Dạy học đối với lớp học có nhiều trình độ cấp tiểu học

04/04/2022 08:50 AM


Tổ chức thực hiện dạy học đối với lớp học có nhiều trình độ cấp tiểu học luôn đòi hỏi cao năng lực cao của cán bộ quản lý và giáo viên (GV). Trong hoàn cảnh những vùng còn khó khăn và thêm vào đó để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, càng cần tổ chức dạy học linh hoạt đáp ứng năng lực và nhu cầu của các đối tượng học sinh (HS).
 
Học sinh tiểu học lớp ghép ở xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên ngoài giờ lên lớp
Học sinh tiểu học lớp ghép ở xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên ngoài giờ lên lớp
 
Năm học 2021-2022, toàn tỉnh Lâm Đồng còn 247 trường học có HS tiểu học, trong đó, 223 trường tiểu học và 24 trường phổ thông có nhiều cấp học, đặc biệt, có 5 trường tổ chức dạy học lớp ghép. Toàn tỉnh có có 164 HS học trong các lớp ghép. 
 
• BÁM SÁT NHỮNG HƯỚNG DẪN CỦA NGÀNH
 
Hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục tiểu học (GDTH), ngày 31/8/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng có Công văn 1525 chỉ đạo cụ thể về tổ chức, triển khai thực hiện dạy học đối với các cơ sở giáo dục có tổ chức thực hiện lớp ghép. Cụ thể, mỗi lớp ghép không quá 15 HS/lớp và không quá 2 trình độ; khi tổ chức lớp ghép các trình độ liền nhau; hạn chế ghép lớp ở các lớp đầu cấp (lớp 1) và cuối cấp (lớp 5). Các lớp ghép ở các điểm trường lẻ, nhà trường báo cáo UBND cấp xã, phối hợp Ban Đại diện cha mẹ HS tuyên truyền từng bước đưa các em về học tại điểm trường chính nhằm tạo cơ hội được học tập đầy đủ các môn học. 
 
Yêu cầu đặt ra là cuối năm học tất cả HS lớp 3, 4, 5 đạt yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng được quy định tại Chương trình GDPT 2006, hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất. Với lớp 1 và 2 đạt được những yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực theo Chương trình GDPT 2018. Việc dạy lớp ghép, GV cần linh hoạt khi thực hiện kế hoạch dạy học, không bắt buộc một cách máy móc, hình thức (ví dụ, yêu cầu đúng thời lượng của mỗi tiết), quan trọng là thực hiện phù hợp với các nhóm trình độ. 
 
Phó Giám đốc Sở GDĐT Trần Đức Lợi cho biết, Sở đã chỉ đạo khi sắp xếp kế hoạch dạy học, GV chú ý các nội dung như: Ghép những bài học kiến thức mới ở trình độ này với những bài ôn tập, luyện tập, thực hành ở trình độ kia. Hạn chế ghép những môn học đánh giá bằng nhận xét với những môn học đánh giá bằng điểm số. Môn Tiếng Việt và Toán, dạy học theo đúng nội dung chương trình cho từng nhóm trình độ; các môn khác có thể tổ chức dạy học chung cho các nhóm trình độ khác nhau. Mặt khác, lựa chọn nội dung chương trình của nhóm trình độ thấp làm cơ sở, nội dung chương trình của nhóm trình độ cao được xem là phần mở rộng linh hoạt phù hợp với khả năng nhận thức của đối tượng HS, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của lớp học. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn có trách nhiệm hỗ trợ GV xây dựng kế hoạch dạy học và thường xuyên dự giờ, tổ chức tiết chuyên đề để định hướng cho GV về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học lấy HS làm trung tâm; chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho HS. 
 
Đáp ứng yêu cầu chất lượng lớp học có nhiều trình độ, nhiều tiêu chí GV hướng đến. Đó là: Mục tiêu của môn học đối với mỗi nhóm trình độ trong toàn bộ chương trình; mục tiêu của bài học trong môn học, trong từng chương. Nội dung từng bài học cụ thể được sắp xếp trong kế hoạch dạy học của từng môn. Phương pháp dạy học của môn học, của từng thể loại bài học, từng phần nội dung kiến thức trong bài. Đặc điểm tâm sinh lý của HS trong mỗi lớp. Phù hợp với cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, đồ dùng học tập hiện có... Đặc biệt, sự phối hợp linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học trong mỗi buổi học. Dạy học chung cả lớp, dạy học riêng từng nhóm trình độ, dạy học cho mỗi cá nhân HS; cùng đó là đánh giá, kiểm tra và phân loại được HS...
 
• CÙNG CHĂM LO GIÁO DỤC THẾ HỆ TRẺ 
 
Thực tế dạy học lớp có nhiều trình độ ở Lâm Đồng thời gian qua đã có nhiều hình thức tổ chức đa dạng, phong phú. Các cơ sở GDTH đã chủ động phân hóa từng đối tượng HS để tổ chức phụ đạo, rèn đọc, rèn viết, tăng cường tiếng Việt...; linh hoạt các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số… Ông Trần Đức Lợi đánh giá: Về chất lượng, cơ bản đã triển khai và thực hiện đầy đủ Kế hoạch giáo dục của trường và ngành. Việc thực hiện kế hoạch có kiểm tra theo dõi đánh giá điều chỉnh kịp thời, có hiệu quả. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh, trong học kỳ I, một số trường phải tổ chức dạy học trực tuyến nên tỷ lệ HS chưa đạt các năng lực đặc thù (môn Toán và tiếng Việt ở khối lớp 1, lớp 2) còn cao; các trường chưa tổ chức được các hoạt động giáo dục ngoài giờ học, các câu lạc bộ đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của HS; các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu tự nhiên - xã hội, truyền thống của địa phương thực hiện chưa hiệu quả. Vì vậy dạy học theo sự phân hóa đối tượng HS hai nhóm trình độ chất lượng giáo dục của lớp ghép không cao bằng lớp đơn.
 
Những bài học kinh nghiệm cần tiếp tục quan tâm và phát huy đối với lớp có nhiều trình độ là sự tạo điều kiện, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho các cơ sở giáo dục từ chính quyền. Sự nhiệt tình, sáng tạo trong đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học tạo hứng thú cho HS của cán bộ quản lý, GV. Giáo viên phụ trách các lớp ghép cần có chuyên môn vững vàng, nắm bắt được sự phát triển của từng đối tượng HS, kế hoạch hoạt động của câu lạc bộ phù hợp từng lứa tuổi. Phía phụ huynh, sự tin tưởng, ủng hộ các kế hoạch giáo dục của trường, quan tâm tạo điều kiện cho HS tham gia các câu lạc bộ, và với HS, được chọn các môn học theo năng lực, sở thích, hứng thú khi tham gia vào các hoạt động giáo dục và các môn học đã lựa chọn; các em phải có ý thức tự giác trong học tập và rèn luyện. 
 
MINH ĐẠO

Báo Lâm Đồng