Chủ động ứng phó với bệnh sốt xuất huyết gia tăng

18/07/2022 03:01 PM


Đến ngày 11/7, cả nước ghi nhận hơn 103.000 ca sốt xuất huyết, tăng khoảng 11.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó và đã có 37 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.
 
 Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được theo dõi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được theo dõi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương.
 
• TẬP TRUNG XỬ LÝ CÁC Ổ DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT
 
Bệnh nhân Nguyễn Quốc Phong, 34 tuổi, ở Thạnh Mỹ (Đơn Dương) đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương cho biết: “Tuần trước tôi bị sốt, người ớn lạnh, đến ngày thứ ba, sốt quá nên tôi đến phòng khám tư để khám bệnh thì được hướng dẫn vô bệnh viện khám. Khi vô bệnh viện huyện, tôi mới biết là mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Hiện tôi đã ăn uống bình thường, thấy người khỏe lại. Tôi nhận thấy bệnh SXH nguy hiểm nếu không nhập viện kịp thời”. 
 
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hữu Bôn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương cho biết, tình hình sốt xuất huyết ở Đơn Dương cũng như cả nước đang gia tăng. Hiện Đơn Dương có 16 ca tại 7 xã, thị trấn, so với năm ngoái, số ca mắc tăng hơn, tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, ngành Y tế đang cố gắng hạn chế ca bệnh chuyển nặng. Trong đó, các ca bệnh xuất hiện tại địa bàn rải rác, vãng lai, tức là người dân đi từ các tỉnh về như TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa… trở về địa phương. Ngành Y tế huyện đã tiến hành xử lý các ổ dịch, làm sạch môi trường và vận động người dân khi có dấu hiệu bất thường, đặc biệt là ra khỏi tỉnh về có sức khỏe bất thường (như sốt) thì đến ngay cơ sở y tế để tầm soát cũng như giúp cho y tế kiểm soát ngay tình hình dịch, xử lý ngay ổ dịch tại gia đình. Trung tâm Y tế Đơn Dương triển khai tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh môi trường quanh nhà, diệt lăng quăng (bọ gậy); tổ chức các đợt tập huấn nâng cao chuyên môn cho nhân viên y tế trong công tác điều trị, cập nhật kiến thức mới, phác đồ điều trị mới để hạn chế ca bệnh chuyển biến nặng, hạn chế tối đa ổ dịch . 
 
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng, đến ngày 10/7 số ca bệnh trên toàn tỉnh là 901 ca, tăng 575 ca so với cùng kỳ 2021. Địa phương có ca bệnh tăng cao là Bảo Lộc, Di Linh, Bảo Lâm…Số ổ dịch SXH được xử lý là 372/380 ổ đạt 97%, một số ổ dịch có yếu tố dịch tễ từ nơi khác nên chỉ ghi nhận và không xử lý. 
 
Trước tình hình SXH đang gia tăng tại địa phương, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo triển khai một số nội dung cụ thể. Hiện các đơn vị trong toàn ngành Y tế tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết được các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh SXH như: Sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy; khuyến cáo người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được khám bệnh, tư vấn, điều trị kịp thời. 
 
Ngành Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh SXH; truyền thông phòng, chống SXH; giám sát, phát hiện ca bệnh, ổ dịch SXH và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, không để các ổ dịch lây lan kéo dài. Kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại các đơn vị có ca bệnh tăng cao. 
 
Đối với UBND huyện, thành phố, đề nghị ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn. Sẵn sàng hỗ trợ nhân lực, cấp kinh phí, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh SXH, từ nguồn kinh phí của địa phương. Ban Chăm sóc sức khỏe Nhân dân của địa phương cùng với ngành Y tế giám sát các hoạt động triển khai các biện pháp phòng, chống SXH, thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng hằng tuần tại các tổ dân phố, thôn trên địa bàn.
 
Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, thuốc điều trị để tiếp nhận, xử lý kịp thời và theo dõi sát các trường hợp SXH diễn tiến nặng, chuyển tuyến kịp thời, không để các trường hợp SXH diễn tiến nặng và tử vong. Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện.
 
Các cơ sở y tế dự phòng tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch SXH, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, hóa chất, máy phun để xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan, kéo dài. Song song với việc phun hóa chất diệt muỗi, phải thực hiện việc diệt lăng quăng trước khi phun. Tuyên truyền, vận động các tổ chức đoàn thể tại địa phương và người dân tiếp tục, thường xuyên thực hiện việc diệt lăng quăng hằng tuần theo khuyến cáo của ngành Y tế.
 
 TRIỂN KHAI MẠNH MẼ CÁC CHIẾN DỊCH VỆ SINH MÔI TRƯỜNG, DIỆT LĂNG QUĂNG
 
Đến nay, bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, vì vậy hoạt động diệt lăng quăng, diệt muỗi, với sự tham gia tích cực của từng hộ gia đình và cả cộng đồng là biện pháp quan trọng và hiệu quả trong phòng, chống SXH. Mỗi cá nhân và gia đình dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng; thay rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, chum, xô chậu…) hằng tuần; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá; dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. 
 
Thực hiện phòng, chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn, mùng kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Đồng thời, cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh. 
 
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tham mưu UBND các huyện, thành phố huy động các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng cán bộ tại các tổ dân phố, thôn, bản và cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.
 
Triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên, tổ phòng, chống SXH cộng đồng, đội xung kích diệt lăng quăng.
 
Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch đến tận hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình… Tổ chức các chiến dịch truyền thông, tuyên truyền về diệt lăng quăng, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh đẻ trứng và phát triển để phòng, chống dịch bệnh.
 
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống bệnh SXH. Tổ chức định kỳ tổng vệ sinh, khử khuẩn môi trường, diệt lăng quăng tại trường học. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
 
AN NHIÊN

Báo Lâm Đồng