Để người nghèo được chữa trị bệnh tốt hơn

10/10/2013 07:21 AM


Nhiều bệnh viện (BV) cho biết đơn vị cũng có nhiều cách để hỗ trợ bệnh nhân nghèo gặp khó khăn.


Tham gia BHYT sẽ là giúp người nghèo có cơ hội khám, chữa bệnh tích cực hơn

Theo TS-BS Lê Bích Liên (Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, TP.HCM), nếu bệnh nhân nhập viện điều trị không có tiền thì các khoa sẽ giới thiệu xuống phòng trợ giúp xã hội để xem xét hỗ trợ, có trường hợp hỗ trợ từ vài chục đến 100 triệu đồng, hỗ trợ ăn uống, cơm từ thiện... Tại BV Nhi đồng 1 không có chuyện bệnh nhân không có tiền là không được điều trị.

BS Liên chia sẻ, để giải quyết cho người bệnh nghèo, khó khăn, điều quan trọng nhất là khuyến khích mua BHYT tự nguyện. Người nghèo mắc bệnh tật rất cần BHYT vì sẽ được thanh toán phần lớn viện phí. Ngoài ra cũng cần có quỹ hỗ trợ người nghèo và phải quy định rõ cách thức quản lý, thu chi để sử dụng sao cho hợp lý, hiệu quả…

Ông Lê Minh Hiển (Trưởng Đơn vị Y xã hội, BV Chợ Rẫy), thông tin BV Chợ Rẫy cũng có chế độ xem xét hỗ trợ cho bệnh nhân gặp khó khăn. Lúc đó, các khoa sẽ chuyển danh sách cho Đơn vị Y xã hội của BV. Đơn vị sẽ tìm hiểu hoàn cảnh bệnh nhân, từ bệnh lý sẽ có phân tích và gắn kết vào các mạnh thường quân. Ngoài hỗ trợ viện phí, bảo vệ quyền lợi, BV Chợ Rẫy còn thực hiện xin vé xe, xin xe đi về khi bệnh nhân bệnh nặng; giúp xe lăn, thậm chí lo hòm về chôn. Mỗi ngày BV còn lo 4.200 - 4.500 suất ăn miễn phí.

“Những trường hợp bệnh nặng, nghèo, giám đốc BV chỉ đạo các kíp trực báo cáo lãnh đạo để giải quyết kịp thời chụp CT, truyền máu... chứ không có khái niệm tiền” - ông Hiển nói.

Một bác sĩ ở BV 115 (TP.HCM) cho biết ở BV này, khi có một trường hợp bệnh nhân khó khăn, không có tiền điều trị thì các khoa có dành dụm một ít tiền của các mạnh thường quân đóng góp để giúp đỡ một phần chi phí như ăn uống, viện phí… Nếu bệnh nhân điều trị lâu dài nhưng khó khăn đến mức không có kinh phí để tiếp tục điều trị thì BV dùng các mối quan hệ cá nhân để vận động các công ty dược, dụng cụ y tế, các mạnh thường quân… để cùng chung tay hỗ trợ cứu giúp họ vượt qua bệnh tật. Nếu ai đó lâm vào hoàn cảnh giống với chị Dung (báo Pháp Luật TP.HCM đã nêu trong bài “Viện phí và người vợ bất hạnh” ngày 24-9) thì nên viết đơn gửi ban giám đốc BV hoặc các hội chữ thập đỏ để được hỗ trợ hoặc giúp đỡ thêm...

Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh