Tăng cường bảo vệ tài chính hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe nhân dân
28/10/2015 02:21 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là một trong những mục tiêu được đưa ra tại Hội thảo tham vấn về định hướng Kế hoạch 5 năm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 28/10/2015. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia của các tổ chức quốc tế, đại diện một số Cục, Vụ, Viện của Bộ Y tế và đại diện của 10 Sở Y tế. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn và Trưởng nhóm Hệ thống y tế, Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam – TS Socorro Escalante chủ trì Hội thảo.
Nhiều thành tựu quan trọng
Theo đánh giá của Bộ Y tế, Kế hoạch chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 – 2015 ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tình trạng sức khỏe nhân dân được cải thiện rõ rệt. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đã đạt và vượt mức kế hoạch.
Hệ thống y tế Việt Nam tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện, phát triển, đồng thời y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, y tế công lập và ngoài công lập, trong đó y tế công lập giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo các nhiệm vụ, các lĩnh vực mà tư nhân không hoặc ít có điều kiện tham gia như y tế dự phòng, y tế công cộng, điều trị các bệnh xã hội, hiểm nghèo, phục vụ đại trà mọi đối tượng, bảo đảm ở vùng núi, vùng sâu, vùng khó khăn đều có cơ sở y tế để phục vụ người dân. Mạng lưới y tế công lập hiện nay được triển khai rộng khắp từ thôn/bản, xã/phường, huyện (mạng lưới y tế cơ sở) đến tuyến tỉnh và Trung ương. Các cơ sở y tế đã và đang được củng cố, hoàn thiện và phát triển, được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong ít nước có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, rộng khắp, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Năng lực dự báo, giám sát và phòng chống dịch bệnh được nâng lên; đã ngăn chặn và khống chế được nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tuổi thọ trung bình năm từ lúc sinh tiếp tục tăng hàng năm, năm 2010 là 72,9 tuổi, năm 2014 tăng lên 73,2 tuổi.
Việt Nam là một trong mười quốc gia được Liên Hợp quốc đánh giá “đạt tiến độ” trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ - trẻ em. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 01 tuổi giảm từ 15,5% năm 2011 xuống còn 14,9% năm 2014; Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 05 tuổi giảm từ 23,3% năm 2011 xuống còn 22,44% năm 2014; Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm bền vững qua các năm, từ 16,8% năm 2011 xuống còn 14,5% năm 2014 và vượt mục tiêu thiên niên kỷ là 20,5% vào năm 2015.
Lĩnh vực Dược đã có một số kết quả tích cực, thuốc sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ gần 50%. 10/11 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được sản xuất trong nước. Chính sách tài chính y tế đã có nhiều đổi mới, tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của NSNN và đạt khoảng 7 – 8% tổng chi ngân sách. Thực hiện từng bước lộ trình tính đúng, tính đủ giá DVYT để chuyển dần ngân sách phân bổ cho cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT;…
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng nhận định, giai đoạn 2011 – 2015, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng còn những tồn tại, hạn chế như: Đầu tư của Nhà nước cho y tế chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, chưa có nguồn vốn đầu tư cho Trạm y tế xã và Y tế dự phòng huyện, tỷ lệ chi tiền túi cho sức khỏe của nhân dân còn cao; Năng lực mạng lưới cho y tế cơ sở còn hạn chế, người dân chưa tin tưởng nên vượt tuyến, gây quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; Vẫn còn gần 30% dân số chưa tham gia BHYT; Khả năng tiếp cận của các cơ sở y tế tư nhân với chính sách ưu đãi còn nhiều khó khăn; Giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ; cơ chế tài chính chậm được đổi mới; chưa có các mô hình, phương thức quản trị bệnh viện công phù hợp;…
Để khắc phục những hạn chế của giai đoạn 2011 – 2015, để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách tốt nhất, Dự thảo Kế hoạch 5 năm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016 – 2020 đặt ra mục tiêu chung là tiếp tục xây dựng hệ thống y tế Việt Nam theo hướng chất lượng, hiệu quả, công bằng và bền vững; Củng cố và nâng cao hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng cường tài chính hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao thể chất và sức khỏe của người dân.
Trên cơ sở đó, Dự thảo Kế hoạch cũng đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này như: Tăng cường mạng lưới y tế cơ sở, tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng như: đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị; củng cố, ổn định tổ chức, đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực quản lý y tế cơ sở. Mở rộng diện bao phủ của các dịch vụ y tế, cung ứng dịch vụ lồng ghép lấy người dân làm trung tâm. Giảm tải bệnh viện và nâng cao chất lượng dịch vụ KCB. Đổi mới cơ chế tài chính và thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Phát triển sản xuất và tăng cường đầu tư, sử dụng có hiệu quả dược, vắc xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới ngành y tế; tăng cường năng lực quản lý của ngành y tế.
Đảm bảo tài chính y tế gắn với lộ trình BHYT toàn dân
Dự thảo Kế hoạch nêu rõ, cơ chế hoạt động, tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có nhiều đổi mới với ba chính sách thiết yếu: Nghị định số 85/2012 đưa ra lộ trình thực hiện tự chủ toàn phần và tính đủ giá dịch vụ KCB đối với các đơn vị sự nghiệp và y tế công lập; Thông tư Liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế, Bộ Tài chính sửa đổi khung giá một số dịch vụ KCB trong các cơ sở KCB của Nhà nước; Nghị quyết số 93/NQ-CP ban hành cơ chế tăng cường phối hợp công tư, phát triển y tế.
NSNN vẫn được bố trí theo các nhiệm vụ chi thường xuyên cho y tế mặc dù Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn kinh tế vĩ mô. Trong giai đoạn 2010 – 2014, tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn so với tốc độ tăng chi trung bình của NSNN và đạt khoảng 7 – 8% tổng chi ngân sách. Trong bối cảnh các nguồn viện trợ của Việt Nam có xu hướng bị cắt giảm, ngành y tế vẫn tăng cường huy động các nguồn, vẫn duy trì được ở mức 1,5% tổng chi y tế. Xã hội hóa các hoạt động y tế được đẩy mạnh và đã đạt được một số kết quả tích cực như: phát triển kỹ thuật, trang bị được nhiều loại thiết bị hiện đại.
Ưu tiên đầu tư phát triển y tế ở vùng nghèo, vùng núi, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách trong KCB. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 14/2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 139/QĐ-TTg về KCB cho người nghèo, trong đó tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ KCB cho người nghèo tại các tỉnh, thành phố, nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác. Nhiều địa phương lấy kinh phí từ NSNN địa phương để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cận nghèo, người mới thoát nghèo. Kinh phí giao cho mua thẻ BHYT cho các đối tượng yếm thế tăng lên hàng năm.
Lĩnh vực BHYT đã đạt được nhiều kết quả, đáp ứng về cơ bản các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm 2011 – 2015. Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ trong với cơ quan BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành, đơn vị liên qua xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHYT, trong đó, đặc biệt là việc Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực từ 01/01/2015. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BHYT ngày càng hoàn thiện, đồng bộ là nền tảng pháp lý quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển BHYT bền vững.
Lộ trình thực hiện BHYT toàn dân cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Diện bao phủ BHYT được mở rộng từ 60,9% năm 2010 lên 71,6% năm 2014, dự kiến đạt 75% dân số năm 2015. Cùng với việc mở rộng độ bao phủ dân số có BHYT, quyền lợi của người có thẻ BHYT cũng được tăng lên. Theo quy định hiện hành, hầu hết các thuốc và dịch vụ hiện có đều được BHYT chi trả. Mức đồng chi trả đã được điều chỉnh giảm đối với một số nhóm. Tính trung bình một người có thẻ BHYT đi KCB 2,1 lần/năm 2014, tăng 8,5% so với năm 2010.
Đối với các nhiệm vụ liên quan đến sử dụng tài chính y tế hiệu quả, bước đầu nghiên cứu và thực hiện đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế thông qua thí điểm sửa đổi thanh toán chi phí KCB BHYT theo định suất và theo nhóm chẩn đoán. Thực hiện lộ trình chuyển chi thường xuyên từ NSNN trực tiếp cho cơ sở KCB sang hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế theo Nghị quyết 68/2013/QH13 của Quốc hội đã đề ra. BHXH với vai trò người giữ Quỹ BHYT, thực hiện chức năng chi trả đã có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ nhằm kiểm soát chi phí KCB BHYT như thực hiện triệt để phương thức thanh toán theo phí dịch vụ có trần, giám định theo tỷ lệ, kiểm soát chặt chẽ chi phí thuốc BHYT từ khâu đấu thầu đến kiểm soát kê đơn của bác sỹ. Việc quản lý giá thuốc theo Thông tư 01/2012/TT-BYT-BTC và các văn bản liên quan đã cho thấy kết quả tích cực về việc cắt giảm chi phí thuốc thanh toán BHYT. Tại nhiều địa phương, giá trị thuốc trúng thầu đã giảm được 20 – 30% so với giá kế hoạch của các gói thầu. Kết quả phân tích chi bình quân lượt KCB ngoại trú và nội trú giai đoạn 2010 – 2014 cho thấy đà tăng cho phí đã giảm đi rõ rệt.
Tuy nhiên, dự thảo cũng nêu rõ, lĩnh vực tài chính y tế cũng còn những hạn chế nhất định. Mặc dù tỷ lệ dân số được bao phủ BHYT có tăng lên nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc mở rộng độ bao phủ cho khoảng 28% dân số còn lại chưa tham gia BHYT. Trong đó, chủ yếu là người cận nghèo, người có mức thu nhập trung bình ở khu vực phi chính thức. Việc huy động nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước cho y tế còn hạn chế. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, liên doanh, liên kết tuy kết quả có nhiều mặt tích cực nhưng cũng còn tình trạng lạm dụng kỹ thuật, xét nghiệm, chiếu chụp.
Để khắc phục những điều này, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, việc đổi mới chính sách tài chính y tế thông qua BHYT, đặc biệt là định hướng chuyển dần ngân sách cấp trực tiếp cho các BV sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT, gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế... thời gian qua đã phát huy hiệu quả và cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, hiện nay tỉ lệ chi từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe còn ở mức cao (47%), dễ dẫn đến tình trạng nghèo hóa ở những hộ gia đình có mức thu nhập trung bình khi có người ốm đau.
Đảng và Nhà nước ta đã xác định BHYT là một trong 3 trụ cột của an sinh xã hội (gồm BHXH, BHYT và bảo trợ xã hội), do đó Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ 1/1/2015) đã quy định BHYT là bắt buộc. Để thực hiện được mục tiêu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016 – 2020, cần phải đẩy nhanh lộ trình phát triển BHYT toàn dân. Nhà nước tiếp tục tăng cường hỗ trợ mua thẻ BHYT cho nhân dân, đặc biệt là các đối tượng người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội.
Trao đổi tại Hội thảo, TS Socorro Escalante - Trưởng nhóm Hệ thống y tế, WHO tại Việt Nam cho biết, Việt Nam cần khắc phục những hạn chế trong y tế, vẫn còn một số mục tiêu thiên niên kỷ Việt Nam chưa đạt được. Hệ thống y tế của Việt Nam có đáp ứng được các chương trình, chỉ tiêu đưa vào Kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020 trong điều kiện hiện nay, rất nhiều yếu tố tác động đến sức khỏe người dân như: môi trường, thói quen, văn hóa, kinh tế - xã hội, hành vi, lối sống,… T.S Socorro Escalante đề xuất, bên cạnh việc xem xét các yếu tố tác động, Việt Nam cần củng cố hệ thống y tế, nhất là vai trò quan trọng của chính quyền y tế địa phương trong chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn mới./.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT