Phối hợp bảo vệ quyền lợi của người lao động

03/11/2015 03:33 AM


Người lao động thiếu am hiểu các quy định của pháp luật lao động, đặc biệt là những quy định liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH). Người sử dụng lao động không am hiểu hoặc cố tình làm trái những quy định liên quan đến BHXH, dẫn tới tình trạng vi phạm pháp luật, nợ đọng, trốn đóng BHXH xảy ra ở nhiều nơi. Để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, ngành BHXH và Tổng Liên đoàn Lao động đã phối hợp thực hiện các chính sách liên quan đến vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp.

Quy chế phối hợp được ngành BHXH và Liên đoàn Lao động tiến hành từ năm 2012. Tính đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị, xây dựng sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Trong công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại tố cáo và tranh chấp về BHXH, BHYT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và BHXH Việt Nam đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật tại nhiều tỉnh, thành. Tại các địa phương, cơ quan BHXH và Tổng Liên đoàn Lao động cũng đã tiến hành hàng nghìn cuộc kiểm tra giám sát tại các đơn vị sử dụng lao động và các cơ sở khám, chữa bệnh, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hành vi sai phạm về BHXH, BHYT đồng thời tư vấn cho hàng nghìn trường hợp về chế độ BHXH, BHYT.

nld 031115.jpg
Người lao động cần được quan tâm, được thụ hưởng đầy đủ các chế độ về bảo hiểm tốt hơn nữa

Năm 2015, ngành BHXH và Tổng Liên đoàn Lao động còn phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra BHXH tại 60 doanh nghiệp trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố với số tiền thu nợ BHXH lên đến hàng chục tỷ đồng. BHXH tỉnh, thành phố và Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đã phối hợp tổ chức 1.185 lớp tuyên truyền, tập huấn đối thoại trực tiếp về chính sách BHXH, BHYT cho 226 ngàn người lao động tại các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chính sách pháp luật về chính sách BHXH, BHYT của người lao động, người sử dụng lao động cũng như các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của đại diện BHXH Việt Nam thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là việc phối hợp trong nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người lao động ở các doanh nghiệp nợ, chậm đóng, vi phạm pháp luật về BHXH, chưa hiệu quả. Sự trao đổi thông tin giữa hai ngành tại một số địa phương chưa được thường xuyên. Do đó, việc phát hiện và giải quyết các vi phạm trong thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT cho người lao động chưa đạt yêu cầu.

Trong thời gian tới, sự phối hợp giữa hai ngành sẽ bắt đầu từ việc phân công, phân nhiệm rõ ràng hơn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện việc khởi kiện ra Tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động. BHXH Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ và phối hợp với bên Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trong việc khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH và tham gia tố tụng tại Tòa án với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai quy chế phối hợp trong tình hình mới. Hy vọng, trong giai đoạn 2015 - 2020, các chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT nói riêng và an sinh xã hội nói chung cho người lao động sẽ được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Theo BVPL