Thỏa ước lao động tập thể: Chưa thành công như mong đợi

22/08/2013 07:54 AM


Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) được ví như “bộ luật nhỏ của DN” điều chỉnh các phát sinh trong quan hệ LĐ, góp phần hạn chế tranh chấp LĐ, ngừng việc tập thể xảy ra. TƯLĐTT còn là yếu tố quan trọng xây dựng quan hệ LĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN. Tuy nhiên, việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế cần phải nhanh chóng khắc phục.


Người lao động kỳ vọng những bản TƯLĐTT có nhiều điều khoản cao hơn luật (ảnh minh hoạ).

Thuê phiên dịch để thương lượng

Khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) tập trung hơn 200 DN với 35.000 CNLĐ. Theo ông Vũ Tuấn Minh - Chủ tịch CĐ Khu kinh tế Nghi Sơn - CĐ phải bám vào quy định của Nhà nước để đàm phán, thương lượng, ký được TƯLĐTT có những điều khoản cao hơn luật. Nhưng các DN vốn đầu tư nước ngoài, DN tư nhân muốn giữ đồng vốn của họ nên chỉ ký TƯLĐTT đúng quy định, không cao hơn luật.

Ông Lê Minh Tuấn - Ủy viên BCH CĐ Các KCN - CX Hà Nội, nguyên Chủ tịch CĐ Cty TNHH Denso VN (100% vốn Nhật Bản - KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) - trăn trở khi nhận xét “chất lượng TƯLĐTT chưa thể đi lên được”. Lý do là CB CĐCS hầu hết kiêm nhiệm, hạn chế kỹ năng đàm phán, thương lượng. Đáng lưu ý là trong các DN FDI, CB CĐ gần như người “đi xin” các quyền lợi cho đoàn viên, CNLĐ trong khi chủ sử dụng LĐ luôn nói những điều làm CĐ nản lòng...

Sự khác biệt về văn hóa và bất đồng ngôn ngữ giữa chủ DN nước ngoài với những LĐ người VN là trở ngại lớn trong quá trình đàm phán, thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Chủ tịch CĐCS Cty may Tinh Lợi (100% vốn Hồng Kông - KCN Nam Sách, Hải Dương) Phạm Đình Hòa chia sẻ, để chủ DN hiểu rõ Luật CĐ, CĐCS Cty đã phải thuê phiên dịch bên ngoài dịch những nội dung cơ bản của luật. Trên cơ sở đó, CĐCS mới truyền đạt mong muốn của NLĐ tới DN và đề nghị ký kết TƯLĐTT.

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến phân tích sự e ngại của CB CĐCS khi đặt vấn đề với chủ DN về sự can thiệp của CĐ cấp trên cơ sở đối với DN, vì TƯLĐTT có ký được hay không và ký ở mức độ như thế nào phục thuộc vào ý kiến chủ quan của DN và kết quả SXKD. Tại các KCN tỉnh Hải Dương, có 80% số DN FDI, đến nay số đơn vị ký TƯLĐTT chưa cao, chỉ 48 - 49%.

Theo ông Phạm Hồng Hải - Chủ tịch CĐ Các KCN Hải Dương - tỉ lệ này chưa cao do chủ DN hiểu luật pháp VN và TƯLĐTT rất hạn chế.

Tăng cường kỹ năng đàm phán

Bên cạnh những CĐCS làm tốt việc xây dựng, thương lượng, ký kết TƯLĐTT thì vẫn còn nhiều CĐCS hạn chế về năng lực, kỹ năng đàm phán, thương lượng... Việc báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của CĐ cấp trên về tình hình thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại nơi làm việc chưa thật chính xác, kịp thời và đầy đủ nên khi nói đến công tác TƯLĐTT, nhiều CB CĐ cấp trên thường nhắc tới 4 không. Đó là: Đối tác không thật, thương lượng không thật, ký kết không thật và thực hiện không thật.

Ở nhiều nơi, chủ DN không muốn ký TƯLĐTT, vì lo ngại bị ràng buộc trách nhiệm với NLĐ. Có những DN viện cớ thực hiện tốt chế độ chính sách đối với NLĐ là ổn, không cần phải ký TƯLĐTT nữa!

CĐ Khu kinh tế Hải Phòng quản lý 88 CĐCS gồm 31.072 đoàn viên; nói về chất lượng TƯLĐTT hiện nay, Chủ tịch CĐ Khu kinh tế Hải Phòng Phạm Thị Hằng thẳng thắn phê “TƯLĐTT chưa thoát khỏi tính hình thức, chủ yếu sao chép luật và quá dài dòng, không thuận tiện cho CN đọc và nắm bắt nội dung”. Trước những bất cập về chất lượng TƯLĐTT, ngoài trách nhiệm của CĐCS, CĐ cấp trên cơ sở, nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước cần có chế tài xử phạt những DN không ký TƯLĐTT; bổ sung thêm chức năng thanh tra, kiểm tra cho Ban Quản lý các KCN - CX về xử phạt DN vi phạm luật.

Mong muốn của CB CĐCS là được tập huấn nhiều hơn kỹ năng thương lượng, đàm phán, thuyết trình. Còn CĐ cấp trên cơ sở, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước đôn đốc, nhắc nhở DN thực hiện xây dựng TƯLĐTT; hướng dẫn, tư vấn, cung cấp thông tin, văn bản pháp luật liên quan cho CĐCS trong quá trình xây dựng TƯLĐTT.

Theo Báo Lao động