Thời của lao động có tay nghề

04/10/2013 03:50 AM


Thị trường lao động TP.HCM đang có sự chuyển dịch lớn từ lao động phổ thông sang lao động có tay nghề…


Thị trường đang “khát” những lao động tay nghề cao.

Lao động có tay nghề “lên ngôi”

Xu hướng cần lao động có tay nghề tăng cũng là điều dễ hiểu. Do máy móc ngày càng hiện đại nên cần ít lao động phổ thông hơn, thay vào đó là lao động có tay nghề kỹ thuật cao.

Bên cạnh đó, do tình hình suy thoái kinh tế, nhiều người thất nghiệp dẫn đến cạnh tranh cao hơn. Cung nhiều hơn cầu, nên doanh nghiệp cũng có nhiều cơ hội để kén chọn. Vì thế, lao động có tay nghề giỏi mới dễ có việc làm. Tại các trung tâm giới thiệu việc làm, nhu cầu tuyển dụng không tăng lên về số lượng nhưng có thay đổi về đối tượng, lao động có tay nghề ngày càng được “săn đón” hơn.

Ở Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh Niên, so với những năm trước, nhu cầu về lao động phổ thông giảm khoảng 20%. Trong khi đó, nhu cầu lao động có tay nghề tiếp tục tăng mạnh ở các ngành thương mại - dịch vụ, nhà hàng - khách sạn… Những ngành kỹ thuật điện, cơ khí, xây dựng khá đìu hiu ở những quý trước nay bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc.

Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM, cho biết: “Dự báo nhu cầu lao động tại trung tâm trong ba tháng cuối năm là 14.500 người. Trong đó, nhu cầu về lao động phổ thông không tăng mà tập trung vào lao động có tay nghề ở các ngành dịch vụ, nhà hàng - khách sạn, may mặc”.

Sinh viên ra trường ngày càng đông, cạnh tranh càng khốc liệt, nhà tuyển dụng cũng bớt chú trọng về bằng cấp mà quan tâm nhiều đến kinh nghiệm và kỹ năng hơn. Vì thế, ý thức tự trang bị thêm những kỹ năng hỗ trợ nghề nghiệp như tin học, điện - điện tử, tài chính - kế toán, quản trị… càng được chú ý hơn.

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong quý 4, dự báo TP.HCM cần khoảng 60.000 lao động (chưa kể 30.000 lao động thời vụ). Trong đó lao động phổ thông, sơ cấp nghề, công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 52%; trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chỉ chiếm 25%.

 

Thầy Đinh Minh Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng, nói: “Nếu như trước đây, số cử nhân đăng ký học các lớp ngắn hạn về đào tạo nghề tại trường gần như đếm trên đầu ngón tay thì từ năm 2010, số lượng này tăng vọt theo từng năm. Trong 9 tháng đầu năm 2013, những ngành thu hút người học như điện, đồ họa, quản trị mạng... đạt 30%”.

Thiếu kỹ năng mềm

Hiện nay, có một thực trạng là lao động có tay nghề cao nhưng vẫn khó tìm việc. Giải thích chuyện này, ông Nguyễn Cao Thắng cho biết người lao động có xu hướng thích lựa chọn công việc ở những công ty lớn, quá tầm với so với năng lực bản thân. Trong khi đó, vẫn còn rất nhiều cơ hội việc làm tại các công ty vừa và nhỏ. “Tại sao không làm tại đây để tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm. Sau khi cứng cáp rồi, muốn bay thì bay”, ông nói.

Ngoài ra, muốn tìm được việc làm tốt, bên cạnh tay nghề cao, người lao động phải có những kỹ năng mềm như: giao tiếp, làm hồ sơ giới thiệu bản thân, làm việc nhóm…”, đó là khẳng định của các chuyên gia trong lĩnh vực lao động.

“Lỗi” phổ biến nhất là hồ sơ xin việc không đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do người lao động có tay nghề, kỹ năng tốt nhưng lại dùng mẫu hồ sơ xin việc của lao động phổ thông, nên không cung cấp đầy đủ thông tin về kỹ năng, sở trường, kinh nghiệm… Khi hồ sơ không thể hiện rõ được điều đó, đương nhiên họ sẽ “bị loại từ vòng gửi xe”, mất cơ hội được phỏng vấn.

“Người lao động nên chuẩn bị hồ sơ xin việc để có thể nêu rõ được ưu điểm, năng lực của bản thân một cách ngắn gọn, đầy đủ. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu kỹ về công ty, công việc mình nộp đơn cũng là điều quan trọng để có một buổi phỏng vấn tốt”, ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh Niên, khuyên.

Theo Thanh niên