Lao động xuất khẩu: Ý thức và “một con chíp”

03/10/2013 09:23 AM


Những năm gần đây, tình trạng người lao động Việt Nam ở nước ngoài bỏ trốn tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường xuất khẩu lao động của nước ta. Đề xuất cần cấp mã số cho mỗi lao động để quản lý đã được đưa ra. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây chỉ là giải pháp mang tính hỗ trợ chứ không thể giải quyết tận gốc vấn đề.


Cấp mã số để tăng sự ràng buộc?

Mới đây, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức hội thảo công bố các nhân tố ảnh hưởng đến việc lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc không về nước, ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp. Tại đây, bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng viện Khoa học, Lao động và Xã hội cho hay, trong giai đoạn 2004-2013, đã có trên 71.000 lao động Việt Nam sang Hàn Quốc để làm việc. Tuy nhiên, có khoảng 30% lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng, muốn ở lại nhưng lại không làm thủ tục xin ký tiếp hợp đồng lao động mà tự ý xin vào các công ty làm việc theo kiểu tự do. Khi bị phát hiện, họ buộc phải về nước bằng con đường không chính thức và chính những lao động này đã gây sự thiếu thiện cảm, làm mất uy tín với các chủ doanh nghiệp phía Hàn Quốc với lao động Việt Nam.

Để hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn, bộ LĐTB&XH đã có rất nhiều biện pháp nhằm đề cao việc giáo dục chất lượng lao động ngay từ đầu nhằm nâng cao ý thức của người lao động. Bên cạnh đó, việc gắn kết và ràng buộc người lao động với gia đình và chính quyền địa phương để hạn chế thấp nhất mọi rủi ro sau khi hợp đồng lao động với phía nước bạn chấm dứt cũng được chú trọng. Ngoài ra, đề xuất cấp mã số cho lao động Việt Nam ở nước ngoài để tiện quản lý. Mỗi lao động Việt Nam khi xuất khẩu lao động sẽ được cấp một mã số duy nhất. Khi cơ quan quản lý truy cập vào những mã số này sẽ biết được đầy đủ thông tin cá nhân của lao động cũng như địa chỉ và hợp đồng lao động của lao động với các công ty nước bạn.

Không chỉ trông chờ vào việc cấp mã số

Đánh giá về mức độ khả thi của giải pháp trên, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, bộ LĐTB&XH cho rằng: "Việc quản lý lao động theo điện tử sẽ tốt và thuận tiện hơn bây giờ rất nhiều. Tuy nhiên, không phải cứ thông qua máy tính thì cơ quan quản lý mới biết được tình hình lao động mà hiện tại chúng ta vẫn có những kênh để nắm bắt được họ đang ở đâu, làm gì. Khi đang ở nước bạn, người lao động mà chuyển chỗ làm, họ thường không báo cáo với các cơ quan ở Việt Nam nên ta không biết được thông tin. Tuy nhiên, các trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài sẽ xem xét lý do xin chuyển việc, nếu chính đáng, họ sẽ hỗ trợ các lao động và thông báo cho chúng ta biết về sự thay đổi đó. Tuy nhiên, việc quản lý lao động thông qua máy tính, phần mềm chỉ thuận lợi hơn cho công tác quản lý chứ không thể giải quyết hết được các vấn đề trên. Hiện nay, Chính phủ đang chuẩn bị ban hành những nghị định mới để có thể có những hình thức xử lý tiên quyết. Tuy nhiên, để hạn chế tình lao động chui thì không chỉ bằng cách tăng mức độ xử phạt mà cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp từ tuyển chọn, giáo dục, đào tạo và quản lý. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đang xây dựng đang hệ thống phần mềm để quản lý đến từng người lao động".

Một chuyên gia công tác tại viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (đề nghị được giấu tên) lại có cách nhìn khác. Ông nhấn mạnh: “Đây là việc làm khó khả thi. Bản thân tôi đã từng tiếp xúc với một số bạn đi lao động ở châu Phi. Hầu hết trong số họ đều không có giấy tờ hoặc không cần giấy tờ. Do đó, việc cấp vạch như vậy chỉ mang tính chất đối phó và dù là giải pháp trước mắt hay lâu dài thì cũng rất khó giải quyết được tận gốc vấn đề”. Cũng theo đánh giá của chuyên gia này, vấn đề cốt yếu của việc lao động bỏ trốn là ý thức tôn trọng hợp đồng lao động kèm. Ý thức đó không thể thay đổi bằng một tấm thẻ. Đó phải là kết quả của quá trình giáo dục nghiêm túc. Thứ hai, cần nhìn nhận lại vấn đề ở nghi vấn tại sao lại có mức lương quá lớn giữa việc đi theo đường chính thống và đi theo đường ngoài. Rất có thể, sự chệnh lệch mức lương quá lớn là điều hấp dẫn với người lao động và thôi thúc người ta bỏ trốn.

“Đây là vấn đề vô cùng quan trọng. Tất nhiên, nếu đi theo đường chính thống với nhiều thủ tục, có thể người lao động phải trả thêm một khoản chi phí “không tên” nào đó. Tôi cho rằng, bản thân người lao động không muốn làm như vậy vì việc làm ngoài này phải chấp nhận quá nhiều rủi ro. Nhưng do sự chênh lệch số tiền lương có thể cao đến mức người ta chấp nhận sự đánh đổi” - vị chuyên gia nhấn mạnh - "Cần phải đặt câu hỏi với những người mang trọng trách đi đàm phán với các doanh nghiệp nước ngoài thay cho quyền lợi người lao động trước khi giới thiệu hợp đồng cho họ ký. Liệu, những người đó có đàm phán một cách thực sự công tâm, đặt quyền lợi của người lao động lên trên hết hay không? Đó cũng là một trong lo ngại khiến người lao động không tin tưởng và tìm đi lao động nước ngoài bằng những con đường khác, hoặc bỏ trốn để ở lại nước ngoài lao động tự do". Còn theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, điều quan trọng là chúng ta phải tăng cường trao đổi thông tin thì mới quản lý tốt được chứ không thể có một con chip mà theo dõi từng người được. Đề xuất trên cũng đang được Bộ LĐTB&XH nghiên cứu để có căn cứ khoa học hơn để cho các cơ quan quản lý xem xét đưa vào định hướng chính sách.

Bị hấp dẫn bởi mức thu nhập cao hơn 20 lần

Theo nghiên cứu của viện Khoa học Lao động & xã hội, gần 50% số lao động được hỏi cho biết, họ bỏ trốn vì bị bạn bè rủ rê, muốn có thu nhập cao vì chênh lệch thu nhập ở Hàn Quốc cao hơn so với ở Việt Nam từ 7 – 20 lần.  Họ muốn ở lại lao động để có thêm chi phí chi trả khi về quê, thậm chí coi đây là giải pháp duy nhất để đổi đời, trả nợ và thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Ngoài ra, cũng có những lao động do trình độ thấp, chưa tốt nghiệp hết cấp 2, nhận thức còn hạn chế nên đã không chấp hành những quy định của hợp đồng.

Theo NLĐO