Thách thức về dân số đối với bảo hiểm xã hội

29/07/2013 01:31 AM


Thay đổi cơ cấu dân số, đặc biệt là xu hướng già hóa đang là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội ở nước ta. Đây là nội dung được đặt ra trong một dự án mới do Bộ LĐ, TB và XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khởi động mới đây, với mục tiêu cải thiện hệ thống bảo hiểm xã hội trong bối cảnh những thay đổi lớn về cơ cấu dân số ở Việt Nam.


Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Cơ cấu dân số thay đổi...

Mới đây, Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) đã công bố tình hình kinh tế - xã hội cả nước năm 2012. Theo đó, dân số trung bình cả nước năm 2012 ước tính 88,78 triệu người, tăng 1,06% so với năm 2011. Trong tổng dân số cả nước năm nay, dân số khu vực thành thị là 28,81 triệu người, tăng 3,3% so với năm trước; dân số khu vực nông thôn là 59,97 triệu người, tăng 0,02%.

Theo thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2012 là 52,58 triệu người, tăng 2,3% so với năm 2011. Cơ cấu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc khu vực Nhà nước chiếm 10,4% tổng lực lượng lao động; khu vực ngoài Nhà nước chiếm 86,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,3%. Điều đáng lưu ý là trong số hơn 52 triệu lao động thì chỉ có gần 7,8 triệu người đã được đào tạo, chiếm 15,4%. Đồng nghĩa với 84,6% số người đang làm việc chưa được đào tạo. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2012 là 1,99%, trong đó khu vực thành thị là 3,25%, khu vực nông thôn là 1,42%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2012 là 2,8%...

Bên cạnh đó, già hóa dân số ở nước ta đang diễn ra với một tốc độ chưa từng có trong lịch sử, do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng lên trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 cho thấy: già hóa được biểu thị bằng số người từ 60 tuổi trở lên, trên 100 người dưới 15 tuổi, đã tăng 11,4 điểm phần trăm sau 10 năm (từ 24,5% năm 1999 lên 35,9% năm 2009).  Dự báo, trong tương lai, tốc độ già hóa sẽ không phải 0,4% nữa mà sẽ là 0,5 - 0,6% và đến năm 2025, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số “già”.

và thách thức đối với bảo hiểm xã hội

Thách thức lớn nhất của sự thay đổi cơ cấu dân số, đặc biệt là xu hướng già hóa là số người cao tuổi sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên BHXH, bao gồm hệ thống trợ cấp lương hưu và hệ thống y tế. Theo nhiều chuyên gia, trợ cấp hưu trí và trợ cấp xã hội hàng tháng được coi là nguồn thu nhập chính của người cao tuổi nhưng mức độ bao phủ của các chương trình này còn thấp. Trong tương lai của xã hội dân số già, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn...

Bên cạnh đó, với hơn 50,35% dân số trong độ tuổi lao động thực sự là sức ép rất lớn về việc làm cho xã hội, cộng với chất lượng lao động chưa cao, số lao động được đào tạo còn thấp, trình độ tay nghề chưa cao so với nhiều nước trong khu vực cũng tạo ra sức ép cho giáo dục - đào tạo. Điều đáng lưu tâm là số người tham gia BHXH bắt buộc mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động; số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp hơn, chỉ khoảng 0,22% đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện. Tình trạng trốn, nợ BHXH đã làm mất đi cơ hội hưởng quyền lợi BHXH của hàng ngàn người lao động...

Thứ trưởng Bộ LĐ, TB và XH Phạm Minh Huân cho rằng: với số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động giảm đi và chế độ lương hưu “hào phóng”, quỹ lương hưu sẽ cạn kiệt nếu không đưa ra được những biện pháp cấp thiết. Hiện nay, dù giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu thanh niên nam nữ gia nhập thị trường lao động mỗi năm là ưu tiên trong ngắn hạn, nhưng quá trình già hóa dân số nhanh chóng của Việt Nam đặt ra một thách thức nghiêm trọng về lâu dài. Theo đó việc sửa đổi Luật BHXH phải theo hướng làm thế nào để mở rộng độ bao phủ và đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm trên nguyên tắc “đóng và hưởng”.

Giám đốc ILO tại Việt Nam Gozkgy SicaraKzi cũng cho rằng: sửa đổi và cải thiện Luật BHXH là một nhiệm vụ cấp bách. Đó không chỉ là hành động cho hôm nay mà chúng ta cần xem xét tác động của cơ cấu dân số lên hệ thống an sinh xã hội và triển vọng việc làm trong tương lai. Việt Nam cần xem xét thiết kế một chiến lược chung về BHXH nhằm tạo điều kiện cho tất cả những người già được tham gia, với các chương trình cơ bản như chương trình đóng và hưởng (bắt buộc và tự nguyện) và chương trình hưu trí do ngân sách đảm bảo cho người già hiện có. Hơn nữa, các chương trình hưu trí tự nguyện cần đóng vai trò bổ sung cho tiền lương hàng tháng hiện tại bằng cách cung cấp các chế độ bổ sung...

Theo Đại biểu nhân dân