Vượt khó cùng công nhân
09/10/2013 08:32 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thời gian qua, dù còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, song nhiều doanh nghiệp (DN) đã có cách làm linh hoạt chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ).
Công nhân ăn trưa tại nhà ăn Công ty MTEX trong khu chế xuất Tân Thuận.
Công nhân là trung tâm
Khi biết con công nhân Lê Minh Hiệp bị bệnh down, Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng Đại Dũng (Công ty Đại Dũng) liền nhận trợ cấp nuôi bé hàng tháng. Con công nhân Trịnh Văn Tuyến đang học cao đẳng cũng được công ty giúp học phí và tặng mỗi tháng 1,5 triệu đồng cho đến khi ra trường. Công ty còn có chủ trương cho CNLĐ vay tiền không tính lãi để có điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà và chăm lo cho gia đình. Các công nhân phải thuê nhà trọ được công ty hỗ trợ tổng số tiền hơn 130 triệu đồng… Ông Văn Thành Thái, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Đại Dũng, chia sẻ, 572 người lao động được lãnh đạo công ty xác định là tài sản quý giá. Thành công của công ty có từ bàn tay, khối óc của người lao động, vì thế chỉ có quan tâm đến đời sống người lao động thì họ mới yên tâm gắn bó lâu dài và chia sẻ khó khăn với công ty.
Để công nhân toàn tâm toàn ý vào công việc, Công ty TNHH điện tử Samsung Vina luôn thiết kế các chính sách chăm sóc công nhân cao hơn cả yêu cầu chung nhằm đảm bảo đời sống người lao động để họ yên tâm công tác. Thông thường, thắc mắc của nhân viên được giải đáp thỏa đáng ngay lập tức. Giải pháp chăm lo đời sống cho công nhân một cách bền vững nhất chính là giúp họ nâng cao tay nghề, có kỹ năng làm việc khá hơn để mang lại thu nhập tốt hơn. Ngay sau khi tuyển dụng, bộ phận trực tiếp sản xuất (những người chưa qua đào tạo hoặc chưa có kinh nghiệm), tất cả công nhân đều được huấn luyện 1 tháng. Mỗi khi sản xuất một loại sản phẩm mới, toàn thể công nhân bắt buộc phải được huấn luyện lại từ đầu, từ thao tác làm việc cho đến việc hiểu rõ tính năng của từng loại linh kiện nhằm nâng cao trình độ hiểu biết cho công nhân. Thường sau một thời gian, công ty lại hoán đổi vị trí làm việc. Nếu sau 1 năm, bất kỳ công nhân nào có thể thuần thục tất cả vị trí trên dây chuyền thì được xem là công nhân cao cấp và sẽ được hưởng mức lương, phụ cấp cao đặc biệt hơn so với công nhân khác trên dây chuyền.
Con em công nhân học tại Trường Mầm non Thỏ Ngọc (quận Thủ Đức). Đây là ngôi trường không tăng giá giữ trẻ, chia khó với công nhân.
Chia sẻ khó khăn
Công ty TNHH Công nghệ Đức Bổn (KCX Tân Thuận, quận 7; chuyên sản xuất mặt hàng thể thao) đánh giá việc vận động công nhân lao động biết thông cảm và chia sẻ với DN là điều vô cùng cần thiết. Được công đoàn công ty vận động, CNLĐ trong quá trình lao động sản xuất đều cố gắng giảm thiểu các sản phẩm hư hỏng, giảm thiểu tiêu hao nguyên vật liệu, tiết kiệm tối đa chi phí đảm bảo sản phẩm làm ra có chất lượng với giá thành cạnh tranh. Giải pháp này không những giúp DN có cái nhìn mới về tổ chức công đoàn mà chủ DN còn đảm bảo 1.500 CNLĐ không phải giảm bớt các chế độ khác.
Hiện công ty đã xây nhà lưu trú và có 500 công nhân ở. Hàng năm, công ty tổ chức trao học bổng cho hàng trăm con công nhân, người lao động (500.000 đồng/suất), tổ chức cho các cháu tới tham quan nơi làm việc của cha mẹ mình giúp các em ý thức được khó khăn của cha mẹ khi làm việc để nuôi con cái, từ đó cố gắng học tập tốt hơn. Bữa ăn trưa luôn được DN quan tâm bằng việc yêu cầu công đoàn cùng giám sát thực hiện tốt bữa ăn trưa. Thậm chí, DN yêu cầu các chuyên gia nước ngoài cũng phải cùng ăn với công nhân để chia sẻ và thẩm định chất lượng bữa ăn, kịp thời giải quyết nếu công nhân phản ánh… Tất cả những nỗ lực đó đã góp phần ổn định đời sống công nhân.
Theo bà Trần Kim Yến, Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, từ chủ trương của TP, sự chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm nỗ lực vượt qua khó khăn chung được thể hiện rõ trong việc số lượng doanh nghiệp hưởng ứng, tổ chức chăm lo cho CNLĐ tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2012. Cụ thể đã có gần 4.660 DN thực hiện nhiều hoạt động chăm lo cho gần 506.000 CNLĐ. Các DN hưởng ứng mức hỗ trợ như tăng 100.000 - 250.000 đồng tiền lương, 5% - 10% đơn giá sản phẩm; tăng suất ăn trưa từ 3.000 - 8.000 đồng; hỗ trợ tiền nhà ở từ 100.000 - 300.000 đồng. Một số DN còn hỗ trợ 100% tiền thuê nhà cho công nhân khó khăn…
Tình hình kinh tế - xã hội tuy còn nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng chung, song với những quyết sách của Trung ương, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của TPHCM cùng sự nỗ lực vượt khó của các cấp, ngành và cộng đồng các doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế của TP có dấu hiệu phục hồi và đạt mức tăng trưởng hợp lý. Tại TPHCM, bên cạnh việc tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, TP đã chủ động tiếp tục triển khai các giải pháp chăm lo cho người dân TP, nhất là người lao động nghèo với sự chung tay, chung sức của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Kết quả đạt được trong thời gian qua đã minh chứng cho sự đoàn kết, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành trên địa bàn TP. Trách nhiệm với người dân, cùng chia sẻ khó khăn với công nhân, sinh viên là bức tranh đẹp về tình cảm chân thành, tinh thần tương thân tương ái. Bức tranh ấy được cán bộ của hệ thống chính trị, các chủ nhà trọ, các DN, cơ sở giữ trẻ đồng lòng khắc họa từ những hành động thiết thực, tạo được sự đồng thuận trong xã hội…"
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM NGUYỄN THỊ THU HÀ
Theo Sài Gòn giải phóng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT