Đề án 06 đạt được một số kết quả quan trọng, vượt tiến độ đề ra
01/04/2022 02:14 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 21/3/2022, tại Hà Nội, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” đã tổ chức họp giao ban định kỳ tháng 3/2022. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp còn có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác; các thành viên Tổ công tác và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan.
Toàn cảnh cuộc họp
Báo cáo tóm tắt kết quả triển khai Đề án trong tháng 3/2022, Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, công tác chỉ đạo triển khai Đề án tiếp tục được thực hiện quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực. Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu, đã hoàn thành 6/11 dịch vụ công mức độ 4 của Bộ Công an; 2 dịch vụ mức độ 4 của Tập đoàn Điện lực; đồng thời đã tiếp nhận hồ sơ trên cổng dịch vụ công đối với một số dịch vụ công thiết yếu.
Các dịch vụ công thiết yếu có số lượng hồ sơ cao thực hiện qua cổng dịch vụ công Quốc gia từ đầu năm 2022 đến nay như cấp mới từ lưới điện hạ áp 173.608 hồ sơ; đăng ký thuế lần đầu 54.480 hồ sơ; đăng ký khai sinh (61/63 tỉnh, thành phố cung cấp) 39.457 hồ sơ; cấp phiếu lý lịch tư pháp (62/63 tỉnh, thành phố cung cấp) 17.166 hồ sơ; đăng ký khai tử (34/63 tỉnh, thành phố cung cấp) 14.943 hồ sơ; đăng ký biến động sử dụng đất 14.552 hồ sơ; đăng ký kết hôn (28/63 tỉnh, thành phố cung cấp) 14.138 hồ sơ; liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế 6.979 hồ sơ; đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp 7.179 hồ sơ; đăng ký thường trú 6.437 hồ sơ; giải quyết trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp 2.872 hồ sơ...
Một số tiện ích giúp người dân, cơ quan, doanh nghiệp được hưởng như giúp 173.608 người dân không phải đến nơi tiếp nhận để đề nghị cấp điện áp; 265.405 công dân, cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở khám chữa bệnh không cần đến cơ quan Công an để thực hiện thông báo lưu trú; giúp 5.289 cá nhân, cơ quan, tổ chức được giải quyết đăng ký tạm trú trên hệ thống, không cần đến cơ quan Công an, tiết kiệm thời gian đi lại; đã tiếp nhận 54.480 hồ sơ đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân trên cổng dịch vụ công; giúp công dân không cần đến cơ quan chức năng nộp thuế...
Đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, tiếp tục triển khai ứng dụng các tính năng của chíp điện tử gắn trên thẻ Căn cước công dân (CCCD) và ứng dụng VNEID trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số. Bộ Công an phối hợp, lựa chọn triển khai thí điểm với 5 ngân hàng có vốn đầu tư nhà nước về các sản phẩm, dịch vụ xác thực danh tính trên nền tảng của thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho các ngân hàng...
Đối với nhóm phục vụ phát triển công dân số, đã ban hành kế hoạch về cấp thẻ CCCD và định danh điện tử cho công dân trên toàn quốc. Tổng số hồ sơ định danh trong hệ thống căn cước (được gửi cùng hồ sơ căn cước) 24.211 hồ sơ. Hiện 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử (Công an TP. Hà Nội là địa phương thu nhận nhiều hồ sơ nhất với 5.270 hồ sơ).
Đối với nhóm tiện ích kết nối, chia sẻ làm giàu dữ liệu đã kết nối chính thức với Bộ Giáo dục và đào tạo, vượt tiến độ (lộ trình đề ra trong đề án là tháng 9/2022), đã chủ động làm việc, kết nối, chia sẻ với các ban, đoàn thể (ngoài lộ trình Đề án) theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Các đơn vị đã gửi dữ liệu về Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư để tra cứu, xác thực thông tin để làm sạch dữ liệu cho các bộ, ngành; đã đồng bộ được hơn 9,2 triệu thông tin của Bảo hiểm xã hội; hơn 56,2 triệu mũi tiêm của Bộ Y tế; đồng bộ thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo 168.177 công dân...
Tại buổi họp, các thành viên Tổ công tác, đại diện các bộ, ngành đã thảo luận các vấn đề xung quanh việc triển khai hiệu quả, kịp thời cũng như đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án.
Bộ trưởng Tô Lâm, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm đã biểu dương những thành tích các đơn vị đã đạt được trong tháng 3/2022, đồng thời đề nghị các đơn vị bám sát lộ trình thực hiện Đề án trong thời gian tới. Xây dựng hành lang pháp lý cho triển khai Đề án 06 là một trong những nội dung ưu tiên, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Tư pháp sớm hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để có bức tranh tổng thể về những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để thực hiện Đề án; các đơn vị được giao chủ trì, tham mưu với Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là 2 nghị định và 2 thông tư cần đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành trong quý II/2022.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị thành viên Tổ công tác thuộc Văn phòng Chính phủ tiếp tục chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tổng thể từng dịch vụ công của từng cấp, từng địa phương về quy trình, biểu mẫu, thực trạng hạ tầng đường truyền, máy tính, phần mềm, nguồn nhân lực thực hiện... Từ đó phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đề xuất phương án phân bổ nguồn lực hợp lý.
Về triển khai đối với 2 nhóm thủ tục liên thông (đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối liên thông với hệ thống của Bộ Tư pháp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam), Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng quy trình để thực hiện đầu mối tiếp nhận tại cổng dịch vụ công cư trú.
Đề nghị thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt chủ trương sử dụng thẻ CCCD tích hợp thông tin bảo hiểm để khám chữa bệnh; khẩn trương tích hợp triển khai ứng dụng định danh điện tử VNEID; sớm triển khai hoàn thiện các thông tin về hồ sơ sức khỏe của công dân…
Thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo sớm hoàn thiện phần mềm, tổ chức thực hiện đăng ký thi online cho học sinh, hạn chế đi lại trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm cấp tài khoản định danh điện tử cho nhóm học sinh, sinh viên…
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đã có những chỉ đạo cụ thể đối với các thành viên Tổ công tác thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và truyền thông…
Trong quá trình triển khai tại các bộ, ngành, địa phương phải kịp thời phổ biến những cách làm hay, kinh nghiệm tốt để tạo không khí lan tỏa, thúc đẩy chất lượng và tiến độ thực hiện Đề án.
Theo Cổng TTĐT Bộ Công an
https://baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Nguyên Đán Ất Tỵ
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước