Vẫn thiếu cán bộ y tế trường học

23/08/2013 02:23 AM


Công tác y tế trường học hiện còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ. Một trong nhiều nguyên nhân là không có biên chế cho đội ngũ này và chính sách đãi ngộ thấp.


Bất cập với cán bộ y tế học đường

Chia sẻ từ thực tế địa phương mình, chị Bùi Thu Hằng, chuyên viên Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng cho biết, tại địa bàn có 37 cán bộ y tế ở các trường mầm non, tiểu học và THCS. Trong số này, 28 người là cán bộ chuyên trách, chín người là giáo viên kiêm nhiệm. 37 cán bộ “gánh” trách nhiệm chăm sóc y tế cho hơn 33 nghìn học sinh ở ba cấp học.

Cũng tại quận trung tâm này, chỉ 25/37 trường học có phòng y tế, đạt tỷ lệ gần 68%. 12 trường không có phòng y tế, hoặc có nhưng dùng chung với các phòng chức năng khác. Diện tích nhiều phòng y tế không đủ 12m2 theo quy định, có trường phải cải tạo cầu thang làm phòng y tế. Trang thiết bị y tế, giường bệnh, tủ thuốc… đều hạn chế.

Theo chị Hằng, khó khăn chính với cán bộ y tế trường học là không có biên chế, chính sách đãi ngộ thấp. Nhiều giáo viên hoặc cán bộ làm nhiệm vụ kiêm nhiệm không có tiền bồi dưỡng. Vì những lý do này, các trường học khó tuyển người có chuyên môn về công tác y tế trường học. Hiện giờ, quy định đòi hỏi họ phải có giấy phép chứng chỉ hành nghề nên “khó càng thêm khó”.

Từ thực tế này, chị Hằng mong muốn, thời gian tới, các cơ quan chức năng xem xét việc bổ sung biên chế, chế độ đãi ngộ phù hợp với người làm công tác y tế ở trường học.

Cần hỗ trợ y tế - dinh dưỡng học đường

Đề cập đến công tác y tế trường học và sức khỏe - dinh dưỡng học đường, ông Vũ Xuân Khiêm, Trưởng phòng quản lý công tác học sinh sinh viên (Sở Giáo dục - Đào tạo Hải Phòng) nhận định, điểm yếu trước hết với y tế học đường là nhân lực mỏng, kiêm nhiệm, không giỏi chuyên môn, kinh phí nghèo nàn. Sự phối hợp giữa các cán bộ ngành giáo dục chưa chặt chẽ. Thực tế, giáo viên bộ môn ngại đưa kiến thức về y tế vào giờ học do phân phối chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo rất nhiều.

Cũng theo ông Khiêm, tại một số địa bàn khó khăn của thành phố Hải Phòng, mức ăn bán trú được áp dụng khoảng bảy nghìn đồng/bữa, khó bảo đảm dinh dưỡng cho các cháu. Nhiều trường đã vận động phụ huynh học sinh đóng thêm để đủ 10 nghìn đồng/bữa nhằm tăng chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú. Thu hút phụ huynh tham gia các hoạt động về dinh dưỡng - sức khỏe cộng đồng tại nhà trường, nhất là khối tiểu học, sẽ giúp họ quan tâm hơn tới con em mình.

Tiến sĩ Lê Nguyễn Bảo Khanh (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các căng-tin/ bếp ăn trường học cũng là vấn đề đáng chú ý. Hiện nay, nhu cầu học bán trú tại các trường đang gia tăng. Do đó, bảo đảm dinh dưỡng và chất lượng bữa ăn tại trường học rất cần coi trọng.

Đánh giá về khẩu phần dinh dưỡng của bữa ăn học đường hiện nay, bác sĩ Khanh nhận xét, gạo vẫn là thực phẩm chính, trong khi ở một số quốc gia khác trong khu vực, bữa ăn học đường được bổ sung thêm cả khoai tây, bột mỳ. Ngoài ra, các loại thịt và rau củ được sử dụng nhiều trong trường học. Một khảo sát tại trường tiểu học TP Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ hơn 50% học sinh lứa tuổi này có ăn rau/hoa quả thường xuyên, khoảng bốn lần mỗi tuần. Đây cũng là thực trạng của bữa ăn học đường hiện nay.

Về tính đa dạng của thực đơn hằng ngày, bác sĩ Khanh đánh giá đã có đủ bốn nhóm thực phẩm (ngũ cốc, chất đạm, chất béo, vitamin). Tuy nhiên, vẫn có những bất cập như các trường chỉ dùng dầu thực vật. Trong khi, với lứa tuổi nhỏ, trẻ em nên được ăn cả mỡ động vật và dầu thực vật với tỷ lệ cân đối 50/50.

Bà Khanh cũng khuyến nghị, cần tuyên truyền, tập huấn cho người cung cấp thực phẩm, quản lý bếp ăn, cấp dưỡng, giáo viên, phụ huynh, học sinh về dinh dưỡng học đường. Các trường học cũng nên đưa chương trình giảng dạy kiến thức, thực hành về bảo đảm dinh dưỡng - vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh vào nội dung chính khoá ở các cấp học.

Chị Hoàng Thị Tây Ninh, cán bộ của tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) tại Việt Nam cho biết, một trong những mục tiêu của dự án “Sức khỏe và dinh dưỡng học đường” triển khai tại Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh những năm qua là nâng cao nhận thức, kỹ năng liên quan đến sức khỏe - dinh dưỡng cho học sinh. Giai đoạn 2 của dự án sẽ triển khai từ năm 2013 đến 2015 tại 36 trường, hỗ trợ gần 31 nghìn em lứa tuổi tiểu học và THCS. Chương trình này cũng thực hiện tại năm quốc gia khác trên thế giới.

Theo Báo Nhân dân