Đồng hành cùng doanh nghiệp tuyển dụng lao động

01/04/2022 02:08 PM


Sau một thời gian khá dài việc sản xuất sút giảm bởi dịch COVID-19, đến thời điểm hiện tại, sản xuất, kinh doanh bắt đầu phục hồi. Vì vậy, nhu cầu sử dụng lao động đang có chiều hướng gia tăng. Trước nhu cầu phát triển sản xuất của doanh nghiệp, chính quyền, công đoàn đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp thu hút lao động. 
 
Sản xuất tại Khu Công nghiệp Phú Hội.
Sản xuất tại Khu Công nghiệp Phú Hội.
 
Công ty TNHH Tơ tằm Nam Phong đóng trên địa bàn huyện Di Linh chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sang Nhật Bản. Dù ảnh hưởng của đại dịch trên toàn thế giới khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng hết sức chăm lo cho người lao động. Đơn vị vẫn phối hợp với đối tác Nhật Bản tìm kiếm đơn hàng, duy trì việc làm cho người lao động. Lương, thưởng, chế độ cho người lao động vẫn được đảm bảo. Anh Trần Quốc Việt, cán bộ quản lý đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Tơ tằm Nam Phong cho biết, công ty tạo môi trường làm việc thực sự thuận lợi cho người lao động, đảm bảo người lao động làm việc và gắn bó với doanh nghiệp. Xưởng được xây rộng rãi, cao, thoáng, sạch, đủ ánh sáng, khu vệ sinh tách biệt, sạch sẽ, đáp ứng tốt nhu cầu của công nhân. Xưởng có nơi để người lao động nghỉ ngơi, ăn trưa thoáng mát, rộng rãi. Với 45 người lao động, công ty đã thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, là chỗ dựa cho người lao động trong các thỏa thuận với công ty. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, anh Việt chia sẻ, công ty cũng chịu những ảnh hưởng như nguồn tiêu thụ sụt giảm, việc vận chuyển gặp khó khăn do logistic quốc tế đứt gãy. Nhưng công ty cố gắng đề xuất với đối tác để đảm bảo sản xuất, công nhân có thu nhập đều đặn. Công ty cũng thành lập tổ an toàn COVID-19, bảo đảm các biện pháp phòng ngừa theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Từ kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, giãn cách khi làm việc, hạn chế đi về cho đến nhắc nhở anh chị em giữ khoảng cách, không nên đi lại, tiếp xúc nhiều, hạn chế đến mức cao nhất khả năng virus xâm nhập. 
 
Tương tự Công ty Nam Phong, Công ty Lụa Hà Bảo (Bảo Lộc) cũng cho biết, đơn vị mới có thêm mảng nhà máy gia công các sản phẩm may mặc. Đây là mảng sản xuất có nhu cầu lao động rất lớn và hiện cũng đang khó trong thu hút lao động. Bà Hà Thị Hoa, Giám đốc Công ty Lụa Hà Bảo cho biết: “Doanh nghiệp luôn xác định người lao động là vốn quý nhất của đơn vị. Bởi vậy, dù khó khăn, Hà Bảo vẫn duy trì sản xuất, duy trì thu nhập cho người lao động. Đồng thời, Hà Bảo cũng đang có kế hoạch xây cư xá tập thể cho công nhân, để công nhân có nơi ăn chốn ở an toàn, hợp vệ sinh để ổn định cuộc sống. Hiện chúng tôi đang có nhiều hỗ trợ công nhân như phụ cấp ăn ca, nhà ở để thu hút người lao động quay lại làm việc
 
Ông Đỗ Xuân Kiên, Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho biết, hai Khu Công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc và Khu Công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng hiện có 48 doanh nghiệp đang hoạt động với xấp xỉ 5.000 lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn thiếu hụt khoảng 2.000 lao động. Để bù đắp, các ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút lao động. Với Ban Quản lý, đơn vị đang tiếp tục tìm kiếm các nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng, trong đó, có việc xây dựng kí túc xá cho người lao động trong các khu công nghiệp. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp như hội chợ việc làm, tư vấn việc làm và phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến đến tận các địa bàn dân cư... nhằm thu hút nguồn lao động tại địa phương”.
 
Ông Hoàng Liên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kinh tế - xã hội, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo sức khỏe cho công nhân lao động như đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa trong các khu công nghiệp... hỗ trợ nâng cao đời sống công nhân lao động, giúp họ yên tâm, gắn bó hơn với doanh nghiệp. Mong rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống việc làm của người lao động sẽ sớm được khôi phục, ổn định trở lại”.
 
DIỆP QUỲNH

Báo Lâm Đồng