 DN đã có tổ chức CĐCS, gồm 12 DNNN, 146 DN dân doanh và 27 DN có vốn đầu tư nước ngoài với 53.996 công đoàn viên).

Bên cạnh đó trong công tác tuyên truyền, cần có những mô hình mới phù hợp, hiệu quả như mô hình tuyên truyền, tư vấn pháp luật lao động qua hình thức loa truyền thanh cho công nhân trong những giờ nghỉ giữa ca, tổ chức “Nghe công nhân nói – Nói công nhân nghe” hoặc tận dụng thời gian tuyên truyền bằng băng, đĩa trên xe đưa rước công nhân mỗi ngày, tuyên truyền tại các khu nhà trọ công nhân tự quản, tổ chức các đoàn tư vấn pháp luật lưu động tại DN, tổ chức các hội thi về pháp luật LĐ...

Theo Báo Lao động