Lâm Đồng có bản quyền giống hoa

13/07/2021 08:41 AM


Bằng việc xây dựng Đề án “Nhập khẩu giống hoa có bản quyền phục vụ phát triển ngành sản xuất hoa giai đoạn 2021 - 2025”, Lâm Đồng đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu các giống hoa mới, có giá trị thương mại cao, thích nghi với điều kiện canh tác tại địa phương. 
 
Đà Lạt Hasfarm nhập các giống hoa mới có bản quyền sản xuất để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu
Đà Lạt Hasfarm nhập các giống hoa mới có bản quyền sản xuất để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu
 
Nhu cầu thiết yếu
 
Hiện nay, sản xuất hoa của Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; việc sử dụng giống cũ trong thời gian dài đã dẫn đến năng suất thấp, chất lượng về màu sắc, mùi thơm của hoa chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu giống hoa mới, giống có bản quyền ngày càng tăng. 
 
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 97 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống hoa, hàng năm sản xuất khoảng 2,5 tỷ cây giống. Trong đó, có 1,1 tỷ cây giống được sản xuất từ nuôi cấy mô, 1,4 tỷ cây giống được các vườn ươm nhân giống và người dân tự để giống. Tuy nhiên, thực trạng nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế về công nghệ, quy mô sản xuất cây giống tại nhiều cơ sở chưa đảm bảo chất lượng. 
 
Do vậy, hàng năm một số công ty đã nhập khẩu một số giống hoa mới để phục vụ sản xuất, với số lượng từ 62,44 - 76,82 triệu cây giống (đáp ứng 2,7 - 3,0% nhu cầu của tỉnh) chủ yếu từ các nước Hà Lan, Bỉ, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp... Với diện tích sản xuất hoa hàng năm khoảng 8.500 - 9.000 ha, nhu cầu giống của Lâm Đồng rất lớn (khoảng 2,5 - 2,8 tỷ hạt, cây, củ, ngọn), do đó số lượng còn lại hàng năm phải nhập khẩu mới đáp ứng nhu cầu về lượng giống hoa phục vụ sản xuất của tỉnh. Ngoài ra, thị hiếu người tiêu dùng luôn thay đổi theo thời gian, ưa chuộng các sản phẩm của nước ngoài với các giống hoa mới, màu sắc lạ, nổi bật... Do đó, hàng năm phải nhập khẩu các giống mới để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
 
Ông Lại Thế Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho rằng, chúng ta phải đặt ra câu hỏi là tại sao với điều kiện tốt như Đà Lạt - Lâm Đồng lại không trồng các loại hoa chất lượng để cung ứng ra thị trường. Và, bản quyền giống hoa, nó quyết định đến chất lượng sản phẩm làm ra và nông dân phải ý thức được điều này thì sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
 
Bản quyền giống để xuất khẩu
 
Sản phẩm hoa các loại xuất khẩu là những sản phẩm hoa được sản xuất từ những giống nhập khẩu có bản quyền, chủ yếu xuất sang một số nước như Nhật Bản (60%), Úc (3,3%), Đài Loan (3,1%), Trung Quốc (2%); ngoài ra, ở các nước như: Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Hà Lan, Philippin, Singapore, Pakistan, Nga, Campuchia… với lượng nhỏ. Hoạt động xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các công ty TNHH trong nước có khả năng khai thác thị trường tốt như Đà Lạt Hasfarm, Bonnie Farm, Rừng hoa Đà Lạt, Linh Ngọc, Trường Hoàng…; trong đó, Công ty Đà Lạt Hasfarm xuất khẩu chiếm trên 50% tổng sản lượng lượng hoa của toàn tỉnh.
 
Mặc dù do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu hoa năm 2020 của Lâm Đồng vẫn đạt 62,7 triệu USD, sản lượng khoảng 329,9 triệu cành.
 
Trong khi đó, đa số các hộ nông dân Đà Lạt trồng hoa bằng nguồn giống được nhân giống từ các vườn ươm, không có bản quyền, chủ yếu là dân tự làm giống hoặc do các cơ sở nuôi cấy mô nhân giống tự phát nên việc xuất khẩu thiếu cơ sở pháp lý, gặp vấn đề về bản quyền cây giống. 
 
Việc nhập nội giống hoa mới chưa kịp phân tích nguy cơ dịch hại PRA là bước đi cần thiết để Lâm Đồng “đi tắt đón đầu công nghệ giống mới”, đồng thời giúp ngành sản xuất hoa của tỉnh tiến xa hơn trên con đường hội nhập quốc tế, khai thác tốt những cơ hội mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA);... 
 
Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, để nâng cao giá trị hoa Lâm Đồng, chủ động hội nhập quốc tế, vấn đề đặt ra là cần nhập nội một số giống để khảo nghiệm và mua bản quyền các loại giống có hiệu quả, năng suất, chất lượng và có khả năng xuất khẩu.
 
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Lâm Đồng sẽ nhập nội và đưa vào trồng khảo nghiệm các giống hoa mới, mỗi năm trung bình 46 - 66 giống hoa mới phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đồng thời phù hợp với điều kiện phát triển tại địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất hoa đạt 10.800 ha gieo trồng với sản lượng khoảng 4 tỷ cành và 500 triệu chậu hoa các loại; tỷ lệ diện tích sản xuất hoa từ các giống có bản quyền đạt 35 - 40%; tỷ lệ hoa xuất khẩu của tỉnh đạt 15 - 20% trên tổng sản lượng hoa toàn tỉnh.
 
HOÀNG YÊN

Báo Lâm Đồng