Khổ vì luật mới

23/08/2013 07:59 AM


Sau hơn 1 tháng Nghị định 55/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành khoản 3 điều 54 Bộ Luật Lao động về cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động (CTLLĐ) có hiệu lực thi hành (từ ngày 15-7-2013), nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động ở lĩnh vực này than trời khi gặp nhiều vướng mắc trong thực thi pháp luật.Hàng chục doanh nghiệp cho thuê lại lao động ở TP HCM không xoay nổi khoản tiền ký quỹ 2 tỉ đồng để hợp thức hóa hoạt động theo quy định của Bộ Luật Lao động.


Bảo vệ, vệ sĩ nằm trong danh mục công việc được cho thuê lại lao động

Cầm cố tài sản để ký quỹ

Bà Phạm Thị Châu Liên, chủ một DN CTLLĐ trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn (quận 12, TP HCM), than thở công ty bà quản lý chưa đến 100 lao động nhưng theo Nghị định 55, công ty cũng phải ký quỹ 2 tỉ đồng mới được cấp phép hoạt động. Trong khi đó, vốn điều lệ của công ty chỉ hơn 200 triệu đồng. Để tuân thủ quy định, bà phải thế chấp ngôi nhà gia đình đang ở tại quận 12 nhằm vay vốn lấy tiền đóng quỹ. "Bạn bè của tôi hoạt động trong lĩnh vực này đều vướng vào hoàn cảnh tương tự" - bà Liên cho biết thêm.

Tương tự, ông N.T.H, giám đốc một công ty bảo vệ (quận 11, TP HCM), cho rằng số tiền 2 tỉ đồng là quá lớn so với những DN quy mô nhỏ và vừa. Ông nói: "Một công ty có quy mô CTLLĐ từ 1.000 lao động trở lên thì có thể huy động được nguồn vốn lớn như vậy. Còn với chúng tôi, chỉ chưa đầy 200 lao động thì để có được số tiền lớn như vậy rất khó". Trong khi đó, ông Huỳnh Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Nhân Ái (quận 8, TP HCM), cho biết công ty của ông hoạt động CTLLĐ ở các lĩnh vực: quản gia, giúp việc nhà, chăm sóc người bệnh. Với đặc thù sử dụng lao động phổ thông, làm thời vụ nên lao động thường xuyên biến động. Vì thế, việc giữ cho công ty hoạt động ổn định và có lợi nhuận đã khó, huy động một khoản tiền lớn để ký quỹ còn khó hơn vạn lần.

Nguy cơ phải đóng cửa

Hiện TP HCM có hàng chục DN hoạt động trong lĩnh vực CTLLĐ gần như không xoay được khoản tiền lớn như trên để hoàn tất các thủ tục cấp phép kinh doanh. Ông N.T.H nói: "Tôi phải lấy trụ sở công ty để thế chấp ngân hàng nhưng mới vay được 1 tỉ đồng. Nếu không xoay xở được số tiền còn lại, tôi sẽ đóng cửa hoặc giải thể công ty".

Trước những vướng mắc trên, đại diện Phòng Lao động Tiền công, Tiền lương Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho biết Bộ LĐ-TB-XH đang dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 55. Những vướng mắc về tiền ký quỹ cũng như một số quy định khác ở nghị định này đã được Bộ LĐ-TB-XH nắm bắt. Tuy nhiên, đại diện đơn vị trên nhấn mạnh CTLLĐ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên Chính phủ bắt buộc phải đưa ra những quy định chặt chẽ để tránh nguy cơ rủi ro cho cả DN và người lao động. Việc ký quỹ 2 tỉ đồng là mức đã tính toán kỹ nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong trường hợp bị rủi ro.

Theo Nghị định 55/2013/NĐ-CP, DN hoạt động CTLLĐ phải được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép; có vốn pháp định 2 tỉ đồng; thực hiện ký quỹ 2 tỉ đồng. Tiền ký quỹ sẽ được sử dụng để thanh toán tiền lương hoặc bồi thường cho người lao động trong trường hợp DN hoạt động CTLLĐ vi phạm hợp đồng, không bảo đảm quyền lợi và gây thiệt hại cho người lao động.

Theo Báo Người lao động