Bảo hiểm y tế - “cứu cánh” của người nhiễm HIV

21/01/2013 07:00 AM


Khi các nguồn lực quốc tế giảm mạnh vào sau năm 2018 thì rất nhiều dịch vụ y tế cho người nhiễm HIV sẽ không được cung cấp miễn phí như hiện nay. Do đó, người nhiễm HIV cần tham gia BHYT để được hỗ trợ chi phí trong quá trình điều trị, nhất là đảm bảo duy trì sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV).

Ít người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế

Theo bác sĩ (BS) Cao Thanh Thủy, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ, tại bệnh viện có khoảng 1.200 người nhiễm HIV đăng ký điều trị, khám định kỳ. Nhìn chung, chỉ những bệnh nhân HIV là công chức nhà nước mới có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), số người còn lại còn lại hầu như không có.

Vì thế, nhân viên phòng khám ngoại trú HIV của bệnh viện thường xuyên tư vấn về lợi ích của BHYT để người nhiễm HIV chủ động tham gia BHYT. Việc tư vấn lúc đầu cũng không phải dễ dàng vì ngay cả người có thẻ BHYT cũng kiên quyết không sử dụng thẻ vì sợ lộ danh tính, e ngại phải đối mặt với sự kỳ thị của cộng đồng.

Còn theo một cán bộ của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế thì ngay chính Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng không có số liệu về tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT trong cả nước. Chỉ có một vài nghiên cứu đánh giá số người nhiễm HIV đang được quản lý tại các cơ sở chăm sóc điều trị chỉ ra rằng: Có khoảng 30% người nhiễm HIV xuất trình thẻ BHYT khi đến khám chữa bệnh. Họ chỉ sử dụng thẻ BHYT khi loại thuốc hoặc dịch vụ y tế đó không được các chương trình, dự án quốc tế cung cấp miễn phí.

Sở dĩ tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT còn thấp là do nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Hơn nữa, đa phần các dịch vụ y tế chăm sóc bệnh nhân ngoại trú hiện nay vẫn được hưởng sự hỗ trợ rất lớn của các chương trình, dự án quốc tế, nhiều dịch vụ y tế chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV (khám, tư vấn, xét nghiệm, thuốc điều trị…) đang được miễn phí hoàn toàn.


Bác sĩ bệnh viện Đống Đa khám, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: Lê Phú

Nguy cơ thiếu thuốc điều trị

“Hiện nay, tới 90% kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS được các tổ chức quốc tế tài trợ, song dự kiến đến năm 2018 thì các nguồn viện trợ này sẽ bị giảm mạnh. Nếu chúng ta không có những chính sách ứng phó phù hợp và kịp thời thì người nhiễm HIV sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu thuốc điều trị, thiếu khả năng chi trả cho những xét nghiệm chẩn đoán cơ bản trong điều trị…”, ông Nguyễn Tiến Đức, một chuyên gia về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS khẳng định.

Trong khi đó, việc người nhiễm HIV tuân thủ phác đồ điều trị, tuân thủ việc sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn của người bệnh. Bởi lẽ, nếu người nhiễm HIV đang dùng phác đồ bậc 1 mà không tuân thủ điều trị thì sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc đang sử dụng và buộc phải chuyển sang phác đồ bậc 2.

Khi đó người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tác dụng phụ của thuốc và áp lực về tài chính lớn hơn. Thậm chí, người bệnh phải đối mặt với nguy cơ hết phác đồ điều trị, nhất là khi người bệnh không tuân thủ uống thuốc phác đồ bậc 2 .

Cụ thể, nếu tính chi phí thuốc điều trị theo phác đồ bậc 1 (tính theo giá do các chương trình, dự án quốc tế hỗ trợ) thì mỗi bệnh nhân HIV chỉ mất khoảng 100 - 150 USD/năm (nếu bệnh nhân tự mua ngoài thị trường thì sẽ mất 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng).

Nhưng nếu phải chuyển lên phác đồ bậc 2, chi phí điều trị ngay trong các cơ sở y tế đã tăng khoảng 8 lần, khoảng 1.000 - 1.300 USD/năm/người bệnh. Đặc biệt, khi người bệnh đã bị kháng thuốc bậc 2 thì sẽ khó khăn để tiếp tục điều trị, hiện tại Việt Nam mới chỉ có đến phác đồ bậc 2 (trên thế giới có phác đồ điều trị bậc 3). Hết phác đồ điều trị, có nghĩa là người bệnh sẽ nhanh chóng phải đối diện với giai đoạn AIDS, giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV.

“Nếu các nguồn tài trợ không còn duy trì trong tương lai, việc áp dụng chính sách BHYT đối với bệnh nhân nhiễm HIV để hỗ trợ họ chi phí trong quá trình điều trị sẽ là một giải pháp hữu hiệu. Vậy nên, người nhiễm HIV cần ý thức được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT và nên tham gia BHYT từ bây giờ để có thể sử dụng thẻ BHYT ngay khi phải nằm điều trị nội trú (các chương trình, dự án không chi trả chi phí điều trị nội trú)”, BS Cao Thanh Thủy khuyến cáo.

Hiện nay, các loại thuốc trong phác đồ điều trị cho người nhiễm HIV đều có trong danh mục thuốc BHYT do Bộ Y tế quy định (gồm cả thuốc ARV). Nhưng lâu nay vì người nhiễm HIV vẫn được nhận thuốc ARV miễn phí từ các chương trình, dự án nên hiện nay quỹ BHYT chưa “tính” đến việc thực hiện hỗ trợ chi trả chi phí thuốc ARV cho người tham gia BHYT. Bởi vậy, đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đang tích cực làm việc cùng đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhằm xây dựng lộ trình thực hiện việc hỗ trợ chi phí điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV tham gia BHYT.

Nguồn TC BHXH