Việt Nam nỗ lực bảo vệ và trao quyền cho phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực
30/03/2022 10:01 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 28/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWOMEN) tổ chức Hội thảo quốc tế về 'Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam'. Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của trên 100 đại biểu quốc tế và trong nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) cho biết: “Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh đã được xây dựng và triển khai tại 98 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Không phải là văn bản pháp lý có tính ràng buộc, nhưng các Chương trình hành động này giúp gắn kết, định hướng và điều phối các nỗ lực ở cấp quốc gia nhằm thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong các tiến trình hòa bình. Với ý nghĩa đó, nghiên cứu về Chương trình hành động quốc gia mở ra hướng đi mới nhằm tiếp nối các sáng kiến của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, phát huy vai trò tích cực và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và Phụ nữ, Hòa bình và An ninh nói riêng”, ông Đỗ Hùng Việt khẳng định.
Ông Đỗ Hùng Việt cho rằng, kinh nghiệm, thực tiễn phong phú về xây dựng, triển khai các chương trình hành động quốc gia trên thế giới sẽ giúp gắn kết, định hướng và điều phối các nỗ lực ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong các tiến trình hòa bình, tái thiết và phát triển kinh tế-xã hội. Trợ lý Bộ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định việc Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tiến hành nghiên cứu về Chương trình hành động quốc gia sẽ mở ra hướng đi mới nhằm tiếp nối các sáng kiến của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hoàn thiện khung thể chế và pháp lý, phát huy vai trò tích cực và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và Phụ nữ, Hòa bình và An ninh nói riêng.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: BNG
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam và Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho rằng, Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh có thể là một công cụ bổ trợ mạnh mẽ cho những nỗ lực hiện tại của Chính phủ Việt Nam trong tăng cường bảo vệ và trao quyền cho phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đánh giá cao vai trò đi đầu của Việt Nam trong gìn giữ hòa bình, đảm bảo hiệu quả việc bảo vệ nhân đạo đối với phụ nữ và trẻ em gái trong xung đột và khủng hoảng, bà Rana Flowers cho biết, hiện Việt Nam đã triển khai 75 quân nhân, trong đó có 15 nữ quân nhân đến Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi.
Trong tất cả các hoạt động triển khai dự phòng, Việt Nam đã duy trì mức độ tham gia đáng khích lệ của phụ nữ từ 16-20%. Bà Rana Flowers cho rằng, hòa bình và an ninh chỉ có thể có được, duy trì được nếu phụ nữ và trẻ em gái được tham gia đầy đủ, đồng thời tiếp cận các cơ hội về phát triển, nguồn lực và sự bảo vệ theo hướng bình đẳng. Cùng với đó, việc lồng ghép quan điểm bình đẳng giới vào các tiến trình hòa bình là rất quan trọng nhằm đàm phán và đối thoại hoạch định chính sách hiệu quả hơn, tiến tới một thế giới bình đẳng hơn.
PV
https://baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Nguyên Đán Ất Tỵ
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước