BHXH Lâm Đồng từng bước đẩy mạnh độ bao phủ BHYT
25/06/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhân ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 01/7/2018, Đài phát thanh truyền hình tỉnh Lâm Đồng đã có buổi phỏng vấn với bà Bùi Thị Nga Giang - Phó Giám đốc BHXH tỉnh trong việc đẩy nhanh độ bao phủ BHYT toàn dân tại tỉnh Lâm Đồng.
Phóng viên: Thưa bà, BHYT là một trong những chính sách trụ cột của hệ thống An sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta, là quyền lợi sát sườn của mỗi gia đình, mỗi người dân. Vậy sau hơn 3 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT xin bà cho biết một số kết quả nổi bật của việc thực hiện chính sách BHYT trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân tại địa phương?
Bà Bùi Thị Nga Giang: Vâng, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 theo hướng mở tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT như: Bỏ và giảm mức cùng chi trả cho một số nhóm đối tượng, mở rộng danh mục thuốc, VTYT; danh mục DVKT; mở thông tuyến KCB, quyền lợi được hưởng khi tham gia BHYT liên tục 5 năm...Vì vậy, chỉ sau hơn 3 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT trong cả nước nói chung và tại tỉnh Lâm Đồng nói riêng đã tăng trưởng khá nhanh. Năm 2014 toàn tỉnh mới chỉ có 64% dân số tham gia BHYT tương ứng với 806 ngàn người thì đến năm 2017 đã có 1.023 ngàn người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân trên địa bàn 78,8%. Trong 06 tháng đầu năm 2018 số người tham gia BHYT của tỉnh đã tăng lên 1.026 ngàn người, với số người tăng trên 2.500 người so với năm 2017.
Để đạt được kết quả như trên trước hết phải nói rằng đó là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn, sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị của tỉnh nhà, đặc biệt là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020”. Đó là sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của BHXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao của các sở, ban, ngành tại địa phương trong thực hiện lộ trình BHYT toàn dân; đã tạo nên một sự chuyển biến căn bản, toàn diện từ tư duy, ý thức, trách nhiệm đến hành động thiết thực, cụ thể đối với các cấp, các ngành trong thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, vì phát triển bền vững kinh tế phải đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội.<
Bên cạnh đó, các yếu tố liên quan mật thiết tới công tác tổ chức thực hiện có rất nhiều chuyển biến tích cực, đó là sự đổi mới mạnh mẽ của Ngành Y tế từ tinh thần, thái độ phục vụ, coi người bệnh là trung tâm để phục vụ, chất lượng KCB BHYT ngày càng được cải thiện, người dân đi KCB được hưởng lợi nhiều hơn khi mà nhiều DVKT y tế mới, DVKT chuyên sâu, chuyên ngành đã được triển khai tại các BVĐK, chuyên khoa tuyến tỉnh và tất cả các DVKT này đều được Quỹ BHYT chi trả. Sự nỗ lực của cơ quan BHXH từ tỉnh đến huyện , từ việc tăng cường truyền thông chính sách BHYT, mở rộng mạng lưới đại lý thu BHYT, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của cơ quan BHXH trong đó có thanh toán chi phí KCB với các cơ sở KCB trên hệ thống thông tin giám định BHYT của ngành; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thu nộp BHYT đến việc sử dụng Quỹ BHYT cũng được thực hiện một cách toàn diện, không ngừng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người tham gia BHYT...hướng đến sự hài lòng của mọi người dân khi tham gia BHYT.
Về kết quả thực hiện KCB và chi trả quỹ BHYT của tỉnh. Năm 2015 năm đầu tiên thực hiện Luật BHYT sửa đổi bổ sung, toàn tỉnh đã có trên 1,7 triệu lượt người có thẻ BHYT đi KCB, với chi phí KCB mà cơ quan BHXH đã thanh toán cho cơ sở KCB là: 517,1 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã có trên 2,1 triệu lượt đi KCB với chi phí KCB là 798 tỷ đồng tăng 54% so với năm 2015 tương đương số tiền tăng là 281 tỷ đồng. Trung bình một người tham gia BHYT hằng năm đã đi KCB là 2,1 lần; quyền lợi của người tham gia BHYT cơ bản được đảm bảo, nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo đã được quỹ BHYT chi trả từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.
Phóng viên: Với những kết quả đạt được của ngành BHXH như bà vừa cho biết, tuy nhiên tỷ lệ tham gia BHYT của nhân dân tỉnh nhà đến nay vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Vậy trong thời gian tới, BHXH tỉnh có những giải pháp gì để tiếp tục đẩy nhanh độ bao phủ BHYT, tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2020 mà chính phủ đã giao thưa bà?
Bà Bùi Thị Nga Giang : Thực hiện kế hoạch phát triển BHYT toàn dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1167 ngày 28/6/2016, cụ thể: năm 2018 tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân của tỉnh phải đạt 82,6% và đến năm 2020, toàn tỉnh có 90% dân số tham gia BHYT. Để đạt mục tiêu này, BHXH tỉnh Lâm Đồng chú trọng thực hiện các giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mọi người dân nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội và xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các chương trình nhiệm vụ công tác hằng năm của BHXH tỉnh.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với chính sách BHYT và dịch vụ KCB; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các mặt công tác của đơn vị, nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ người dân tham gia BHYT;
Ba là, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong thu nộp BHYT và các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ KCB BHYT đối các tập thể, cá nhân vi phạm. Kịp thời, động viên khen thưởng các đơn vị, địa phương, cá nhân và tập thể thực hiện tốt chính sách BHYT.
Bốn là, Phối hợp tốt với ngành y tế trong việc nâng cao chất lượng KCB, đặc biệt là chất lượng KCB tại tuyến y tế cơ sở, giúp người dân tiếp cận gần nhất, nhanh nhất với y tế cơ sở khi không may bị ốm đau bệnh tật. Tiếp tục cải tiến quy trình KCB nhằm thay đổi căn bản tinh thần, thái độ, tác phong phục vụ người bệnh của cán bộ, nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người tham gia BHYT.
Năm là, tiếp tục phối hợp các Sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh có giải pháp, chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với hộ gia đình làm nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình, người tham gia BHYT theo hộ gia đình; học sinh, sinh viên là con em người đồng bào dân tộc không sinh sống tại vùng có điều kiên kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và một số nhóm đối tượng khác.
Sáu là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác BHYT đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ được giao.
Phương Trà lược ghi.
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...