Vất vả “mùa giáp hạt”

11/07/2013 06:52 AM


Tan ca, thay vì về nhà trọ, chị Phạm Thị Ngọc Tuyền, công nhân (CN) Công ty TNHH Freetrend (KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP HCM), lại hối hả đạp xe đến quán chè cách đó vài cây số để phụ bán. Quán đông nghẹt khách. Dựng vội chiếc xe, chị Tuyền xắn tay áo vào bưng bê. "Công việc thường kết thúc sau 22 giờ. Mỗi tháng tôi làm 16 ngày, kiếm thêm được 500.000 đồng" - chị Tuyền cho biết.


Chị Trịnh Thị Thương (trái) bán hàng ở gần hầm chui Linh Trung 1.

Nhọc nhằn làm thêm

Từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm, theo CN ngành may, da giày là "mùa giáp hạt". Đơn hàng ít, không tăng ca nên ảnh hưởng đến thu nhập, CN phải kiếm việc làm thêm để trang trải. Phụ bán quán cơm, quán chè, phát tờ rơi… để cải thiện cuộc sống là lựa chọn của nhiều CN, nhất là nữ.

Đầu năm 2013, khi lương tối thiểu tăng, chị Tuyền và nhiều đồng nghiệp khấp khởi hy vọng song mừng chưa được bao lâu thì giá thuê nhà trọ, điện, nước, các mặt hàng thiết yếu đều tăng. Tuyền tuy còn độc thân song hằng tháng vẫn phải dành một nửa thu nhập để phụ giúp gia đình ở quê. Tháng nào bạn bè mời đám cưới, thôi nôi..., chị phải vay mượn khắp nơi.

Cũng phải kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống là chị Vũ Thị Thơm, CN Công ty Oval (KCN Sóng Thần 2, tỉnh Bình Dương). Được một người bạn thân giới thiệu, Thơm nhận hàng ở một công ty chuyên sản xuất bút xóa về làm thêm. Mỗi tối làm 2 giờ, chị kiếm được 400.000 đồng/tháng.

"Hàng có đều thì em mới kiếm được chừng đó. Công việc tưởng nhàn nhưng ngồi lâu rất đau lưng. Nhóm của em có 4 người làm công việc này để cải thiện thu nhập" - chị Thơm cho biết.

Đối mặt rủi ro

"Công an đến... dọn đồ mau!". Tiếng kêu hốt hoảng của một phụ nữ khiến chị Trịnh Thị Thương, CN Công ty Freetrend, giật bắn mình. Túm vội 4 góc tấm bạt chất đầy quần áo, Thương vác lên vai chạy qua bên kia đường bất chấp xe cộ. Ba tháng nay, Thương là "tiểu thương" của khu chợ tạm cạnh hầm chui KCX Linh Trung 1.

Lương cơ bản 3,7 triệu đồng, cộng với tiền tăng ca được hơn 1 triệu đồng, thu nhập mỗi tháng của Thương khoảng 5 triệu đồng. Vào TP HCM gần 7 năm, do nặng gánh gia đình nên chị khá vất vả. Dành dụm tiền lương hằng tháng, chị tìm mối lấy quần áo để bán sau giờ làm việc. Tan ca, chị vội về nhà trọ, chở hàng ra chợ tạm bán đến gần nửa đêm.

"Tụi em bị nhân viên tổ trật tự đô thị phường gom hoài. Bán một chiếc quần lời 10.000 đồng nhưng khi bị bắt là phải đóng phạt 400.000 đồng, coi như lỗ vốn" - chị Thương bộc bạch. Có hôm, do chở hàng cồng kềnh, gặp trời mưa lớn, đường lầy lội, người và xe ngã lăn quay. Có đêm, vì ham bán hàng, chị quên cả ăn uống. Đến khi về nhà trọ thì đã khuya, chị chỉ kịp nuốt vội miếng cơm nguội chan nước mắm rồi đi ngủ.

Làm thêm liên tục không chỉ khiến CN thiếu ăn, mất ngủ, sức khỏe suy kiệt mà còn thường xuyên đối diện rủi ro. Phụ bán quán nước gần khu nhà trọ cạnh KCX Linh Trung, cứ mỗi giờ, chị Lê Thị Thêm (quê Nghệ An) được trả công 10.000 đồng. Những ngày cuối tuần, quán đông khách nên chị thường về trễ. "Nhiều lần về khuya một mình, tôi phải chạy bán sống bán chết vì bị mấy tay nghiện hút chặn đường đe dọa, trấn lột" - chị Thêm kể.

Ba năm nay, chạy xe ôm đã trở thành nghề tay trái của anh Phan Huy Long, CN Công ty Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM). Đồng lương CN không đủ trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày, anh lại còn phải lo cho mẹ già bị bệnh ngoài quê Nghệ An. Anh cho biết mỗi tháng kiếm được hơn 1 triệu đồng từ những cuốc xe ôm.

Dù có thêm thu nhập nhưng anh phải đối mặt với nhiều rủi ro. Cách đây 1 tháng, anh chở một người khách từ chợ Bà Hom đến KCN Tân Tạo. Lợi dụng trời tối, tên này rạch túi quần anh Long lúc nào không hay. Mãi đến khi về nhà, anh mới phát hiện bị móc mất ví, trong đó có giấy tờ tùy thân và 500.000 đồng...

Theo Báo Người lao động