Bảo đảm thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội

17/11/2015 09:51 AM


Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, trong 2,5 ngày (từ ngày 16 đến 18/11/2015), các đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Về việc thực hiện các chính sách xã hội, Báo cáo thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015, do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày nêu rõ:

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, nội dung giám sát chuyên đề và chất vấn của Quốc hội về các chính sách xã hội tập trung vào công tác giảm nghèo, chính sách người có công, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề và thực hiện chính sách BHXH.

Chính phủ đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo bền vững, tập trung vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn đặc biệt khó khăn. Hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nhà ở, cấp thẻ BHYT, miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí cho học sinh dân tộc thiểu số, tín dụng ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh sinh viên... Đã ban hành chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng gắn với giảm nghèo ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 4,5%, riêng các huyện nghèo còn dưới 30%. Tiếp tục hoàn thiện và tích cực thực hiện chế độ, chính sách người có công, đẩy nhanh tiến độ xét duyệt hồ sơ tồn đọng. Cơ bản hoàn thành tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công đối với gần 2,1 triệu người; hỗ trợ về nhà ở cho trên 72 nghìn hộ. Tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; thực hiện các đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Trong giai đoạn 2011 - 2015, đã đưa trên 450 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài. Thúc đẩy mở rộng thị trường, nhất là thị trường có thu nhập cao. Đẩy mạnh công tác đào tạo, dạy ngoại ngữ; hỗ trợ các huyện nghèo xuất khẩu lao động. Kịp thời đưa người lao động về nước an toàn khi xảy ra xung đột ở nước sở tại. Tăng cường quản lý nhà nước; thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Tổ chức, sắp xếp lại các trung tâm đào tạo nghề và giáo dục thường xuyên trên địa bàn cấp huyện. Đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới chương trình, giáo trình và định hướng dạy nghề theo nhu cầu xã hội. Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách dạy nghề; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở địa bàn đặc biệt khó khăn; nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, tuyển mới dạy nghề đạt khoảng 9,2 triệu lượt người, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho gần 2,4 triệu lao động nông thôn.

Về lĩnh vực y tế, Quốc hội khóa XIII tập trung giám sát chuyên đề và chất vấn về các lĩnh vực: đầu tư cho y tế, chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện chính sách BHYT, quản lý thuốc chữa bệnh và cơ sở y tế tư nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính phủ  đã ưu tiên bố trí khoảng 7% tổng chi ngân sách nhà nước (7,6% nếu tính cả trái phiếu Chính phủ) và đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích hợp tác công - tư đầu tư phát triển hệ thống cơ sở y tế. Triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện; nâng cấp cơ sở vật chất; phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ y tế xuống cơ sở... Ưu tiên sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn ODA cho các trạm y tế xã. Nâng cao y đức, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế. Tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân; kiểm tra, giám sát việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động. Tích cực thực hiện Luật BHYT; nâng mức hỗ trợ tham gia BHYT cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo; khuyến khích mua theo hộ gia đình; góp phần giảm chi phí của người bệnh có BHYT. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng BHYT. Đến cuối năm 2015, phấn đấu tỷ lệ tham gia BHYT đạt 75% dân số. Tăng cường các biện pháp quản lý thuốc chữa bệnh, nhập khẩu trang thiết bị, vật tư y tế; thực hiện quy định về kê khai, công bố, niêm yết giá. Cải cách đấu thầu thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch, giảm được giá nhiều loại thuốc. Phát triển công nghiệp dược, khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước. Thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Triển khai các đề án Đẩy mạnh sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau an toàn; bảo đảm vệ sinh an toàn trong vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm. Triển khai hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm vi phạm. Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng khám chữa bệnh còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở tuyến cơ sở; tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trung ương chưa được khắc phục căn bản. Việc thanh toán khám chữa bệnh bằng BHYT, quản lý và đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế còn bất cập. Một số cơ sở y tế chưa thực hiện nghiêm việc niêm yết, kê khai giá theo quy định. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém. Triển khai thực hiện chính sách, pháp luật; đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân tham gia BHXH. Số người tham gia BHXH tăng từ 9,7 triệu năm 2011 lên trên 12 triệu năm 2015. Tuy nhiên, một số chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Chưa giải quyết dứt điểm vướng mắc, tồn đọng trong thực hiện chính sách người có công. Còn tình trạng lao động làm việc ở nước ngoài vi phạm pháp luật; chưa đạt mục tiêu đề ra đối với xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu dạy nghề; chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề còn hạn chế, nhất là đối với lao động nông thôn.

Trong quá trình chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ nhiều ý kiến đánh giá,  đặt câu hỏi với các thành viên Chính phủ xoay quanh nhiều vấn đề được cử tri cả nước quan tâm, thuộc các lĩnh vực như giáo dục, nông nghiệp, tài nguyên môi trường...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Liên quan đến vấn đề cải cách hành chính, giảm số giờ giao dịch thuế, BHXH, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng khẳng định các biện pháp thực hiện đang được đẩy mạnh; dự kiến hết năm 2015 sẽ đạt mục tiêu bằng nhóm các nước ASEAN +6, hết năm 2016 đạt mục tiêu bằng nhóm các nước ASEAN +4.

Khác với các kỳ họp trước, hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 10 không chỉ chọn một số vấn đề được cử tri và đại biểu quan tâm mà sẽ đánh giá toàn bộ việc thực hiện của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đối với các nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến năm 2015. Bên cạnh Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, tất cả các thành viên Chính phủ đều có mặt, khi đại biểu chất vấn liên quan đến trách nhiệm của vị nào, thì vị đó sẽ được mời trả lời trực tiếp. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu làm rõ thêm một số nội dung liên quan và trực tiếp trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội.

Nguồn TC BHXH