Về Ka Đô, thăm Nahria Ya Duck

15/07/2021 08:12 AM


Nahria Ya Duck, người một thời được mệnh danh là “con hùm xám” trong lực lượng Fulro khi giữ chức “Đệ nhất Phó Thủ tướng”. Theo tiếng gọi chính nghĩa, ông trở về với đồng bào, quê hương và trở thành một cán bộ đầy nhiệt huyết của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng với vai trò Phó Chủ tịch. Ông đồng thời còn giữ trọng trách Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam, đại biểu Quốc hội. Từ ngày nghỉ hưu, Ya Duck về lại buôn làng quê nhà Ka Đô (Đơn Dương) sống giữa tình thân của bà con đồng tộc. Về thăm Nahria Ya Duck trong một ngày, chúng tôi ghi lại câu chuyện và những tâm sự chân thành từ cuộc đời đầy sóng gió của ông - nhân chứng của một thời… 
 
Ông Nahria Ya Duck (ngồi giữa) trong ngôi nhà của mình tại Ka Đô
Ông Nahria Ya Duck (ngồi giữa) trong ngôi nhà của mình tại Ka Đô
 
Ngắm Nahria Ya Duck, chúng tôi cảm nhận trên gương mặt đã nhuốm màu thời gian vẫn giữ nguyên nét hào hoa, tinh anh của người trí thức dân tộc thiểu số. Câu chuyện bắt đầu bằng những thước phim quay chậm về ký ức của người đàn ông Cơ Ho này, một con người có một phần đời đã trải qua quá nhiều biến động. Những tình tiết “vật đổi sao dời” trong cuộc sống của một đời người nhưng cũng là một phần sinh động trên bước thăng trầm của vùng đất Tây Nguyên thân yêu giữa lòng nước Việt. Sau khi cùng thắp nén nhang lên bàn thờ người vợ mà Ya Duck vô cùng thương tiếc vừa mất mấy tháng, chúng tôi trở về những năm tháng cũ theo dòng hồi ức của ông…
 
Nahria là một dòng họ lớn trong cộng đồng buôn làng ở vùng Đơn Dương. Sinh ra trong gia đình có thế lực, Ya Duck là một trong số ít thanh niên dân tộc thiểu số được học hành đến nơi đến chốn. Sự áp bức của chế độ ngụy quyền Ngô Đình Diệm đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đẩy những người như Ya Duck tìm đường phản kháng. Sự thúc giục của “lý tưởng Tây Nguyên tự trị” thời đó đã kéo Ya Duck vào rừng và trở thành một sỹ quan thân cận của Ybraham, thủ lĩnh lực lượng Fulro (Fron Unifiée Lutte de la Race Opprimée - cái gọi là “Mặt trận giải phóng dân tộc bị áp bức”). Ya Duck tham gia Fulro giai đoạn đầu từ năm 1964 đến năm 1969. Khi Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, để thỏa hiệp, ông ta đã cho thành lập Bộ Sắc tộc với mục đích lấy người Tây Nguyên cai trị người Tây Nguyên, một trò lừa bịp, mị dân. Ya Duck được thủ lĩnh Fulro phái về tham gia bộ máy của ngụy quyền Sài Gòn và ông trở thành Trưởng ty Sắc tộc tỉnh Tuyên Đức…
 
Tổ quốc thống nhất. Đó cũng là lúc mà những người từng tham gia chế độ cũ như Nahria Ya Duck cảm thấy tột độ hoang mang. Ông tâm sự rằng, lúc đó không hiểu chút gì về chính sách khoan hồng và những ưu việt, nhân đạo của Đảng và chế độ mới. Ông kể lại: “Trong suốt thời gian đó, tôi thường xuyên bị khủng hoảng tinh thần. Ở đâu người ta cũng nói tới một cuộc trả thù đẫm máu của cộng sản. Đảng giải phóng miền Nam nhưng có giải phóng cho tất cả đồng bào Tây Nguyên hay không? Trong khi đó thì những kẻ xấu thường xuyên xúi giục, lôi kéo. Tôi đã tiếp tục vào rừng tham gia Fulro trong một tâm trạng hoang mang như thế…”. Năm 1975, Ya Duck lội rừng từ Đơn Dương lên Lạc Dương để nhận chức “đại tá, tư lệnh” sư đoàn Bidoup của lực lượng Fulro. Năm 1978, ông trở thành một trong những người đứng đầu lực lượng này khi được phong “Đệ nhất Phó Thủ tướng” phụ trách chính trị, ngoại giao. Mãi tới năm 1983, cuộc đời Nahria Ya Duck mới thực sự rẽ sang bước ngoặt tươi sáng khi ông quyết định trở về với Nhân dân, với chính quyền cách mạng. Ông nói: “Cái mà tôi đeo đuổi và hành động như một loài thú hoang suốt bao nhiêu năm là đem lại ấm no và sự bình đẳng cho các dân tộc Tây Nguyên nhưng lại chọn cách làm cực kỳ sai lầm. Thực ra đó là điều mà Đảng, Nhà nước ta đang làm nhưng theo một cách khác và cách đó mới mang lại kết quả tốt đẹp thực sự. Giá mà tôi và nhiều người khác nhận ra được chân lý sớm hơn thì tránh được sự đổ máu vô ích khi Nhân dân ta đã đổ quá nhiều máu trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc!”…
 
Sau khi trở về, Nahria Ya Duck đã thực sự vượt qua được những mặc cảm, những cái hố ngăn cách để xác lập lại chỗ đứng đích thực của mình trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ông trở thành tuyên truyền viên tích cực kêu gọi những tàn quân Fulro đang lẩn khuất, đói khát và bệnh tật trong những cánh rừng sâu trở về với Nhân dân, với chính quyền cách mạng. Và sau đó, với sự tín nhiệm của Đảng và Nhân dân, Ya Duck đã trở thành một cán bộ Mặt trận tích cực. Vị trí công tác của ông được xây dựng bởi một quá trình chuyển biến lâu dài của nhận thức cá nhân, sự độ lượng khoan dung của chế độ và lòng tin yêu của nhân dân các dân tộc. Từng nhiều năm giữ cương vị Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam, đại biểu Quốc hội, Ya Duck đã thực sự có điều kiện để phát huy hết những khả năng của mình vì tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc, no ấm của đồng bào… 
 
 * * *
 
 Cuộc đời của Nahria Ya Duck đã trải qua những bước thăng trầm, biến động. Những chặng đường dài với bao cay đắng, ngọt bùi đã giúp ông định giá chính xác sự tốt đẹp trong cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên mà Đảng, Nhà nước và chế độ ta mang lại. Cuộc đời của chính ông cũng là một minh chứng sinh động của sự thật đó. Ya Duck tâm sự chân thành: “Tôi đã trải qua một thời lầm lỗi, điều đó là có thật. Nhưng tôi đã tìm thấy cho mình con đường sáng và trở về làm lại cuộc đời trong sự bao dung, nhân hậu và trọng dụng của Đảng và Nhân dân. Từ trước đến nay, không có chế độ nào tốt đẹp như chế độ chúng ta đang sống. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã thực sự được tạo điều kiện phát triển bình đẳng với các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam…”.
 
Ya Duck nói rằng, ông rất đau lòng vì những sự kiện Tây Nguyên hồi tháng 2/2001 và tháng 4/2004, khi một bộ phận đồng bào nhẹ dạ, cả tin, bị kẻ xấu lôi kéo vào mưu đồ của chúng tham gia gây rối làm mất trật tự, trị an. Ông cũng tỏ ra rất bức xúc và cực lực phản đối những kẻ mang tâm địa xấu xa trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, chúng biến mình thành công cụ sai khiến của các thế lực thù địch, thực hiện nhiều hoạt động khủng bố hòng kích động, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại cuộc sống đang rất bình yên của đồng bào. “Ksor Kok là ai? Khi tôi vào rừng làm một sỹ quan Fulro thì Ksor Kok là một tên lính ngụy cũng vào rừng và có một thời gian y làm lính bảo vệ cho tôi. Y là kẻ ít học và dễ bị kích động. Tôi nghĩ rằng, chính Kok cũng không hiểu hết hậu quả xấu xa của những công việc mà hắn đang làm. Hắn chính là bóng ma ám ảnh các buôn làng Tây Nguyên, là tay sai điên cuồng của các thế lực ngoại bang thù địch với đất nước ta. Kok và những kẻ tòng phạm đã lừa dối đồng bào mình, lừa dối những người thân tộc và lôi kéo họ vào con đường tội lỗi. Bỏ Tổ quốc làm tên phản động lưu vong trên đất khách đã hàng chục năm rồi, làm sao y biết được những đổi thay kỳ diệu trong cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên hôm nay. Nhưng tôi tin rằng, những kẻ như Ksor Kok sẽ phải bị trả giá bởi đồng bào đã nhận ra bộ mặt thật xấu xa của y, những kẻ tòng phạm cùng y và quan thầy giật dây phía sau chúng…”. Những điều Nahria Ya Duck nói thật sự chí lý, bởi đó là tâm sự mà ông rút ra từ gan ruột, từ sự thật cuộc đời, từ chính những cảm quan cá nhân và hiện thực cuộc sống Tây Nguyên.
 
Thời thuộc Pháp, người Tây Nguyên tăm tối giữa rừng sâu. Cũng như các dân tộc anh em, họ chỉ là những con ong cái kiến, quanh năm suốt tháng làm xâu, làm mướn. Thậm chí, một nhà viết sử nước ngoài đã viết: “Nếu không có người Thượng thì ai khiêng Tây đi, ai gánh đá lát đường”. Thời nước nhà chia cắt, các dân tộc Tây Nguyên bị đối xử bất bình đẳng trong âm mưu đồng hóa, các phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa bị xóa. Những chính sách về dân tộc của chúng là ngu dân, mỵ dân và phục vụ cho ý đồ gây mâu thuẫn, nghi kỵ, chém giết giữa các dân tộc. Chỉ đến khi có ánh sáng của Đảng và nhất là từ ngày nước nhà thống nhất đến nay, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mới thực sự được giải phóng bởi đêm trường đói nghèo, bệnh tật, dốt nát vây hãm. Họ được làm công dân của một nước độc lập, tự do; được sống và phát triển bình đẳng giữa cộng đồng các dân tộc. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tổ chức thực hiện nhiều chương trình và đầu tư những nguồn vốn lớn để phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Điện, đường, trường học, trạm y tế và nhiều công trình phúc lợi khác liên tục mọc lên trên những vùng đất ngày xưa tăm tối. Ngày xưa, tập quán du canh du cư làm cho cuộc sống vô cùng cay cực như những con vượn, con nai nơi triền rừng dốc núi; ngày nay, người Tây Nguyên thực hiện định canh, định cư ổn định cuộc sống, vươn lên lập vườn, lập trang trại làm giàu. Bên cạnh bản sắc văn hóa được bảo tồn, phát huy, đồng bào Tây Nguyên còn được hưởng những chính sách ưu đãi riêng của Đảng và Nhà nước về giáo dục, y tế và các chính sách xã hội khác. Thế nhưng, những thế lực thù địch với đất nước ta vẫn cố tình bôi nhọ, kích động vì đó chính là bản chất xấu xa của chúng. Ông Ya Duck nói: “Chúng ta không ngạc nhiên với những luận điệu của bọn xấu do kẻ thù giật dây, nhưng buồn lòng khi từng có lúc một bộ phận đồng bào đã bị chính kẻ thù của mình lôi kéo vào âm mưu thâm độc của chúng”… 
 
* * *
 
Trong không khí cởi mở, Nahria Ya Duck đã kể lại với chúng tôi một vài chi tiết trong cuộc hội kiến giữa ông và cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Peterson vào hồi tháng 6 - 2001 mà ông coi như một kỷ niệm đáng nhớ. Câu chuyện rất dài, nhưng điều chúng tôi tâm đắc là chính sự thông minh, nhạy cảm của Ya Duck khi trả lời những câu hỏi mà cựu đại sứ Peterson quan tâm. Ngài cựu đại sứ Hoa Kỳ hỏi: “Ngài nói Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, tại sao có một số người lại bỏ trốn sang Campuchia tỵ nạn?”. Ya Duck: “Điều này thì ngài biết rõ hơn tôi!”. Peterson: “Tôi không hiểu vì sao mấy chục năm nay người thiểu số không biết tiếng Kinh mà Chính phủ Việt Nam lại bắt họ nói và viết tiếng Kinh?”. Ya Duck: “Chúng tôi chỉ có một đại dân tộc Việt Nam của 54 dân tộc. Lấy tiếng Kinh làm tiếng phổ thông là do 53 dân tộc anh em cùng lựa chọn chứ không phải do Nhà nước áp đặt. Xin hỏi lại ngài, Hoa Kỳ cũng là một quốc gia đa sắc tộc, tại sao lại sử dụng tiếng Anh làm tiếng phổ thông mà không dùng các thổ ngữ địa phương?”. Kể đến đấy, Nahria Ya Duck lại nở một nụ cười, nụ cười ấy chứa thật nhiều ý nghĩa…
 
UÔNG THÁI BIỂU

Báo Lâm Đồng