Xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa doanh nghiệp và người lao động
23/11/2015 03:08 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ảnh minh họa. Doanh nghiệp nào có công đoàn cơ sở vững mạnh, người lao động được đối thoại thường xuyên với chủ doanh nghiệp để giải quyết các mâu thuẫn, thì nơi đó không xảy ra tranh chấp, ngừng việc tập thể, hay đình công tự phát...
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi năm xảy ra 450 vụ ngừng việc tập thể và đình công. Số vụ tăng giảm tùy theo từng năm, nhưng tính chất, quy mô thì ngày càng diễn biến phức tạp, không còn là hiện tượng, mà đã trở thành một thực trạng đáng quan tâm. Gần như 100% cuộc đình công, ngừng việc tập thể đều là tự phát, không có sự tham gia của tổ chức công đoàn, phần lớn các cuộc ngừng việc đều xuất phát từ việc vi phạm các quy định về pháp luật lao động của doanh nghiệp. Trong đó, 80 - 90% liên quan đến chế độ tiền lương như mức lương thấp, không được tăng lương theo cam kết, bị nợ lương… Ngoài ra, môi trường làm việc chưa bảo đảm; người lao động không được ký hợp đồng lao động và tham gia BHXH, BHYT đúng quy định...
Theo nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Cường, người lao động vẫn thường sử dụng công cụ đình công, ngừng việc tập thể như là thứ “vũ khí” đầu tiên khi họ bức xúc với doanh nghiệp. Nguyên nhân là do cơ chế thương lượng giữa doanh nghiệp và người lao động chưa có hoặc có nhưng không hoàn chỉnh. Người lao động không được đối thoại, không được nêu bức xúc của mình. Vì vậy, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Cường đề xuất giải pháp, ngoài việc tổ chức những buổi đối thoại với người lao động, doanh nghiệp cũng cần xây dựng thỏa ước lao động tập thể công bằng, minh bạch để doanh nghiệp và người lao động căn cứ vào những nội dung đã cam kết, có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhằm hạn chế phát sinh mâu thuẫn giữa hai bên trong tương lai. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động tới người lao động để người lao động không tham gia đình công, ngừng việc tập thể tự phát. Đặc biệt, doanh nghiệp cần phát huy vai trò lãnh đạo, đại diện của công đoàn cơ sở để họ đại diện người lao động đòi lại quyền lợi cho người lao động. Để làm được điều đó, cần xây dựng cơ chế chi trả tiền lương cho cán bộ công đoàn độc lập với doanh nghiệp để cán bộ công đoàn có thể tập trung làm việc, đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động, mà không lo bị mất việc, cắt lương./.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT