Nhìn lại năm 2015: Bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau
22/12/2015 08:09 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc tại nước ngoài đáp ứng yêu cầu thị trường. “Không để ai bị bỏ lại phía sau và hành động của Việt Nam” là chủ đề hưởng ứng mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đến năm 2030 mà Việt Nam đưa ra nhân Ngày Quốc tế phòng, chống đói nghèo và Ngày vì người nghèo Việt Nam (17-10). Và thực tế để giải quyết việc “không có ai bị bỏ lại phía sau” đòi hỏi Việt Nam phải có nhiều đổi mới và những giải pháp tổng thể, mạnh mẽ trong các vấn đề an sinh xã hội hiện nay…
Đổi mới phương pháp tiếp cận nghèo đa chiềuTháng 9-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1614/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Đây là phương pháp tiếp cận mới được quốc tế khuyến nghị các nước áp dụng để giải quyết tình trạng nghèo và Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á tiên phong áp dụng và thực hiện.
Việc đổi mới phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều với mục tiêu là cùng các giải pháp hỗ trợ tạo sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận của người dân về các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là các dịch vụ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin. Đồng thời, đánh giá, phân loại được đối tượng hộ nghèo để có các giải pháp hỗ trợ toàn diện hơn. Có thể thấy, với cách tiếp cận mới, chuẩn nghèo đa chiều được kỳ vọng bảo đảm được mức sống tối thiểu và tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản cho mọi người dân.
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung vào việc đổi mới hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, kém hiệu quả như hiện nay. Chính sách giảm nghèo cần phát huy được vai trò tham gia của cộng đồng, khơi dậy ý thức vươn lên thoát nghèo của chính người nghèo. Đồng thời, hạn chế các chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách cho vay có điều kiện, có thời hạn hoàn trả. Thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, ưu tiên các chính sách hỗ trợ đối với phụ nữ và trẻ em nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số, mở rộng các chính sách đối với hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo… Trong thời gian tới sẽ tập trung, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các vùng còn khó khăn, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để hạn chế gia tăng khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư. Đồng thời, sẽ chủ động giao nguồn vốn đầu tư trung hạn (5 năm) cho các địa phương để tự chủ động; tổ chức huy động đa dạng các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đề ra, nhất là các nguồn lực từ cộng đồng… Đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho cơ sở, cộng đồng, tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân cả trước, trong và sau quá trình thực hiện.
Thương lượng tiền lương và mức sống tối thiểu
Năm 2015, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã phải trải qua ba vòng đàm phán khá căng thẳng mới có thể “chốt” được con số cuối cùng về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Có thể, chúng ta sẽ bất ngờ trước sự khác nhau về mức tăng lương tối thiểu mà đại diện người sử dụng lao động và công đoàn đưa ra, điều này thật dễ hiểu khi các bên đều đang đại diện cho lợi ích thành viên của họ.
Tuy nhiên, có thể thấy, từ năm 2013 khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia thành lập cho đến nay, qua mỗi kỳ họp, đại diện của người sử dụng lao động và người lao động đang tiến đến gần với nhau hơn trong quá trình thương lượng. Điều này được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá cao vai trò của Hội đồng Tiền lương Quốc gia khi đưa các bên chủ chốt cùng ngồi lại trình bày và thảo luận về quan điểm của các bên, đánh giá những yếu tố kinh tế - xã hội quan trọng ảnh hưởng tới đất nước, lắng nghe luận điểm của đối phương và cố gắng đạt được một sự đồng thuận nào đó. Đây được xem là động thái tích cực, cho thấy sức mạnh của quy trình thương lượng. Trong đó, Chính phủ cũng đã đóng vai trò then chốt trong việc điều phối hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Tuy nhiên, việc bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) vẫn còn là câu chuyện phải bàn, khi mức lương tối thiểu của NLĐ vẫn chưa tiệm cận với mức sống tối thiểu. Khoảng cách trong đề xuất của người sử dụng lao động và công đoàn trong những năm gần đây phần nào phản ánh sự khác biệt trong việc xác định thời hạn của lộ trình đó. Đánh giá về vấn đề này, ILO cho rằng, khi tiền lương tối thiểu tại Việt Nam đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu thì tốc độ tăng lương sẽ trở nên gắn kết với năng suất. Trong nền kinh tế thị trường, tăng cường thương lượng tập thể về tiền lương giữa người sử dụng lao động, NLĐ và đại diện của họ tại cấp doanh nghiệp, cấp vùng và cấp ngành có thể tạo ra hàng loạt lợi ích cho cả doanh nghiệp và NLĐ. Quá trình này giúp thiết lập mức lương linh hoạt cho NLĐ phù hợp với những nhu cầu cụ thể của từng ngành và doanh nghiệp. Đồng thời đây cũng là giải pháp có lợi cho cả hai bên và tạo ra sự linh hoạt trong việc đối phó với các cú sốc kinh tế, thúc đẩy năng suất và chia sẻ lợi ích.
Bên cạnh đó, việc đổi mới chính sách tiền lương cần phải đồng bộ, cùng với việc xây dựng chính sách tiền lương đối với khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng cần xem xét và đổi mới chính sách tiền lương khu vực hành chính sự nghiệp. Việc đổi mới chính sách tiền lương khu vực này cần phải xem xét, tính toán tới việc tinh giản bộ máy hưởng lương từ ngân sách nhà nước để hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời bảo đảm mức sống của cán bộ công chức, viên chức.
Khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, có chứng chỉ nghề và có kỹ năng làm việc chỉ chiếm khoảng 15,5% tổng số lao động xuất khẩu của Việt Nam. Theo ILO, thị trường lao động thế giới đang phát triển rất nhanh, tăng gấp bốn lần từ năm 1980 đến nay và dự báo sẽ tăng gấp hai lần vào năm 2050. Tại các nước đang phát triển vẫn cần lao động có tay nghề, kỹ năng nghề cao. Đây là cơ hội để Việt Nam phát triển thị trường xuất khẩu lao động một cách bền vững vào những năm tới.
Bảo vệ quyền lợi NLĐ làm việc tại nước ngoài
Năm 2015, cả nước xảy ra hơn 250 vụ lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ) với hàng nghìn nạn nhân, kéo theo kết quả là hàng nghìn gia đình lâm vào cảnh khốn cùng, khó khăn do phải vay mượn với lãi suất cao, nhiều gia đình cắm cả sổ đỏ, nhà đất cho ngân hàng, vay mượn “tín dụng đen”... Nạn nhân thường ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thiếu thông tin và không phân biệt được hoạt động của các công ty XKLĐ “ma”.
Còn đối với các doanh nghiệp được cấp phép chính thức trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, năm 2015, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng nhiều lần phải thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động, xử phạt hành chính một số doanh nghiệp do vi phạm các hoạt động XKLĐ, như thu phí cao, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý lao động… Vụ việc, 4.000 lao động Việt Nam được đưa sang làm vệ sĩ tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) phải làm thủ tục về nước trước hạn tháng 7 vừa qua, mà nguyên nhân của việc bị trả về là do lao động tụ tập ăn nhậu, gây rối làm mất an ninh trật tự. Hay mới đây là vụ 55 lao động Việt Nam làm việc ở An-giê-ri phải về nước trước hạn do bị chủ sử dụng lao động là nhà thầu Trung Quốc hành hung và không thỏa thuận công việc đúng theo hợp đồng. Điều này cho thấy, dù lỗi từ phía doanh nghiệp XKLĐ hay NLĐ thì vấn đề tuyển dụng, bảo vệ quyền lợi NLĐ khi đi làm việc tại nước ngoài là vấn đề rất cần phải được quan tâm trong bối cảnh Việt Nam có số lượng lao động di cư ngày càng gia tăng.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, Hiệp hội Xuất khẩu lao động (VAMAS) đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài từ năm 2010. Bộ quy tắc được coi là công cụ, quy định về chuẩn nghề nghiệp, chuẩn đạo đức nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ, đồng thời giúp bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ. Năm 2015, đã có 66 doanh nghiệp XKLĐ trong số 240 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tự nguyện tuân thủ Bộ Quy tắc ứng xử của Hiệp hội Xuất khẩu lao động (VAMAS) được xếp hạng. Trong đó, có tới hơn một phần ba số doanh nghiệp được xếp hạng 5 sao, nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào được xếp hạng tối đa 6 sao. Số doanh nghiệp tham gia tăng gấp ba lần so với lần xếp hạng đầu tiên. Chủ tịch VAMAS Nguyễn Lương Trào cho biết: Các doanh nghiệp tham gia giám sát, đánh giá đã có những chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện các quy chế hoạt động hướng theo chuẩn mực của Bộ Quy tắc ứng xử. Một số doanh nghiệp đã giảm chi phí cho lao động di cư, chuẩn bị tốt về kiến thức và kỹ năng cho NLĐ trước khi xuất cảnh, quản lý lao động khi ở nước ngoài và hỗ trợ lao động về nước.
Nhờ thực hiện tốt các quy tắc của Bộ Quy tắc ứng xử, nhiều doanh nghiệp XKLĐ đã được đối tác tin tưởng đầu tư thiết bị giảng dạy và đào tạo, giúp lao động vững tay nghề khi ra nước ngoài làm việc, giảm các rủi ro có thể xảy ra. Những doanh nghiệp này chính là địa chỉ tin cậy để NLĐ tìm đến. Đồng thời, đã đến lúc, các doanh nghiệp tham gia công tác XKLĐ cần phải có ý thức xây dựng “thương hiệu” cho lao động Việt Nam. Các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng đào tạo, giúp NLĐ thấy rõ trách nhiệm và quyền lợi của họ khi ký kết hợp đồng lao động, cũng như giữ gìn hình ảnh NLĐ Việt Nam khi đi làm việc tại nước ngoài.
Theo Quyết định 59/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020: các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 gồm tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, mức chuẩn nghèo về thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, gồm có năm dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Với các tiêu chí này, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều của cả nước sẽ là khoảng 12% và tỷ lệ hộ cận nghèo là 6%.
Theo Nghị định số 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2016. Theo đó, từ ngày 1-1-2016, sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng I: 3.500.000 đồng/tháng; vùng II: 3.100.000 đồng/tháng; vùng III: 2.700.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng. Mức tăng này cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng năm 2015 là 12,4%.
Đồng thời, tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách năm 2016, trong đó có việc tăng lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1-5-2016.
Theo Nhân dân
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT