Tỉ lệ có việc làm tăng trong khi kinh tế đình trệ?
29/08/2013 01:54 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Có thể nói, chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp (TN) phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Nếu chỉ số TN thấp chứng tỏ Nhà nước đang tạo ra nhiều công ăn việc làm (VL) cho người dân. Thế nhưng ở Việt Nam lại có một nghịch lý, kinh tế không khỏe khi mà rất nhiều doanh nghiệp (DN) ngừng sản xuất vậy mà chỉ số TN cứ giảm đều.
Ảnh: Hoàng Long
Chỉ có 2,28% thất nghiệp
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm, cả nước đã tạo khoảng 722,5 nghìn VL, đạt 45,1%, còn tỷ lệ TN là 2,28%, tỷ lệ thiếu VL là 2,85%. Đây là con số quá đẹp đối với một nền kinh tế đang gặp không ít khó khăn do tỉ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động không hề giảm. Theo báo cáo về tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm, Chính phủ thẳng thắn đánh giá rằng: Sản xuất, kinh doanh trong nước vẫn trong tình trạng khó khăn, thị trường cầu nội địa yếu. Sản phẩm hàng hóa tiêu thụ chậm. Nợ xấu đang là gánh nặng cho nền kinh tế. Tình trạng DN ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản từ cuối năm 2012 tiếp tục xảy ra trong những tháng đầu năm 2013. VL của người lao động bấp bênh dẫn đến thu nhập giảm sút!
Một kênh thông tin khác cũng chỉ ra số LĐ TN không "đẹp” như con số mà Tổng cục Thống kê công bố. Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) chỉ ra rằng: Có tới 26,2% số cử nhân được khảo sát chưa hoặc không tìm được VL. Trong số này, có tới 58,2% không biết xin việc ở đâu, 42% còn lại cho hay bị nhà tuyển dụng từ chối do không đáp ứng được yêu cầu. Còn tại các tỉnh, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Thanh Hóa có gần 25.000 học sinh, sinh viên ra trường chưa xin được VL, con số này với Nghệ An là hơn 11.000 người, tỉnh Đồng Tháp 2.000 người... Tình trạng này cũng đang phổ biến tại Đà Nẵng, An Giang, Quảng Nam. LĐ có trình độ cao được đào tạo bài bản còn loay hoay mãi không giải được bài toán tìm được VL, thế mà tình trạng TN lại cứ giảm đều đều.
Đối chiếu tỷ lệ TN được công bố với thực tế số lượng LĐ ngày càng tăng, VL luôn khó tìm, rõ ràng người ta có thể nghi ngờ tính chính xác của tỷ lệ TN và cho rằng con số này không phản ánh đúng tình hình. Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền tại kỳ họp thứ 5 QH khóa XIII, nhiều đại biểu đã chất vất về con số TN chỉ có 2% trong khi có quá nhiều DN phá sản, giải thể, bà Chuyền cho biết: Đó là cách tính TN dựa trên khái niệm về có VL của Tổ chức LĐ thế giới (ILO). Theo đó, người được coi là TN đồng nghĩa với việc 1 tuần liên tiếp họ không có việc để làm thì coi như TN. Còn trong 7 ngày đó, nếu LĐ có 1 giờ đồng hồ làm việc thì không được gọi là TN.
Xét lại khái niệm có việc làm
Khái niệm về có VL và mất VL không hề phù hợp với tình hình Việt Nam - ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội nhận định. Theo ông Lợi, phải định nghĩa lại thế nào là có việc? Nếu được coi là có VL chỉ đơn giản là: "có thể tạo ra thu nhập bằng VL hợp pháp” thì Việt Nam không có người TN! Điều đó cũng lý giải tại sao những năm qua các nước phát triển tỉ lệ người TN tăng vọt thì ta ngược lại, số người có VL ngày càng tăng cao. Theo thống kê tỉ lệ TN của Việt Nam năm 2013 là 2%. Đây là con số quá đẹp, chứng tỏ ai cũng có việc. Nhưng có một nghịch lý ai cũng có thể chỉ ra đó là, tỷ lệ TN của Việt Nam thấp nhất thế giới nhưng lại nằm trong top những nước nghèo nhất nhì thế giới. Điều đó chỉ có thể lý giải được rằng: Người làm ra tiền nhưng số tiền kiếm được lại dưới mức chuẩn nghèo. Với thu nhập không thể nuôi sống bản thân nói gì đến lo cho gia đình, vậy mà cũng gọi là có VL là bất hợp lý.
Đồng tình quan điểm của ông Đặng Như Lợi, nhiều chuyên gia cho rằng: Định nghĩa về có VL không phù hợp với Việt Nam. Bởi ở các nước phát triển, một giờ làm việc có thể tạo ra thu nhập nuôi sống người đó trong một tuần. Ở nước ta, một giờ làm việc chỉ tạo thu nhập nuôi sống trong một ngày, trong khi nước ta lại chưa có an sinh xã hội tốt, độ bao phủ của bảo hiểm xã hội còn thấp. Nếu coi là không TN nhưng sống một cách chật vật, tạm bợ, bấp bênh thì có khác gì người không có VL.
Bình luận về chỉ số TN, ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Hiến cho rằng: Những con số khảo sát về thực trạng TN tại Việt Nam là "khó tưởng” trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện tại. Để tình trạng lệch pha giữa số liệu thống kê và tình hình thực tế về LĐ, VL, theo ông Hiếu, có thể do kỹ thuật, có thể do phương pháp, có thể do trách nhiệm, do thiếu minh bạch và không loại trừ do... căn bệnh thành tích trong báo cáo. Không có số liệu đúng và đủ, không thể đưa ra đánh giá đúng tình hình, không thể dự báo chính xác các xu hướng, không thể đưa ra các quyết sách, chủ trương, giải pháp đúng được và như thế quyết định điều hành sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Khi những chỉ số quan trọng của nền kinh tế chưa được tính toán chính xác, chưa đủ sức tạo niềm tin cho thị trường thì khả năng chính sách bị lệch hướng là điều rất dễ xảy ra.
Theo Báo Đại đoàn kết
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT