Điều chỉnh viện phí: Tiền tăng nhiều, chất lượng tăng ít

13/09/2013 12:13 AM


Xét nghiệm tăng đột biến, chất lượng khám chữa bệnh không thay đổi là mấy. Đây là nhận định ban đầu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) sau khi kiểm tra một số địa phương thực hiện viện phí mới.


Nhiều kỹ thuật trong khám chữa bệnh đang bị lạm dụng .

22 xét nghiệm trên 1 đợt điều trị

BHXH VN vừa kiểm tra một số địa phương có báo cáo mức độ gia tăng chi phí cao sau 1 năm thực hiện viện phí. Đó là 7 tỉnh: Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Nam, Kom Tum. Theo ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHXH VN), sơ bộ ban đầu cho thấy, nhiều tỉnh có số lượng xét nghiệm, thủ thuật tăng đột biến.

Tại Thái Bình, chi phí của xét nghiệm cận lâm sàng của quý I năm nay tăng 81% so với cùng kỳ năm 2012. Tại một bệnh viện đa khoa phía Bắc, xét nghiệm cặn nước tiểu của quý I.2013 lên tới 11.900 lượt, trong khi chỉ có 7.500 lượt bệnh nhân điều trị nội trú, tăng gấp 66% so với cùng kỳ năm trước. Chính vì thế chi phí xét nghiệm chỉ 1 quý cũng đã đội lên hơn 550 triệu đồng.

Ông Phạm Lương Sơn- Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (BHXHVN) khẳng định: “Xét nghiệm cặn nước tiểu chỉ được bác sĩ chỉ định làm trong trường hợp nghi bị rối loạn nội tiết, thận tiết niệu”. Với số liệu trên thì bệnh nhân nhập viện - bất kể bệnh gì cũng phải làm xét nghiệm này 1-2 lần.

Đợt kiểm tra này cũng cho thấy, số ngày điều trị bình quân của bệnh nhân có BHYT cao gấp đôi, gấp ba bệnh nhân tự chi trả viện phí. Các chỉ định siêu âm, chụp CT đều gấp từ 2 - 13,5 lần so với bệnh nhân tự chi trả viện phí. BHXHVN cũng phát hiện tình trạng các dịch vụ có tần suất sử dụng lớn thì được phê duyệt ở mức cao (tiền giường, tiền khám, siêu âm, mổ đẻ...), khoảng 70-80%, thậm chí 90% mức phí quy định trần, còn các dịch vụ phẫu thuật đặc biệt, ít làm, thậm chí cả năm mới có 1-2 ca như mổ sọ não, can thiệp tim mạch thì chỉ phê duyệt ở mức 50-60%.

Tương tự, tại một bệnh viện khác, sau khi thực hiện viện phí mới, số tiền xét nghiệm sinh hóa máu tăng từ 200 triệu lên 800 triệu chỉ trong quý I.2013. Ở một cơ sở khám chữa bệnh miền Bắc, xét nghiệm xác định nhóm máu tới 8.228 lần, gần gấp đôi lượt bệnh nhân nội trú (4.285 lượt).

Một chỉ số khác cho thấy số lượng xét nghiệm đã tăng đáng ngờ. Ở một cơ sở y tế tỉnh Quảng Nam, trong quý IV.2012, trung bình mỗi bệnh nhân phải xét nghiệm 22,1 lần/đợt điều trị, cao gấp 3 lần trước khi có viện phí mới (7-9 lần/đợt điều trị). Quý I.2013 có hạ xuống nhưng vẫn là gần 15 lượt xét nghiệm/đợt điều trị. Trung bình 4 bệnh nhân nội trú thì có 1 người được chụp MRI (cộng hưởng từ) hoặc CT Scanner.

“Các cơ sở y tế khi được hỏi cho biết, chỉ định xét nghiệm máu để phòng khi bệnh nhân cần phẫu thuật, truyền máu. Tuy nhiên, không phải bệnh gì cũng cần phẫu thuật, càng khó có chuyện số người xét nghiệm máu lớn gần gấp đôi số người điều trị nội trú. Việc mỗi lần vào viện lại phải xét nghiệm nhóm máu cũng rất lãng phí” - ông Phúc nhận định.

Thay đổi chưa nhiều

Theo BHXH Việt Nam, kết quả kiểm tra 7 tỉnh cũng cho thấy, sau khi thực hiện viện phí mới, các cơ sở khám chữa bệnh cũng đã có một số thay đổi như cải tạo cơ sở vật chất, phòng khám bệnh, bổ sung nhân lực để giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. Đồng thời, nhiều người bệnh phản ánh không phải chi các khoản lặt vặt ngoài viện phí như bông băng, dây truyền, chỉ khâu... như trước kia.

Về vấn đề này, những bệnh nhân điều trị cảm thấy rõ nhất. Anh Trần Công Lãng (Quảng Nam) bị ho dài ngày nên đi khám bệnh tại bệnh viện huyện. Anh cho biết, so với ngày trước, chỗ ngồi chờ và phòng khám đã sáng sủa hơn. Bác sĩ cũng nhiệt tình, hòa nhã. Anh cũng không phải nộp thêm các loại phí “không tên” như trước kia.

Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Tình hình khám chữa bệnh thời gian qua còn tồn tại nhiều vấn đề như thủ tục hành chính còn phức tạp, phiền hà, tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán vẫn còn, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ nhân viên y tế ở một số nơi vẫn chưa tốt. Đồng thời, năng lực về công tác khám chữa bệnh tuyến dưới còn nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu của người dân”.

Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn bị “tung hỏa mù”. Sau khi khám, bác sĩ yêu cầu anh Lãng đi siêu âm và xét nghiệm nhóm máu. “Tôi tưởng là siêu âm phổi nên cũng tuân thủ. Tuy nhiên, vào phòng siêu âm thì bác sĩ lại siêu âm ổ bụng. Sau đó, bác sĩ kết luận tôi bị viêm họng hạt, ổ bụng của tôi “đẹp” và nhóm máu B. Như vậy, chỉ định siêu âm chẳng liên quan gì tới bệnh mà tôi đi khám”.

Ở nhiều tỉnh, BHXH còn ghi nhận tình trạng cơ cấu viện phí đã chi cho các trang thiết bị như khẩu trang, găng tay, mũ y tế, thuốc sát trùng để rửa tay... nhưng bác sĩ không sử dụng. Ngoài ra, có bệnh viện khi thực hiện thủ thuật châm cứu đã thu tiền kim châm cứu của người bệnh mặc dù kim này đã có trong giá viện phí, khi được nhắc nhở thì nhân viên y tế hồn nhiên nói “không biết”.

Kết quả đánh giá nhanh tại 17 bệnh viện trực thuộc Bộ và 99 bệnh viện tuyến tỉnh sau 3 tháng thực hiện tăng giá viện phí của Bộ Y tế cho thấy, các cơ sở khám chữa bệnh thay đổi chưa nhiều. Mới chỉ gần 30% số bệnh viện đã sửa chữa bổ sung, nâng cấp buồng bệnh nội trú, kê thêm giường bệnh hạn chế nằm ghép; 35,7% bệnh viện trực thuộc Bộ, 24% bệnh viện tỉnh mua thêm ghế chờ khám bệnh; 14,3% thực hiện phát số tự động, bảng số điện tử; 64,3% công khai giá dịch vụ y tế.

Theo Báo Dân Việt